BÀI 30. TỔNG KẾT CHƯƠNG 3 - ĐIỆN HỌC
I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Sự nhiễm điện do cọ xát – Hai loại điện tích
+ Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cách cọ xát.
Vật bị nhiễm điện (vật mang điện tích) có khả năng hút các vật nhỏ, nhẹ hoặc làm sáng bóng đèn bút thử điện.
+ Có hai loại điện tích là điện tích âm (−) và điện tích dương (+).
- Các vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau.
- Các vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.
+ Sơ lược về cấu tạo nguyên tử
|
2. Dòng điện – Nguồn điện – Sơ đồ mạch điện và chiều của dòng điện
- Dòng điện là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng. Các dụng cụ dùng điện khi có dòng điện chạy qua chúng mới có thể hoạt động.
- Nguồn điện là thiết bị cung cấp dòng điện lâu dài cho các dụng cụ điện để các dụng cụ đó hoạt động bình thường. Mỗi nguồn điện đều có hai cực: Cực dương (+) và cực âm (-).
- Khi nối nguồn điện với các thiết bị điện bằng dây nối (dây dẫn điện như kim loại) tạo thành mạch điện kín thì trong mạch có dòng điện chạy qua. Mạch điện được mô tả bằng sơ đồ và từ sơ đồ mạch điện có thể lắp mạch điện tương ứng.
- Để sơ đồ hóa một mạch điện người ta sử dụng các kí hiệu thay thế cho vật thật
+ Chiều dòng điện được quy ước là chiều đi từ cực dương qua vật dẫn về cực âm của nguồn điện.
3. Chất dẫn điện và chất cách điện – Dòng điện trong kim loại và các tác dụng của dòng điện
+ Chất dẫn điện là chất cho dòng điện đi qua. Chất dẫn điện gọi là vật liệu dẫn điện khi được dùng để làm các vật hay các bộ phận dẫn điện.
+ Chất cách điện là chất không cho dòng điện đi qua. Chất cách điện gọi là vật liệu cách điện khi được dùng để làm các vật hay các bộ phận cách điện.
+ Dòng điện trong kim loại là dòng các êlectrôn tự do dịch chuyển có hướng.
+ Các tác dụng của dòng điện:
- Tác dụng nhiệt: dòng điện đi qua mọi vật dẫn thông thường đều làm cho vật dẫn nóng lên. Ứng dụng: chế tạo bàn là, bếp điện, đèn sợi đốt, nồi cơm điện, chế tạo cầu chì.
- Tác dụng phát quang: dòng điện đi qua một số vật dẫn đặc biệt thì phát sáng. Ứng dụng: đèn sợi đốt, đèn khí phát sáng, đèn led,
- Tác dụng từ: khi dòng điện chạy qua cuộn dây dẫn trong có lõi sắt non thì cuộn dây đó trở thành một nam châm, ta gọi là nam châm điện. Ứng dụng: chuông điện, mạch đóng ngắt điện (rơle điện), điện thoại, máy phát điện, máy biến thế, các mạch điện tử của rađiô, tivi …
- Tác dụng hóa học: khi dòng điện chạy qua dung dịch muối đồng thì nó tách đồng ra khỏi dung dịch, tạo thành một lớp đồng bám trên thỏi than nối với cực âm của nguồn điện. Ứng dụng trong công nghiệp đúc điện, mạ điện (mạ vàng, mạ bạc, mạ đồng...), tinh luyện kim loại và nạp điện cho acquy...
- Tác dụng sinh lí: khi dòng điện đi qua cơ thể người hay động vật có thể gây ra những cơn co giật, tim ngừng đập, ngạt thở, thần kinh bị tê liệt và có thể chết.
4. Cường độ dòng điện – Hiệu điện thế. An toàn khi sử dụng điện
+ Cường độ dòng điện: là đại lượng đặc trưng cho độ mạnh yếu của dòng điện.
- Cường độ dòng điện kí hiệu bằng chữ I.
- Đơn vị đo cường độ dòng điện là ampe, kí hiệu là A.
- Dụng cụ để đo cường độ dòng điện là Ampe kế.
- Mắc ampe kế nối tiếp vào mạch điện cần đo cường độ dòng điện sao cho dòng điện đi vào chốt dương (+) và đi ra chốt (-) của ampe kế.
+ Nguồn điện tạo ra giữa hai cực của nó một hiệu điện thế. Trên mỗi nguồn điện có ghi giá trị hiệu điện thế giữa hai cực của nó khi chưa mắc vào mạch.
- Hiệu điện thế được kí hiệu bằng chữ U.
- Đơn vị đo hiệu điện thế là vôn, kí hiệu là V.
- Dụng cụ để đo hiệu điện thế là vôn kế.
- Mắc vôn kế song song với vật cần đo hiệu điện thế sao cho dòng điện đi vào chốt dương (+) và đi ra chốt (-) của vôn kế.
+ Hiện tượng đoản mạch là hiện tượng khi hai đầu thiết bị điện bị nối tắt bằng dây dẫn mà ta thường gọi là chập điện. Khi xảy ra hiện tượng đoản mạch, cường độ dòng điện trong mạch tăng lên rất lớn một cách đột ngột có thể làm cháy dây dẫn và gây hỏa hoạn.
+ Dòng điện đi qua cơ thể người (hay động vật) có thể gây nguy hiểm. Do đó khi sử dụng điện cần tuân thủ một số quy tắc an toàn sau:
- Phải hết sức cẩn thận khi sử dụng các nguồn điện có hiệu điện thế trên 40 V. Trong thực hành chỉ làm thí nghiệm với các nguồn điện có hiệu điện thế dưới 40V.
- Phải sử dụng các dây dẫn có vỏ bọc cách điện.
- Không được tự mình tiếp xúc với mạng điện dân dụng và các thiết bị điện nếu chưa biết rõ cách sử dụng.
- Khi sử dụng điện thì tay phải khô ráo, không được dính ướt.
- Khi có người bị điện giật thì không được chạm vào người đó mà cần phải tìm cách ngắt điện, dùng vật cách điện để đưa người bị nạn ra khỏi vùng có điện hoặc gọi người cấp cứu.
II. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Bài 1 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Đặt một câu với các từ: cọ xát, nhiễm điện.
Lời giải:
Có thể tham khảo các câu sau:
- Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cọ xát.
- Nhiều vật khi bị cọ xát trở thành các vật nhiễm điện.
Bài 2 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Có những loại điện tích nào? Các điện tích loại nào thì hút nhau? Loại nào thì đẩy nhau?
Lời giải:
+ Có hai loại điện tích là điện tích dương và điện tích âm.
+ Điện tích khác lọai (dương và âm) thì hút nhau.
+ Điện tích cùng loại (cùng dương hoặc cùng âm) thì đẩy nhau.
Bài 3 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Đặt câu hỏi với các cụm từ: vật nhiễm điện dương, vật nhiễm điện âm, nhận thêm êlectrôn, mất bớt êlectrôn.
Lời giải:
Có thể tham khảo các câu sau:
+ Vật nhiễm điện dương khi mất bớt êlectrôn.
+ Vật nhiễm điện âm khi nhận thêm êlectrôn.
Bài 4 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Điền những cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu sau đây:
a) Dòng điện là dòng ……..có hướng.
b) Dòng điện trong kim loại là dòng……….có hướng.
Lời giải:
a) Dòng điện là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng.
b) Dòng điện trong kim loại là dòng các êlectrôn tự do dịch chuyển có hướng.
Bài 5 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Các vật hay vật liệu nào sau đây là dẫn điện ở điều kiện bình thường?
a) Mảnh tôn. b) Đoạn dây nhựa. c) Mảnh nilông.
d) Không khí. e) Đoạn dây đồng. f) Mảnh sứ.
Lời giải:
Ở điều kiện bình thường:
– Các vật (vật liệu) dẫn điện là: a) Mảnh tôn; e) Mảnh dây đồng
– Các vật (vật liệu) cách điện là: b) Đoạn dây nhựa; c) mảnh polyetylen (nilon); d) không khí; f) Mảnh sứ.
Bài 6 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Kể tên 5 tác dụng chính của dòng điện.
Lời giải:
5 tác dụng chính của dòng điện là: tác dụng nhiệt, tác dụng từ, tác dụng hóa học, tác dụng sinh lí, tác dụng phát sáng.
Bài 7 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Hãy cho biết tên đơn vị của cường độ dòng điện và tên dụng cụ dùng để đo cường độ dòng điện.
Lời giải:
+ Đơn vị của cường độ dòng điện là ampe (A).
+ Dụng cụ để đo cường độ dòng điện là ampe kế.
Bài 8 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Đơn vị của hiệu điện thế là gì? Đo hiệu điện thế bằng dụng cụ nào?
Lời giải:
+ Đơn vị của hiệu điện thế là vôn (V).
+ Dụng cụ để đo hiệu điển thê là vôn kế.
Bài 9 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Đặt câu hỏi với các cụm từ: hai cực của nguồn điện, hiệu điện thế.
Lời giải:
Có thể tham khảo các câu sau:
+ Giữa hai cực của nguồn điện có một hiệu điện thế.
Bài 10 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Trong mạch điện gồm hai bóng đèn mắc nối tiếp, cường độ dòng điện và hiệu điện thế có đặc điểm gì?
Lời giải:
Trong mạch điện gồm hai bóng đèn mắc nối tiếp thì:
– Dòng điện có cường độ bằng nhau tại các vị trí khác nhau của mạch I1 = I2 = I3.
– Hiệu điện thế giữa hai đầu đoạn mạch bằng tổng hai hiệu điện thế trên mỗi đèn U13 = U12 + U23.
Bài 11 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Trong mạch điện gồm hai bóng đèn mắc song song, cường độ dòng điện và hiệu điện thế có đặc điểm gì?
Lời giải:
Trong mạch điện gồm hai bóng đèn mắc song song thì:
– Cường độ dòng điện mạch chính bằng tổng các cường độ dòng điện mạch rẽ I = I1 + I2.
– Hiệu điện thế giữa hai đầu mỗi bóng đèn và giữa hai điểm nối chung đều bằng nhau U13 = U12 = U23.
Bài 12 (trang 85 SGK Vật Lí 7):
Hãy nêu các quy tắc an toàn khi sử dụng điện.
Lời giải:
+ Phải hết sức cẩn thận khi sử dụng các nguồn điện có hiệu điện thế trên 40 V. Trong thực hành chỉ làm thí nghiệm với các nguồn điện có hiệu điện thế dưới 40V.
+ Phải sử dụng các dây dẫn có vỏ bọc cách điện.
+ Không được tự mình tiếp xúc với mạng điện dân dụng và các thiết bị điện nếu chưa biết rõ cách sử dụng.
+ Khi sử dụng điện thì tay phải khô ráo, không được dính ướt.
+ Khi có người bị điện giật thì không được chạm vào người đó mà cần phải tìm cách ngắt điện, dùng vật cách điện để đưa người bị nạn ra khỏi vùng có điện hoặc gọi người cấp cứu.
III. VẬN DỤNG
Bài 1 (trang 86 SGK Vật Lí 7):
Trong các cách sau đây, cách nào làm thước nhựa dẹt nhiễm điện?
A. Đập nhẹ nhiều lần thước nhựa xuống mặt quyên vở.
B. Áp sát thước nhựa vào thành một bình nước ấm.
C. Chiếu sáng ánh đèn pin vào thước nhựa.
D. Cọ xát mạnh thước nhựa bằng miếng vải khô.
Lời giải: Chọn D.
Cọ xát mảnh thước nhựa bằng miếng vải khô sẽ làm thước nhựa nhiễm điện do cọ xát.
Bài 2 (trang 86 SGK Vật Lí 7):
Trong mỗi hình 30.1a, b, c, d cả hai vật A, B đều bị nhiễm điện và được treo bằng các sợi chỉ mảnh. Hãy ghi dấu điện tích (+ hay -) cho vật chưa ghi dấu.
Lời giải:
Ghi dấu cho các điện tích trên cơ sở: các điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, trái dấu thì hút nhau.
Bài 3 (trang 86 SGK Vật Lí 7):
Cọ xát mảnh nilông bằng một miếng len, cho rằng mảnh nilông bị nhiễm điện âm. Khi đó vật nào trong hai vật này nhận thêm êlectrôn, vật nào mất bớt êlectrôn?
Lời giải:
Mảnh nilông bị nhiễm điện âm, tức là nhận thêm êlectrôn nên miếng len bị mất bớt êlectrôn do chuyển sang mảnh nilông. Miếng len bị nhiễm điện dương.
Bài 4 (trang 86 SGK Vật Lí 7):
Trong các sơ đồ mạch điện dưới đây, sơ đồ nào có mũi tên chỉ đúng chiều quy ước của dòng điện?
Lời giải:
Sơ đồ c có mũi tên chỉ đúng chiều quy ước của dòng điện: đi từ cực dương qua vật tiêu thụ điện đến cực âm của nguồn điện trong mạch kín.
Bài 5 (trang 86 SGK Vật Lí 7):
Trong 4 thí nghiệm được bố trí như hình 30.3, thí nghiệm nào tương ứng với mạch điện kín và bóng đèn sáng?
Lời giải:
Len, nhựa là các vật liệu cách điện nên mạch a), b) và d) không thể tạo thành mạch điện kín và bóng đèn không sáng. Ở thí nghiệm c) tương ứng với mạch điện kín và bóng đèn sáng. (Mạch điện kín gồm các vật dẫn mắc nối tiếp với nhau rồi mắc vào 2 cực của nguồn điện).
Bài 6 (trang 87 SGK Vật Lí 7):
Có 5 nguồn điện loại 1,5 V, 3 V, 6 V, 9 V, 12 V và hai bóng đèn giống nhau đều ghi 3 V. Cần mắc nối tiếp hai bóng đèn này vào một trong năm nguồn điện trên. Dùng nguồn điện nào phù hợp nhất? Vì sao?
Lời giải:
Hiệu điện thế định mức trên mỗi bóng đèn là 3 V. Khi mắc nối tiếp hai bóng đèn đó, hiệu điện thế tổng cộng của mạch là 6 V, do đó cần chọn loại nguồn điện loại 6 V thì các đèn sẽ sáng bình thường.
(Có thể mắc với nguồn điện 1,5 V hoặc 3 V nhưng hai bóng đèn sáng yếu, không thể mắc với nguồn điện 9 V hay 12 V vì khi vượt quá hiệu điện thế định mức ghi trên đèn thì đèn có thể sẽ cháy dây tóc).
Như vâỵ dùng nguồn điện loại 6 V là phù hợp nhất.
Bài 7 (trang 87 SGK Vật Lí 7):Trong mạch điện có sơ đồ như hình 30.4, biết số chỉ ampe kế A là 0,35 A; của ampe kế A1 là 0,12 A. Số chỉ ampe kế A2 là bao nhiêu? |
Lời giải:
+ Ampe kế A đo dòng điện mạch chính nên I = 0,35 A
+ Ampe kế A1 đo dòng điện qua nhánh 1 nên I1 = 0,12 A
+ Ampe kế A2 đo dòng điện qua nhánh 2 với số chỉ là I2
Vì cường độ dòng điện trong mạch chính bằng tổng cường độ dòng điện trong các mạch nhánh nên số chỉ của ampe kế A2 là: I2 = I – I1 = 0,35 – 0,12 = 0,23 A.
IV. TRÒ CHƠI Ô CHỮ
Theo hàng ngang: 1. Một trong hai cực của pin. 2. Quy tắc phải thực hiện khi sử dụng điện. 3. Vật cho dòng điện đi qua. 4. Một tác dụng của dòng điện. 5. Lực tác dụng giữa hai điện tích cùng loại. 6. Một tác dụng của dòng điện. 7. Dụng cụ cung cấp dòng điện lâu dài. 8. Dụng cụ dùng để đo hiệu điện thế. Từ hàng dọc là gì? |
Lời giải:
1. Một trong hai cực của pin (CỰC DƯƠNG).
2. Quy tắc phải thực hiện khi sử dụng điện (AN TOÀN ĐIỆN).
3. Vật cho dòng điện đi qua (VẬT DẪN ĐIỆN).
4. Một tác dụng của dòng điện (PHÁT SÁNG).
5. Lực tác dụng giữa hai điện tích cùng loại (LỰC ĐẨY).
6. Một tác dụng của dòng điện (NHIỆT).
7. Dụng cụ cung cấp dòng điện lâu dài (NGUỒN ĐIỆN).
8. Dụng cụ dùng để đo hiệu điện thế (VÔN KẾ).
Từ hàng dọc: DÒNG ĐIỆN
Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 7 bài ôn tập chương 3 điện học do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.