ican
Giải SGK Vật lý 7
Bài 18: Hai loại điện tích.

HAI LOẠI ĐIỆN TÍCH

Vật Lý 7 bài hai loại điện tích: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa hai loại điện tích: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BÀI 18. HAI LOẠI ĐIỆN TÍCH

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Hai loại điện tích

+ Có hai loại điện tích đó là điện tích âm (-) và điện tích dương (+).

Khi thanh thủy tinh cọ xát vào lụa thì:

  • Thanh thủy tinh mang điện tích dương (+) và được gọi là vật nhiễm điện dương.
  • Mảnh lụa mang điện tích âm (-) và được gọi là vật nhiễm điện âm.

Khi mảnh pôliêtilen cọ xát vào len thì:

  • Mảnh len mang điện tích dương (+) và được gọi là vật nhiễm điện dương.
  • Mảnh pôliêtilen mang điện tích âm (-) và được gọi là vật nhiễm điện âm.

+ Các vật nhiễm điện khi đặt gần nhau thì chúng tác dụng lực lên nhau (gọi là tương tác điện).

  • Hai vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau.
  • Hai vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.

2. Sơ lược về cấu tạo nguyên tử

  • Mọi vật được cấu tạo từ các nguyên tử rất nhỏ.
  • Mỗi nguyên tử là một hạt rất nhỏ gồm một hạt nhân mang điện tích dương nằm ở tâm, xung quanh là các êlectron mang điện tích âm chuyển động tạo thành lớp vỏ của nguyên tử.
  • Tổng các điện tích âm của các êlectron có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử trung hòa về điện.
  • Êlectron có thể dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác trong cùng một vật hay từ vật này sang vật khác.

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Dạng 1. Xác định loại điện tích của vật bị nhiễm điện.

Để xác định loại điện tích của vật bị nhiễm điện ta có thể sử dụng các dấu hiệu sau:

+ Dấu hiệu 1: Bình thường các vật trung hòa về điện, dựa vào sự thừa hay thiếu êlectron để kết luận loại điện tích của vật.

  • Nếu vật nhận thêm (thừa) êlectron thì vật mang điện tích âm.
  • Nếu vật mất bớt (thiếu) êlectron thì vật mang điện tích dương.

+ Dấu hiệu 2: Dựa vào sự tương tác điện giữa các loại điện tích. Đưa vật cần xác định lại gần một vật nhiễm điện đã biết trước loại điện tích.

  • Nếu hai vật đẩy nhau thì hai vật đó nhiễm điện cùng loại.
  • Nếu hai vật hút nhau thì hai vật đó nhiễm điện khác loại.

Dạng 2. Giải thích các hiện tượng nhiễm điện và tương tác điện.

+ Dựa vào cấu tạo nguyên tử của vật: Khi hai vật trung hòa cọ xát với nhau thì chúng bị nhiễm điện nhưng khác loại.

+ Dựa vào kết luận tương tác điện giữa các vật:

  • Các vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau.
  • Các vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu C1 (trang 51 SGK Vật Lí 7):

Đặt thanh nhựa sẫm màu lên trục quay sau khi đã được cọ xát bằng mảnh vải khô. Đưa mảnh vải này lại gần đầu thanh nhựa được cọ xát thì chúng hút nhau. Biết rằng mảnh vải cũng bị nhiễm điện, hỏi mảnh vải mang điện tích dương hay điện tích âm? Tại sao?

Trả lời:

  • Thanh nhựa sẫm mầu nhiễm điện âm vì cọ xát vào vải khô, nên mảnh vải mang điện dương.
  • Vì mảnh vải (nhiễm điện dương) và thanh nhựa (nhiễm điện âm) mang điện tích khác loại nên khi đưa mảnh vải này lại gần đầu thanh nhựa được cọ xát thì chúng hút nhau.

Câu C2 (trang 52 SGK Vật Lí 7):

Trước khi cọ xát, có phải trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm hay không? Nếu có thì các điện tích này tồn tại những loại hạt nào cấu tạo nên vật?

Trả lời:

  • Trước khi cọ xát, trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm.
  • Các điện tích dương tồn tại ở hạt nhân nguyên tử, còn các điện tích âm tồn tại ở lớp vỏ nguyên tử gồm các êlectrôn chuyển động xung quanh hạt nhân.

Câu C3 (trang 52 SGK Vật Lí 7):

Tại sao trước khi cọ xát, các vật không hút các vụn giấy nhỏ?

Trả lời:

Khi chưa cọ xát các vật chưa nhiễm điện (trung hòa về điện) nên không thể hút các vật nhỏ như giấy vụn.

Câu C4 (trang 52 SGK Vật Lí 7):

Sau khi cọ xát, vật nào trong hình 18.5b SGK nhận thêm electron, vật nào mất bớt electron? Vật nào nhiễm điện dương, vật nào nhiễm điện âm?

Trả lời:

  • Trước cọ xát, thước và vải đều trung hòa về điện.
  • Sau khi cọ xát, như hình 18.5b: Mảnh vải mất êlectrôn nên nhiễm điện dương (có 3 nguyên tử bị mất bớt êlectrôn) và thước nhựa nhận thêm êletrôn nên nhiễm điện âm (nhận thêm 3 êlectrôn).

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 7 bài hai loại điện tích do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.

Đánh giá (263)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy