BÀI 17. SỰ NHIỄM ĐIỆN DO CỌ XÁT
I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Thế nào là vật nhiễm điện?
Vật nhiễm điện là vật có khả năng hút các vật khác hoặc phóng tia lửa điện sang các vật khác.
Chiếc lược nhựa nhiễm điện hút các mảnh giấy vụn | Các đám mây nhiễm điệm có khả năng phát tia lửa điện tạo ra ánh chớp chói lóa trên bầu trời. |
2. Có thể làm nhiễm điện các vật bằng cọ xát
Một vật có thể bị nhiễm điện bằng nhiều cách khác nhau, trong đó đơn giản nhất là sự nhiễm điện do cọ xát. Nhiều vật khi bị cọ xát trở thành các vật nhiễm điện.
- Bằng cọ xát có thể làm nhiễm điện nhiều chất như nhựa, nilông, thuỷ tinh, cao su, vải lụa, len, giấy... Nhờ cọ xát cũng có thể làm nhiễm điện vật bằng kim loại có cán cầm bằng chất cách điện. (Điều này giải thích sự nhiễm điện của vỏ máy bay hay vỏ ôtô khi chuyển động nhanh, cọ xát với không khí).
- Khi thời tiết ẩm, sự nhiễm điện do cọ xát rất khó xảy ra. Trong trường hợp này cần sấy khô các dụng cụ thí nghiệm, đặc biệt là các mảnh vải, lụa, len dùng để cọ xát.
- Hiện tượng khi cởi áo ngoài bằng len, bằng sợi tổng hợp vào những ngày thời tiết khô ráo, đặc biệt là lúc hanh khô thấy có tiếng lách tách nhỏ và chớp sáng nhỏ tương tự với hiện tượng sấm sét trong tự nhiên. Đó là do cọ xát gây ra sự nhiễm điện và sự phóng điện giữa các vật nhiễm điện với nhau.
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
1. Làm cho một vật bị nhiễm điện do cọ xát bằng cách cọ xát vật đó vào len, dạ hoặc vải khô.
2. Nhận biết một vật có bị nhiễm điện hay chưa bằng các dấu hiệu sau:
- Đưa vật cần nhận biết lại gần các vật nhẹ, nhỏ như lông chim, mẩu giấy vụn, dòng nước nhỏ …
⇒ Nếu vật đó hút được các vật nhỏ thì vật đó đã nhiễm điện.
⇒ Nếu vật đó không hút được các vật nhỏ thì vật đó chưa nhiễm điện.
- Với một số vật nhiễm điện khác có thể dùng bút thử điện, 1 đầu tiếp xúc với tay, 1 đầu tiếp xúc với vật cần nhận biết.
⇒ Nếu bút thử điện sáng thì vật đó đã nhiễm điện.
⇒ Nếu bút thử điện không sáng thì vật đó chưa nhiễm điện.
III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Câu C1 (trang 49 SGK Vật Lí 7):
Giải thích tại sao vào những ngày thời tiết khô ráo, đặt biệt là những ngày hanh khô, khi chải đầu bằng lược nhựa, nhiều sợi tóc bị lược nhựa hút kéo thẳng ra?
Trả lời:
Khi ta chải đầu bằng lược nhựa, lược nhựa và tóc cọ xát vào nhau. Cả lược nhựa và tóc đều bị nhiễm điện. Do đó, tóc bị lược nhựa hút kéo thẳng ra.
Câu C2 (trang 49 SGK Vật Lí 7):
Khi thổi vào mặt bàn, bụi bay đi. Tại sao cánh quạt điện thổi gió mạnh, sau một thời gian lại có nhiều bụi bám vào cánh quạt, đặc biệt ở mép cánh quạt chém vào không khí?
Trả lời:
- Khi thổi vào mặt bàn, bụi bay đi vì mặt bàn chưa nhiễm điện nên không hút được bụi do đó khi thổi bụi trên nó sẽ bay đi.
- Cánh quạt điện khi quay cọ xát mạnh với không khí và bị nhiễm điện, vì thế cánh quạt hút các hạt bụi có trong không khí ở gần nó. Mép cánh quạt chém vào không khí được cọ xát mạnh nhất nên nhiễm điện nhiều nhất. Do đó, chỗ mép cánh quạt hút bụi mạnh nhất và bụi bám ở mép cánh quạt nhiều nhất.
Câu C3 (trang 49 SGK Vật Lí 7):
Vào những ngày thời tiết khô ráo, lau chùi gương soi, kính cửa sổ hay màn hình ti vi bằng khăn bông khô thì vẫn thấy có bụi vải bám vào chúng. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Vào những ngày thời tiết khô ráo, khi lau chùi gương soi, kính cửa sổ hay màn hình tivi bằng khăn bông khô thì chúng bị cọ xát và bị nhiễm điện. Vì thế chúng hút các bụi vải nên bụi vải vẫn bám vào chúng.
Ghi chú: Muốn cho gương soi, màn hình ti vi sạch bụi được lâu ta nên lau bằng giấy báo ẩm, vì lau như vậy có thể không làm cho mặt gương hay màn hình ti vi nhiễm điện.
Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 7 bài bài tập sự nhiễm điện do cọ xát do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ