ican
Giải SGK Vật lý 7
Bài 23: Tác dụng từ, tác dụng hoá học và tác dụng sinh lí của dòng điện.

TÁC DỤNG TỪ, TÁC DỤNG HOÁ HỌC VÀ TÁC DỤNG SINH LÍ CỦA DÒNG ĐIỆN

Vật Lý 7 bài tác dụng từ tác dụng hóa học và tác dụng sinh lí của dòng điện: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa tác dụng từ tác dụng hóa học và tác dụng sinh lí của dòng điện: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BÀI 23. TÁC DỤNG TỪ, TÁC DỤNG HOÁ HỌC VÀ TÁC DỤNG SINH LÍ CỦA DÒNG ĐIỆN

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Tác dụng từ

+ Cuộn dây dẫn cuốn quanh lõi sắt non khi có dòng điện chạy qua thì nó có khả năng:

- Làm quay kim nam châm đặt gần nó.

- Hút được các vật bằng sắt, thép như một nam châm.

+ Vậy khi dòng điện chạy qua cuộn dây dẫn trong có lõi sắt non thì cuộn dây đó trở thành một nam châm, ta gọi là nam châm điện. Ta nói dòng điện có tác dụng từ.

+ Ứng dụng: Tác dụng từ của dòng điện được ứng dụng trong nhiều thiết bị kĩ thuật điện như chuông điện, mạch đóng ngắt điện (rơle điện), điện thoại, máy phát điện, máy biến thế, các mạch điện tử của rađiô, tivi …

2. Tác dụng hóa học

+ Khi dòng điện chạy qua dung dịch muối đồng thì nó tách đồng ra khỏi dung dịch, tạo thành một lớp đồng bám trên thỏi than nối với cực âm của nguồn điện. Ta nói dòng điện có tác dụng hóa học.

+ Ứng dụng trong công nghiệp đúc điện, mạ điện (mạ vàng, mạ bạc, mạ đồng...), tinh luyện kim loại và nạp điện cho acquy...

3. Tác dụng sinh lí

+ Nếu dòng điện đi qua cơ thể người hay động vật có thể gây ra những cơn co giật, tim ngừng đập, ngạt thở, thần kinh bị tê liệt và có thể chết. Ta nói dòng điện có tác dụng sinh lí.

+ Lưu ý:

- Dòng điện có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Cho nên phải hết sức thận trọng khi dùng điện, nhất là với mạng điện gia đình.

- Trong y học, người ta vẫn có thể dùng dòng điện để chữa một số bệnh (Máy kích tim: Khi tim đã ngừng đập, người ta có thể dùng liệu pháp sốc điện để cố gắng kích thích tim đập lại với hi vọng duy trì sự sống; Máy châm cứu: Chữa các bệnh tai biến, đau đầu, đau lưng, méo mồm miệng, đầy bụng, thoái hóa khớp, giảm thị lực...)

- Ngoài các tác dụng trên ta có thể nói dòng điện có tác dụng cơ học. Vì khi dòng điện chạy qua động cơ thì làm quay động cơ. Tác dụng cơ học có ứng dụng là chế tạo động cơ điện dùng trong đời sống hàng ngày như: quạt điện, máy bơm nước, máy xay...

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

+ Xác định tác dụng từ của dòng điện : Dựa vào khả năng hút nam châm, hút sắt của các vật dẫn khi có dòng điện chạy qua.

+ Xác định tác dụng hóa học của dòng điện : Dựa vào khả năng làm thay đổi chất trong các dung dịch muối của kim loại khi có dòng điện chạy qua.

+ Xác định tác dụng sinh lí của dòng điện : Dựa vào những biểu hiện của cơ thể khi có dòng điện chạy qua.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 63 SGK Vật Lí 7):

Quan sát thí nghiệm hình 23.1 và trả lời các câu hỏi sau:

a) Đưa một đầu cuộn dây lại gần các đinh sắt nhỏ, các mẩu dây đồng hoặc nhôm. Quan sát xem có hiện tượng gì xảy ra khi công tắc ngắt và công tắc đóng.

b) Đưa một kim nam châm lại gần một đầu cuộn dây và đóng công tắc. Hãy cho biết, cực nào của kim nam châm bị hút, cực nào bị đẩy.

Trả lời:

a) Khi công tắc đóng, cuộn dây hút đinh sắt nhỏ. Khi ngắt công tắc, đinh sắt nhỏ rơi ra.

b) Đưa một kim nam châm lại gần một cuộn dây và đóng công tắc thì một cực của kim nam châm bị hút, cực kia bị đẩy. Khi đảo đầu cuộn dây, cực của nam châm lúc trước bị hút thì nay bị đẩy và ngược lại.

Kết luận:

1. Cuộn dây dẫn quấn quanh lõi sắt non có dòng điện chạy qua là nam châm điện.

2. Nam châm điện (có tính chất từ) vì nó có khả năng làm quay kim nam châm hoặc hút các vật bằng sắt hoặc thép.

Câu C2 (trang 64 SGK Vật Lí 7):

Hình 23.2 mô tả cấu tạo của chuông điện, trong đó miếng sắt được gắn với lá thép đàn hồi và khi công tắc chưa đóng, miếng sắt luôn tì sát vào tiếp điểm.

Khi đóng công tắc, có hiện tượng gì xảy ra với cuộn dây, với miếng sắt và với đầu gõ chuông?

Trả lời:

Khi đóng công tắc, dòng điện đi qua cuộn dây và cuộn dây trở thành nam châm điện. Khi đó cuộn dây hút miếng sắt làm cho đầu gõ chúng đập vào chuông, chuông kêu.

Câu C3 (trang 64 SGK Vật Lí 7):

Ngay sau đó, mạch điện bị hở. Hãy chỉ ra chỗ hở mạch này. Giải thích tại sao miếng sắt khi đó lại trở về tì sát vào tiếp điểm.

Trả lời:

+ Chỗ hở của mạch là chỗ miếng sắt bị hút nên rời khỏi tiếp điểm.

+ Khi mạch hở, cuộn dây không có dòng điện đi qua nên mất tính chất từ, do đó không hút miếng sắt nữa. Do tính chất đàn hồi của thanh kim loại nên miếng sắt lại trở về tì sát vào tiếp điểm.

Câu C4 (trang 64 SGK Vật Lí 7):

Tại sao chuông kêu liên tiếp chừng nào công tắc còn đóng?

Trả lời:

Khi miếng sắt trở lại tì sát vào tiếp điểm, mạch kín và cuộn dây lại có dòng điện chạy qua và lại có tính chất từ. Cuộn dây lại hút miếng sắt và đầu gõ chuông lại đập vào làm chuông kêu. Mạch lại bị hở. Như vậy có sự đóng ngắt mạch điện tự động và liên tục tại tiếp điểm nên chuông điện reo liên tục khi công tắc đóng.

Câu C5 (trang 64 SGK Vật Lí 7):

Quan sát thí nghiệm của giáo viên (hình 23.3).

Quan sát đèn khi công tắc đóng và cho biết dung dịch muối đồng sunfat (CuSO4) là chất dẫn điện hay cách điện?

Trả lời:

Khi K đóng thì đèn sáng, chứng tỏ có dòng điện chạy qua mạch (nghĩa là có dòng điện chạy qua dung dịch muối đồng) Þ dung dịch muối đồng sunphat là chất dẫn điện.

Câu C6 (trang 64 SGK Vật Lí 7):

Thỏi than nối với cực âm lúc trước đó có màu đen. Sau vài phút thí nghiệm nó được phủ một lớp màu gì?

Trả lời:

Phần thỏi than gắn vào cực âm của nguồn điện biến đổi dần từ màu đen sang màu hơi đỏ gạch.

Kết luận: Dòng điện đi qua dung dịch muối đồng làm cho thỏi than nối với cực âm được phủ một lớp đồng.

Câu C7 (trang 65 SGK Vật Lí 7):

Vật nào dưới đây có tác dụng từ?

A. Một pin còn mới đặt riêng trên bàn.

B. Một mảnh nilông đã được cọ xát mạnh.

C. Một cuộn dây dẫn đang có dòng điện chạy qua.

D. Một đoạn băng dính.

Trả lời: Chọn C.

Một cuộn dây dẫn đang có dòng điện chạy qua thì nó có tính chất từ.

Câu C8 (trang 65 SGK Vật Lí 7):

Dòng điện không có tác dụng nào dưới đây?

A. Làm tê liệt thần kinh.

B. Làm quay kim nam châm

C. Làm nóng dây dẫn.

D. Hút các vụn giấy.

Trả lời: Chọn D.

+ Do có tác dụng sinh lí nên dòng điện có khả năng làm tê liệt thần kinh.

+ Do có tác dụng từ nên dòng điện có thể làm quay kim nam châm.

+ Do có tác dụng nhiệt nên dòng điện có thể làm nóng dây dẫn.

+ Dòng điện không có tác dụng hút các giấy vụn.

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 7 bài tác dụng từ tác dụng hóa học và tác dụng sinh lí của dòng điện do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

 

 

Đánh giá (393)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy