ÔN TẬP VỀ THƠ
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 89)
Số TT | Tên bài thơ | Tác giả | Năm sáng tác | Thể thơ | Tóm tắt nội dung | Đặc sắc nghệ thuật |
1 | Đồng chí | Chính Hữu | 1948 | Tự do | Tình đồng chí của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng. | Bài thơ thể hiện hình tượng người lính cách mạng và sự gắn bó keo sơn của họ qua những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm. |
2 | Bài thơ về tiểu đội xe không kính | Phạm Tiến Duật | 1969 | Tự do | Qua hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, bài thơ khắc họa nổi bật hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn thời kì chống Mĩ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam. | Tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn. |
3 | Đoàn thuyền đánh cá | Huy Cận | 1958 | Bảy chữ | Bài thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. | Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan. |
4 | Bếp lửa | Bằng Việt | 1963 | Tám chữ (xen lẫn câu thơ 7 chữ và 9 chữ) | Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. | Bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu. |
5 | Ánh trăng | Nguyễn Duy | 1978 | Năm chữ | Bài thơ như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. | - Giọng điệu tâm tình tự nhiên. - Hình ảnh giàu tính biểu cảm. |
6 | Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ | Nguyễn Khoa Điềm | 1971 | Tự do (chủ yếu là những câu thơ 8 chữ) | Trong gian nan, vất vả của cuộc sống ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên. | - Giọng điệu ngọt ngào, trìu mến. - Kết hợp biểu cảm với tự sự. - Bố cục đặc sắc với những khúc ru. |
7 | Con cò | Chế Lan Viên | 1962 | Tự do | Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, bài thơ ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống con người. | - Vận dụng sáng tạo ca dao. - Có những câu thơ đúc kết được suy ngẫm sâu sắc. - Hình ảnh thơ vừa gần gũi vừa mang ý nghĩa biểu tượng. |
8 | Mùa xuân nho nhỏ | Thanh Hải | 1980 | Năm chữ | Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. | Bài thơ theo thể thơ 5 tiếng, có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo. |
9 | Viếng lăng Bác | Viễn Phương | 1976 | 8 chữ (xen lẫn những câu thơ 9 chữ và 7 chữ) | Bài thơ thể hiện niềm thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác. | Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc. |
10 | Sang thu | Hữu Thỉnh | 1977 | Năm chữ | Bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế, những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời trước sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang thu; qua đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ. | - Thể thơ 5 chữ. - Ngôn ngữ trong sáng, nhiều từ ngữ gợi trạng thái, cảm xúc. - Hình ảnh giàu sức biểu cảm. |
11 | Nói với con | Y Phương | 1980 | Tự do | Bài thơ đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
| - Thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên. - Cách nói làm giàu hình ảnh vừa mộc mạc, cụ thể vừa giàu sức khái quát. - Các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ kết hợp với những câu thơ ngắn dài khác nhau góp phần không nhỏ vào việc diễn tả cuộc sống, cách suy nghĩ, cách thể hiện tình cảm của người miền núi. - Giọng điệu tha thiết, trìu mến, lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc khúc triết, rành rọt, lúc mạnh mẽ, sắc nhọn…tạo sự cộng hưởng hài hòa với những cung bậc tình cảm khác nhau trong lời người cha truyền cho con. - Bố cục chặt chẽ, từ ngữ giản dị, mộc mạc như lời nói thường ngày của người miền núi. |
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 89)
a. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954): “Đồng chí”.
b. Giai đoạn hòa bình ở miền Bắc sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1954 – 1964): “Đoàn thuyền đánh cá”, “Bếp lửa”, “Con cò”.
c. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1964 – 1975): “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.
d. Giai đoạn từ sau 1975: “Viếng lăng Bác”, “Sang thu”, “Ánh trăng”, “Nói với con”, “Mùa xuân nho nhỏ”.
- Các tác phẩm thơ đã tái hiện cuộc sống đất nước và hình ảnh con người Việt Nam trong chiều dài lịch sử từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến sau 1975:
+ Đất nước và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ với nhiều gian khổ, hi sinh nhưng rất anh hùng.
+ Công cuộc lao động, xây dựng đất nước và những quan hệ tốt đẹp của con người.
- Điều chủ yếu mà các tác phẩm thơ hiện đại đã thể hiện là tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của con người trong một thời kì lịch sử có nhiều biến động lớn lao, nhiều đổi thay sâu sắc:
+ Tìn yêu quê hương, đất nước.
+ Tình đồng chí, sự gắn bó với cách mạng, lòng kính yêu Bác Hồ.
+ Những tình cảm gần gũi và bền chặt của con người: tình mẫu tử, tình bà cháu.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 89)
* Điểm giống nhau: Đều ca ngợi tình mẹ con đằm thắm, thiêng liêng.
* Điểm khác nhau:
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ | Con cò | Mây và sóng |
Thể hiện sự thống nhất của tình yêu con với lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng và ý chí chiến đấu của người mẹ dân tộc Tà ôi trong hoàn cảnh gian khổ ở chiến khu Tây Thừa Thiên thời kì kháng chiến chống Mỹ. | Khai thác và phát triển hình tượng con cò trong ca dao hát ru để ngợi ca tình mẹ con và ý nghĩa của lời hát ru. | Hóa thân vào lời trò chuyện hồn nhiên, ngây thơ của em bé với mẹ để thể hiện tình yêu mẹ thắm thiết của trẻ thơ. |
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 90)
* Điểm chung: Đều viết về người lính cách mạng với vẻ đẹp trong tính cách và tâm hồn.
* Điểm khác nhau:
- “Đồng chí” viết về người lính ở thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình đồng chí của những người lính được hình thành dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng.
- “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” khắc họa nổi bật hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn thời kì chống Mĩ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.
- “Ánh trăng” viết năm 1978 – sau 3 năm đất nước thống nhất có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 90)
- Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” chủ yếu sử dụng bút pháp tượng trưng, phóng đại với nhiều liên tưởng, tưởng tượng, so sánh độc đáo, mới mẻ.
- Bài thơ “Ánh trăng” dùng bút pháp gợi tả, không đi vào chi tiết mà hướng tới ý nghĩa khái quát và biểu tượng của hình ảnh.
- Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” sử dụng những hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, mang đặc trưng xứ Huế.
- Bài thơ “Con cò” bút pháp tượng trưng, vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao.
Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 90)
Khổ thơ cuối trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã khắc họa thành công hình ảnh những chiếc xe và bức chân dung người lính lái xe Trường Sơn:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Trải qua mưa bom bão đạn, những chiếc xe ngày càng biến dạng: không kính, không mui, không đèn. Điệp ngữ “không có” lặp lại 3 lần kết hợp với hình ảnh liệt kê đã nhấn mạnh sự thiếu thốn, hỏng hóc của chiếc xe và sự ác liệt của chiến tranh. Nhưng không gì có thể cản trở được sự chuyển động của những chiếc xe không kính: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Đạn bom của đế quốc Mĩ có thể làm biến dạng chiếc xe nhưng không đè bẹp được tinh thần của những chiến sĩ lái xe. Xe vẫn chạy không chỉ vì động cơ máy móc mà còn vì động cơ tinh thần vì miền Nam phía trước. Tác giả lí giải thật bất ngờ: “chỉ cần trong xe có một trái tim”. Trái tim là hình ảnh hoán dụ tương trưng cho ngưới lính lái xe yêu nước, dũng cảm, ồng thời là một ẩn dụ cho lòng yêu nước ,ý chí chiến đấu vì miền Nam. Như vậy, chỉ cần trong xe là một ngưới lính yêu nước, can trường thì chiếc xe ấy vẫn băng ra chiến trường. Trái tim là nhãn tự làm sáng bừng cả bài thơ, hội tụ vẻ đẹp người lính và để lại cảm xúc sâu lắng cho người đọc.
Gợi ý Văn 9 Soạn bài Ôn tập về thơ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ