THÚY KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 108)
- Khi nói với Thúc Sinh, Kiều sử dụng giọng điệu ân tình, cách nói trang trọng với những từ Hán Việt, từ ngữ mang tính ước lệ (nghĩa nặng nghìn non, Sâm Thương, chữ tòng, cố nhân, báo ân). Điều này cho thấy nàng rất coi trọng tình nghĩa với Thúc Sinh. Nàng là con người thủy chung, ân nghĩa, “ơn ai một chút chẳng quên”.
- Khi trả ơn Thúc Sinh, Kiều không thể không nhắc đến Hoạn Thư vì chính Hoạn Thư là người đã phá vỡ mối tình giữa hai người. Khi nói về Hoạn Thư, Kiều sử dụng giọng điệu đắc ý của một người từng trải, thành đạt và có địa vị. Kiều sử dụng các thành ngữ dân gian: “kiến bò miệng chén”, “kẻ cắp gặp bà già”. Sở dĩ như vậy là bởi Kiều đang trừng phạt cái ác theo quan điểm của nhân dân.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 108)
- Những lời nói đầu tiên với Hoạn Thư, Kiều sử dụng giọng đắc ý của người chiến thắng. Nàng vẫn xưng hô “tiểu thư” nhưng với mục đích hạ bệ Hoạn Thư. Sau đó, nàng chuyển sang giọng điệu nhiếc móc, chì chiết: “Đời xưa mấy mặt/ đời này mấy gan, càng … càng”.
- Thái độ của Kiều rất dứt khoát và quyết đoán: phủ định và lên án người đã từng đày đọa, hành hạ nàng.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 108)
- Trình tự lí lẽ của Hoạn Thư:
+ Tôi là đàn bà, nên ghen tuông là chuyện thường tình (nêu lẽ đời thường).
+ Tôi đã đối xử tốt với cô (Kiều) khi cho cô ra ở gác viết kinh và khi cô trốn khỏi nhà, tôi cũng chẳng đuổi theo cô (kể công).
+ Tôi với cô đều trong cảnh chồng chung, chắc gì ai nhường cho ai (tìm đồng minh để đỡ tội).
+ Nhưng dù sao tôi cũng đã trót gây ra đau khổ cho cô, nên bây giờ chỉ còn trông mong ở lượng khoan dung rộng lớn của cô (nhận tội, đề cao, tâng bốc Kiều).
à Hoạn Thư là một người sắc sảo, khôn ngoan.
- Các lí lẽ của Hoạn Thư đã tác động mạnh mẽ đến Kiều dẫn đến Kiều tha bổng cho Hoạn Thư.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 108)
- Kiều tha bổng cho Hoạn Thư vì:
+ Sự đối đáp khôn ngoan của Hoạn Thư.
+ Kiều vốn là một con người nhân hậu, giàu lòng vị tha.
- Việc làm ấy của Kiều là hợp lí, vì: Đành rằng, hành động của Hoạn Thư là đáng lên án, song nó xuất phát từ chỗ ghen tuông và chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai. Nếu Kiều xử tội Hoạn Thư thì tránh sao khỏi mang tiếng nhỏ nhen: “Tha ra, thì cũng may đời,/ Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”.
- Những lời cuối cùng Kiều nói với Hoạn Thư cho thấy Kiều là một người khoan dung, độ lượng với kẻ yếu, với kẻ biết lỗi. Tha bổng cho Hoạn Thư, Kiều đã cư xử theo quan điểm triết lí dân gian: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 108)
- Tính cách Thúy Kiều: thủy chung, ân nghĩa với người đã cứu giúp mình, độ lượng, khoan dung với kẻ đã biết lỗi. Đó là tính cách của một người phụ nữ nhân hậu, cao thượng. Điều này chứng tỏ tính thống nhất trong việc xây dựng tính cách nhân vật của Nguyễn Du: Thúy Kiều, trước sau bao giờ cũng là một con người nhân hậu.
- Tính cách Hoạn Thư: con người từng trải, khôn ngoan, có bản lĩnh, trong tình huống bất lợi nhất vẫn xoay xở, tìm cách đối đáp khôn ngoan nhất (thống nhất với tính cách trước đó của nhân vật).
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Đoạn trích là sự thể hiện ước mơ công lí chính nghĩa theo quan điểm của quần chúng nhân dân: con người bị áp bức đau khổ vùng lên cầm cán cân công lí; “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
2. Giá trị nghệ thuật
- Ngôn ngữ đối thoại.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 109)
* Những biểu hiện đa dạng nhưng hợp lí, nhất quán trong tính cách của Thúy Kiều và Hoạn Thư:
- Tính cách của Thúy Kiều khi thực hiện việc báo ân, báo oán:
+ Khi báo ân:
- Cách cư xử khôn khéo, tế nhị trong mối quan hệ (sự trân trọng của Kiều đối với người chồng cũ).
- Sự vị tha, thái độ sống ân nghĩa (Thúc Sinh cứu nàng ra khỏi lầu xanh, đó là hành động cần được đền ơn).
- Thông minh, sáng suốt (hiểu nguyên nhân li biệt giữa hai người không phải là lỗi của Thúc Sinh mà do hoàn cảnh khách quan – vợ Thúc Sinh, một người “quỷ kế đa đoan”).
+ Khi báo oán:
- Giọng điệu mỉa mai, đay nghiến.
- Kiều quyết trừng trị Hoạn Thư theo đúng quan niệm “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, “mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”.
- Tính cách của Hoạn Thư: khôn ngoan, đáo để:
+ Ngay trong cảnh “hồn xiêu phách lạc” vẫn kịp “liệu điều kêu ca”.
+ Bình tĩnh tự bào chữa để làm giảm nhẹ tội.
+ Bằng lí lẽ khôn ngoan, Hoạn Thư xóa đi sự đối lập với Kiều, đưa Kiều từ vị thế đối lập thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà”.
+ Kể ơn, tranh thủ lòng vị tha của Kiều.
+ Tự nhận lỗi về mình, bác bỏ lời luận tội của Thúy Kiều.
+ Kêu lượng khoan hồng…
Gợi ý soạn bài Thúy Kiều báo ân báo oán ngắn gọn do giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.