ican
Giải SGK Vật lý 7
Bài 1: Nhận biết ánh sáng – Nguồn sáng và vật sáng.

NHẬN BIẾT ÁNH SÁNG – NGUỒN SÁNG VÀ VẬT SÁNG

Vật Lý 7 bài Nhận biết ánh sáng - Nguồn sáng và vật sáng: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa Nhận biết ánh sáng - Nguồn sáng và vật sáng: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn.

Ican

BÀI 1. NHẬN BIẾT ÁNH SÁNG – NGUỒN SÁNG VÀ VẬT SÁNG

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Khi nào ta nhận biết được ánh sáng?

Ta nhận biết được ánh sáng khi có ánh sáng truyền vào mắt ta.

2. Khi nào ta nhìn thấy một vật?

Ta nhìn thấy một vật khi có ánh sáng truyền từ vật đó vào mắt ta

Ta trông thấy màu sắc trên bong bóng xà phòng vì có ánh sáng truyền từ nó đến mắt ta

Ta trông thấy những chiếc đèn lồng rực rỡ màu sắc vì có ánh sáng truyền từ nó đến mắt ta

 

3. Nguồn sáng và vật sáng

+ Nguồn sáng là vật tự nó phát ra ánh sáng

Mặt trời là một nguồn sáng tự nhiên chiếu sáng mọi vật

Ngọn nến đang cháy là một nguồn sáng

Bóng đèn đang sáng là một nguồn sáng

- Vật sáng bao gồm cả nguồn sáng (như ngọn nến, ngọn lửa, mặt trời) và những vật hắt lại ánh sáng chiếu vào nó (như Mặt Trăng hay quyển sách, cây bút, bàn ghế ban ngày hay dưới ngọn đèn).

Mặt trời là một nguồn sáng tự nhiên chiếu sáng mọi vật

Mặt trăng là vật được chiếu sáng bởi mặt trời

Lưu ý: Vật đen là vật không tự phát ra ánh sáng và cũng không hắt lại ánh sáng chiếu vào nó. Sở dĩ ta nhận ra được vật đen vì nó đặt bên cạnh những vật sáng khác.

4. Một số ứng dụng trong đời sống và kĩ thuật

Mọi sinh hoạt trong lao động, học tập và giải trí đều cần phải có ánh sáng. Nhờ ánh sáng mà ta có thể nhìn thấy được mọi vật.

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Dạng 1. Giải thích vì sao ta nhìn thấy một vật hay không nhìn thấy vật

Để nhìn thấy được một vật cần phải có hai điều kiện:

  • Phải có ánh sáng từ vật đó phát ra.
  • Ánh sáng từ vật phát ra đó phải truyền được đến mắt ta.

Nếu thiếu một trong hai điều kiện trên thì ta không thể nhìn thấy được vật.

Dạng 2. Nhận biết, phân biệt nguồn sáng và vật sáng

Để nhận biết nguồn sáng ta căn cứ vào nguồn gốc để xếp thành hai loại nguồn sáng:

  • Nguồn sáng tự nhiên: Mặt Trời, núi lửa đang hoạt động, con đom đóm...
  • Nguồn sáng nhân tạo: Bếp ga đang cháy, que diêm đang cháy...

Để nhận biết vật sáng ta chia vật sáng thành hai loại:

  • Nguồn sáng.
  • Vật hắt lại ánh sáng: Những vật không tự phát ra ánh sáng nhưng hắt lại ánh sáng khi có ánh sáng chiếu vào nó.

Phân biệt nguồn sáng và vật sáng

+ Giống nhau: Cả nguồn sáng và vật sáng đều có ánh sáng từ nó phát ra.

+ Khác nhau:

  • Nguồn sáng: Là những vật tự nó phát ra ánh sáng.
  • Vật sáng: Có thể là những vật không tự phát ra ánh sáng mà chỉ hắt lại ánh sáng khi được nguồn sáng khác chiếu vào.

Vậy ta có thể nói: Nguồn sáng là vật sáng chứ không thể nói: Vật sáng là nguồn sáng.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 4 SGK Vật Lí 7):

Những trường hợp mắt ta nhận biết được ánh sáng, có điều kiện gì giống nhau?

Trả lời:

  • Trong những trường hợp mắt ta nhận biết được ánh sáng, có điều kiện giống nhau là có ánh sáng truyền vào mắt.
  • Kết luận: Mắt ta nhận biết được ánh sáng khi có ánh sáng truyền vào mắt ta.

Câu C2 (trang 4 SGK Vật Lí 7):

Bố trí thí nghiệm như hình 1.2a. Mảnh giấy trắng dán trên thành màu đen bên trong một hộp kín. Trường hợp nào dưới đây ta nhìn thấy mảnh giấy trắng?

a. Đèn sáng (hình 1.2a).

b. Đèn tắt (hình 1.2b).

Vì sao lại nhìn thấy?

 

Trả lời:

  • Ta nhìn thấy mảnh giấy trắng khi đèn bật sáng. Đó là vì đèn chiếu sáng mảnh giấy rồi mảnh giấy hắt lại ánh sáng, cuối cùng ánh sáng truyền vào mắt ta. Vậy ta nhìn thấy mảnh giấy trắng vì có ánh sáng từ mảnh giấy truyền vào mắt ta.
  • Kết luận: Ta nhìn thấy một vật khi có ánh sáng từ vật đó truyền vào mắt ta.

Câu C3 (trang 5 SGK Vật Lí 7):

Trong các thí nghiệm ở hình 1.2a và 1.3 ta nhìn thấy mảnh giấy trắng và dây tóc bóng đèn phát sáng vì từ hai vật đó đều có ánh sáng đến mắt ta. Vật nào tự phát ra ánh sáng, vật nào hắt lại ánh sáng do vật khác chiếu tới?

Trả lời:

– Vật tự phát sáng là dây tóc bóng đèn.

– Vật hắt lại ánh sáng do vật khác chiếu tới là mảnh giấy trắng.

Kết luận:

  • Dây tóc bóng đèn tự nó phát ra ánh sáng gọi là nguồn sáng.
  • Dây tóc bóng đèn phát sáng và mảnh giấy trắng hắt lại ánh sáng từ vật khác chiếu vào nó gọi chung là vật sáng.

Câu C4 (trang 5 SGK Vật Lí 7):

Trong cuộc tranh luận được nêu ở phần mở bài, bạn nào đúng? Vì sao?

Thanh đố Hải: Đặt một cái đèn pin nằm ngang trước mắt sao cho không nhìn thấy bóng đèn. Bấm công tắc đèn pin, mắt ta có nhìn thấy ánh sáng trực tiếp từ đèn phát ra không? Vì sao? (hình 1.1)

- Hải: Tất nhiên là nhìn thấy vì đèn pin đã bật sáng.

- Thanh cãi: Đèn không chiếu thẳng vào mắt làm sao mà nhìn thấy được.

Bạn nào đúng?

Trả lời:

Thanh đúng; Hải sai; vì ánh sáng từ bóng đèn không trực tiếp truyền tới mắt.

Câu C5 (trang 5 SGK Vật Lí 7):

Trong thí nghiệm ở hình 1.1, nếu ta thắp một nắm hương để cho khói bay lên ở phía trước đèn pin, ta sẽ nhìn thấy một vệt sáng từ đèn phát ra xuyên qua khói. Giải thích vì sao? Biết rằng khói gồm các hạt nhỏ li ti bay lơ lửng.

Trả lời:

Các hạt khói gồm các hạt nhỏ li ti nên khi được đèn chiếu sáng trở thành vật sáng, các vật sáng nhỏ li ti xép gần nhau tạo thành một vệt sáng truyền đến mắt ta. Do vậy ta sẽ nhìn thấy một vệt sáng từ đèn phát ra xuyên qua khói.

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 7 bài Nhận biết ánh sáng - Nguồn sáng và vật sáng do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (233)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy