BÀI 2. AXIT, BAZƠ VÀ MUỐI
A. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Axit
- Theo thuyết A-rê-ni-ut: Axit là chất khi tan trong nước phân li ra cation H+
HCl → H+ + Cl-
- Axit nhiều nấc: Những axit mà tan trong nước phân li nhiều nấc ra ion H+ gọi là các axit nhiều nấc.
Ví dụ : H2SO4, H3PO4....
H3PO4 ⇌ H+ + H2PO4–
H2PO4– ⇌ H+ + HPO42–
HPO42– ⇌ H+ + PO43–
2. Bazơ
Theo thuyết A-rê-ni-ut: Bazơ là chất khi tan trong nước phân li ra anion OH-
NaOH → Na+ + OH-
3. Hiđroxit lưỡng tính
Hiđroxit lưỡng tính là hiđroxit khi tan trong nước vừa có thể phân li như axit, vừa có thể phân li như bazơ.
Zn(OH)2 ⇌ Zn2+ +2OH- ;
Zn(OH)2 ⇌ ZnO22- + 2H+
4. Muối
- Muối là hợp chất, khi tan trong nước phân li ra cation kim loại (hoặc cation NH4+) và anion gốc axit.
Na2CO3 → 2Na+ + CO32-
- Phân loại:
+ Muối trung hòa là muối mà anion gốc axit không có khả năng phân li ra ion H+.
Ví dụ: NaCl, (NH4)2SO4…
+ Muối axit là muối mà anion gốc axit có khá năng phân li ra ion H+.
Ví dụ: KHSO4, NaHCO3, NaH2PO4…
NaHCO3 → Na+ + HCO3-
HCO3- ⇌ H+ + CO32-
- Sự điện li của muối trong nước tạo cation kim loại (hoặc NH4+) và anion gốc axit.
B. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
Phương pháp tính nồng độ mol của các ion trong dung dịch khi biết nồng độ mol của chất:
Bước 1: Viết quá trình phân li của chất
Bước 2: Sử dụng cách tính theo phương trình phản ứng để từ nồng độ mol của chất tính được nồng độ mol của các ion.
C. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Bài 1 (trang 10 SGK Hóa học 11):
Phát biểu các định nghĩa axit, axit một nấc và nhiều nấc, bazơ, hiđroxit lưỡng tính, muối trung hoà, muối axit? Lấy các thí dụ minh hoạ và viết phương trình điện li của chúng.
Hướng dẫn giải:
Axit: là những chất phân li trong nước ra ion H+
HCl → H+ + Cl–
H2S ⇌ 2H+ + S2-
– Axit một nấc: là những axit chỉ phân li một nấc ra ion H+ thí dụ như HCl, HBr…
HCl → H+ + Cl–
– Axit nhiều nấc là những axit phân li nhiều lần ra H+
H3PO4 ⇌ H+ + H2PO4–
H2PO4– ⇌ H+ + HPO42-
HPO42- ⇌ H+ + PO43-
– Bazơ là những chất khi tan trong nước phân li ra ion OH–
Ba(OH)2 ⇌ Ba2+ + 2OH–
– Hiđroxit lưỡng tính: là những chất khi tan trong nước vừa có thể phân li như axit vừa có thể phân li như bazơ.
Ví dụ: Zn(OH)2, Al(OH)3, Be(OH)2…
+ phân li kiểu bazơ: Al(OH)3 ⇌ Al3+ + 3OH–
+ phân li kiểu axit : Al(OH)3 ⇌ AlO2– + H+ + H2O
– Muối trung hoà: là những muối mà phân tử không còn khả năng phân li ra ion H+
Ví dụ: NaCl, K2SO4, …
Al(NO3)3 → Al3+ + 3NO3–
– Muối axit: là muối mà trong phân tử vẫn còn hiđro có khả năng phân li ra ion H+
Ví dụ: NaHSO3, NaHCO3, …
NaHSO3 → Na+ + HSO3–
Gốc axit HSO3– lại phân li ra H+
HSO3– ⇌ H+ + SO32-
Bài 2 (trang 10 SGK Hóa học 11):
Viết phương trình điện li của các chất sau:
a. Các axit yếu H2S; H2CO3
b. Bazơ mạnh: LiOH
c. Các muối: K2CO3, NaClO, NaHS
d. Hiđroxit lưỡng tính: Sn(OH)2
Hướng dẫn giải:
a. Các axit yếu H2S; H2CO3:
H2S ⇆ H+ + HS–
HS– ⇆ H+ + S2-
H2CO3 ⇆ H+ + HCO3–
HCO3– ⇆ H+ + CO32-
b. Bazơ mạnh LiOH
LiOH → Li+ + OH–
c. Các muối K2CO3, NaClO, NaHS
K2CO3 → 2K+ + CO32-
NaClO → Na+ + ClO–
NaHS → Na+ + HS–
HS– ⇆ H+ + S2-
d. Hiđroxit lưỡng tính Sn(OH)2:
Sn(OH)2 ⇆ Sn2+ + 2OH–
Sn(OH)2 (hoặc H2SnO2) ⇆ 2H+ + SnO22-
Bài 3 (trang 10 SGK Hóa học 11):
Theo thuyết A-re-ni-ut, kết luận nào sau đây đúng?
A. Một hợp chất trong thành phần phân tử có hiđro là một axit.
B. Một hợp chất trong thành phần phân tử có nhóm OH là bazơ.
C. Một hợp chất có khả năng phân li ra cation H+ trong nước là axit.
D. Một bazơ không nhất thiết phải có nhóm OH trong thành phần phân tử.
Hướng dẫn giải:
Chọn C.
Bài 4 (trang 10 SGK Hóa học 11):
Với dung dịch axit yếu CH3COOH 0,10M, nếu bỏ qua sự điện li của nước, thì đánh giá nào về nồng độ mol ion sau đây là đúng?
A. [H+ ] = 0,10M
B. [H+ ] < [CH3COO–]
C. [H+ ] > [CH3COO–]
D. [H+ ] < 0,10M
Hướng dẫn giải:
Chọn D.
Do CH3COOH là chất điện li yếu nên trong nước chỉ phân li một phần
CH3COOH ⇌ H+ + CH3COO–
Vì vậy [H+] < [CH3COOH] hay [H+ ] < 0,10M
Bài 5 (trang 10 SGK Hóa học 11):
Đối với dung dịch axit mạnh HNO3 0,10M nếu bỏ qua sự điện li của nước, thì đánh giá nào về nồng độ mol ion sau đây là đúng?
A. [H+ ] = 0,10M ; B. [H+ ] < [NO3–]
C. [H+ ] < [NO3–] ; D. [H+ ] < 0,10M
Hướng dẫn giải:
Chọn A.
Do HNO3 là chất điện li mạnh nên nó phân li hoàn toàn trong dung dịch
HNO3 → H+ + NO3–
0,1 ® 0,1
⇒ [H+ ] = 0,1M
Trên đây là gợi ý giải bài tập Hóa 11 bài Axit, bazơ và muối do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ