ican
Giải SGK Vật lý 7
Bài 15: Chống ô nhiễm tiếng ồn.

CHỐNG Ô NHIỄM TIẾNG ỒN

Vật Lý 7 bài chống ô nhiễm tiếng ồn: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa chống ô nhiễm tiếng ồn: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn.

Ican

BÀI 15. CHỐNG Ô NHIỄM TIẾNG ỒN

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Nhận biết ô nhiễm tiếng ồn

  • Khi môi trường có tiếng ồn to, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người thì môi trường đó bị ô nhiễm tiếng ồn.

2. Các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn

Ba biện pháp cơ bản chống ô nhiễm tiếng ồn là

  • Tác động vào nguồn âm: giảm độ to của nguồn âm bằng cách giảm biên độ dao động. Ví dụ: vặn nhỏ tiếng đài, lắp ống xả cho xe máy, treo các biển cấm gây tiếng động mạnh

  • Phân tán âm trên đường truyền: chuyển hướng âm truyền đi theo đường khác bằng cách trồng nhiều cây xanh, xây tường chắn,…để khi âm đến gặp lá cây hoặc mặt tường sẽ phản xạ theo các hướng khác nhau.

  • Ngăn chặn sự truyền âm: tác động để môi trường truyền âm hấp thụ bớt âm như xây tường chắn giữa nguồn âm và tai nghe, che chắn nguồn âm bằng cách dùng các vật liệu cách âm như xốp, phủ dạ, nhung, cửa kính hai lớp,..., che chắn bằng cách bịt tai,

Dán xốp cách âm ở các phòng karaoke

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Dạng 1. Nhận biết môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn

  • Ta dựa vào định nghĩa: Ô nhiễm tiếng ồn là khi tiếng ồn to, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người.

Dạng 2. Đưa ra các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn trong từng trường hợp cụ thể

Ta dựa vào 3 nguyên tắc cơ bản sau để đề xuất phương án chống ô nhiễm tiếng ồn phù hợp.

  • Tác động vào nguồn âm.
  • Phân tán âm trên đường truyền.
  • Ngăn chặn sự truyền âm.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 43 SGK Vật Lí 7):

Hình nào trong các hình 15.1, 15.2, 15.3 thể hiện tiếng ồn đến mức ô nhiễm tiếng ồn? Vì sao em biết?

Trả lời:

+ Các hình thể hiện tiếng ồn đến mức ô nhiễm tiếng ồn là:

  • Hình 15.2. Vì tiếng ồn máy khoan to, gây ảnh hưởng đến việc gọi điện thoại và gây điếc tai người thợ khoan.
  • Hình 15.3. Vì tiếng ồn to kéo dài từ chợ, gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

+ Kết luận: tiếng ồn gây ô nhiễm gây tiếng ồn to và kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.

Câu C2 (trang 43 SGK Vật Lí 7):

Trường hợp nào sau đây có ô nhiễm tiếng ồn?

a) Tiếng hét rất to sát tai.

b) Làm việc cạnh máy xay xát thóc, gạo, ngô…,

c) Nhà ở cạnh chợ.

d) Bệnh viện, trạm xá ở cạnh chợ.

Trả lời: Chọn b; c; d.

  • Làm việc cạnh máy xay xát thóc, gạo, ngô…; Nhà ở cạnh chợ; Bệnh viện, trạm xá ở cạnh chợ đều có ô nhiễm tiếng ồn vì tiếng ồn (nổ lớn) của động cơ xay xát và tiếng ồn của chợ thường kéo dài gây cảm giác khó chịu.
  • Tiếng hét rất to sát tai không gây ô nhiễm tiếng ồn vì tiếng hét to nhưng không kéo dài.

Câu C3 (trang 44 SGK Vật Lí 7):

Từ các thông tin về các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn giao thông nêu trên, hãy điền các biện pháp cụ thể làm giảm tiếng ồn vào chỗ trống trong bảng dưới đây:

Cách làm giảm tiếng ồn

Biện pháp cụ thể làm giảm tiếng ồn

1) Tác động vào nguồn âm

………………

2) Phân tán âm trên đường truyền

………………

3) Ngăn không cho âm truyền đến tai

………………

 

Trả lời:

Cách làm giảm tiếng ồn

Biện pháp cụ thể làm giảm tiếng ồn

1) Tác động vào nguồn âm

Cấm bóp còi vào các giờ quy định

2) Phân tán âm trên đường truyền

Trồng cây xanh

3) Ngăn không cho âm truyền đến tai

Xây tường chắn, làm trần nhà, tường nhà bằng xốp, tường phủ, đóng cửa …

 

Câu C4 (trang 44 SGK Vật Lí 7):

a) Hãy nêu một số vật liệu thường được dùng dể ngăn chặn âm, làm cho âm truyền qua ít.

b) Hãy nêu tên một số vật liệu phản xạ âm tốt thường được dùng để cách âm.

Trả lời:

a) Một số vật liệu thường được dùng dể ngăn chặn âm, làm cho âm truyền qua ít như: gạch, bêtông, gỗ….

b) Một số vật liệu phản xạ âm tốt thường được dùng để cách âm như: kính, lá cây …

Câu C5 (trang 44 SGK Vật Lí 7):

Hãy đề ra những biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn có thể thực hiện được đối với hình vẽ 15.2; 15.3.

Trả lời:

Những biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn có thể thực hiện được:

  • Đối với hình 15.2 là: yêu cầu trong giờ làm việc tiếng ồn máy khoan không quá 80 dB; người thợ khoan cần dùng bông nút kín tai hoặc đeo cái bịt tai lúc làm việc.
  • Người phụ nữ có thể đóng kín cửa phòng, treo màn bằng vật liệu cách âm để giảm tiếng ồn truyền vào phòng.
  • Đối với hình 15.3: xây tường gạch dày và cao ngăn cách giữa tường và chợ để ngăn cách giữ chợ và lớp học, đóng các cửa phòng học, xây tường chắn bằng vật liệu cách âm, trồng cây xung quanh, phức tạp hơn là chuyển lớp học hoặc chợ đi nơi khác …

Câu C6 (trang 44 SGK Vật Lí 7):

Hãy chỉ ra trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn gần nơi em sống và đề ra một vài biện pháp chống sự ô nhiễm tiếng ồn đó.

Trả lời:

Một số ví dụ về các phương án và biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn có thể là:

  • Làm việc cạnh nơi nổ mìn, phá đá.

Biện pháp: bịt, nút tai khi làm việc.

  • Tiếng lợn, bò kêu vào sáng sớm hàng ngày tại lò mổ gần nhà.

Biện pháp: Đề nghị chuyển lò mổ tới nơi xa vùng dân cư; xây tường chắn xung quanh, trong phòng nên dùng vật liệu cách âm.

  • Gần nhà có điểm hát karaoke suốt ngày đêm gây ô nhiễm tiếng ồn.

Biện pháp: Đề nghị điểm hát karaoke làm phòng kín xây tường sần sùi, hoặc lát những vật liệu cách âm như mút cao su, miếng xốp…

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 7 bài chống ô nhiễm tiếng ồn do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (477)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy