ican
Soạn Văn 9
Những ngôi sao xa xôi

Soạn bài Những ngôi sao xa xôi

Văn 9 Soạn bài Những ngôi sao xa xôi: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Những ngôi sao xa xôi giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI

- Lê Minh Khuê -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 121)

* Tóm tắt: Truyện kể về ba cô gái thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn: Nho, Thao, Phương Định. Họ sống trong hang dưới chân cao điểm. Công việc của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Công việc vô cùng nguy hiểm, luôn cận kề với cái chết. Song, ở họ vẫn toát lên những vẻ đẹp của người chiến sĩ trẻ: dũng cảm, lạc quan, hồn nhiên, trong sáng, thích làm đẹp và yêu thương gắn bó với nhau. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, hai người đồng đội hết lòng chăm sóc. Truyện két thúc khi một cơn mưa đá ập đến, ba cô gái vô cùng thích thú, bao kỉ niệm ùa về trong lòng Phương Định.

* Truyện được kể từ ngôi thứ nhất, lời kể của nhân vật Phương Định. Điều này làm cho câu chuyện trở nên chân thực, có độ tin cậy cao. Đồng thời, ngôi kể ấy cũng giúp nhà văn thể hiện sinh động những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật, cho phép triển khai mạch truyện một cách linh hoạt: từ hiện tại hồi nhớ về quá khứ ...

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 121)

* Những nét chung ở ba cô gái thanh niên xung phong:

- Hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, hiểm nguy nơi cao điểm trên cung đường Trường Sơn.

- Các cô gái mang những phẩm chất chung cao đẹp: tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ; dũng cảm không ngại hi sinh; tình đồng đội gắn bó, tâm hồn trẻ trung, mơ mộng, hồn nhiên.

* Những nét riêng ở ba cô gái thanh niên xung phong:

- Chị Thao: Từng trải hơn, chị dũng cảm, bình tĩnh trong chiến đấu nhưng lại sợ khi nhìn thấy máu chảy…

- Nho: hồn nhiên, tính trẻ con: thích ăn kẹo, làm nũng nhưng ẩn sau đó là sự dũng cảm, kiên định.

- Phương Định: trẻ trung, tâm hồn phong phú, lãng mạn, hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố của mình.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 121)

* Phân tích tâm lí của nhân vật:

- Khi nhân vật tự quan sát và đánh giá về mình ở phần đầu của truyện: nhạy cảm, rất quan tâm đến vẻ đẹp hình thức: “Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn…”. Phương Định ý thức sâu sắc về vẻ đẹp của mình, cô thích làm điệu trước các anh bộ đội. Vì vậy, khi thấy bọn con gái xúm lại đối đáp với một anh bộ đội nào đó, cô thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi một nơi khác.

- Tâm trạng của cô trong một lần phá bom ở phần cuối truyện:

+ Trong không khí chứa đầy sự căng thẳng, ban đầu, Phương Định có chút sợ hãi: “Vắng lặng đến phát sợ”.

+ Nhưng bằng nghị lực phi thường, lòng dũng cảm vô song, Phương Định đã vượt lên trên nỗi sợ hãi để đến gần quả bom.

+ Là một người giàu lòng tự trọng, Phương Định không đi khom mà cứ đàng hoàng mà bước tới.

+ Ở bên quả bom, mọi cảm giác của Phương Định trở nên sắc nhọn hơn: “Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rung mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm.”

+ Trong những giây phút căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom, cô có nghĩ tới cái chết, nhưng đó là cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Cái chính là liệu mìn có nổ, bom có nổ không và làm cách nào để châm mìn lần thứ hai. Đó là ý thức trách nhiệm cao, là lòng quả cảm vô song.

- Cảm xúc trước trận mưa đá ở cuối truyện: trẻ trung, lãng mạn. Trận mưa đã đã gợi trong Phương Định những hoài niệm tươi đẹp về gia đình, về một thời thơ trẻ.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 121)

- Ngôn ngữ, giọng điệu của truyện vừa mang tính khẩu ngữ vừa trẻ trung, đậm chất nữ tính, phù hợp với thế giới tâm hồn của những cô gái thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 121)

- Văn bản đưa ta trở về những năm 70 của thế kỉ XX, thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Trong thời kì ấy, thế hệ trẻ Việt Nam đã phải trải qua bao khó khăn, gian khổ, thậm chí là mất mát, hi sinh. Song, thật đáng khâm phục, ở họ vẫn ngời sáng lên vẻ đẹp của người lính cụ Hồ: dũng cảm, hiên ngang, kiên cường; luôn lạc quan, yêu đời, trẻ trung bất chấp mọi thử thách để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Truyện đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.

2. Giá trị nghệ thuật

Truyện sử dụng vai kể là nhân vật chính, có cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 - trang 122)

* Một số bài thơ, đoạn thơ viết về thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

- Gửi em, cô thanh niên xung phong (Phạm Tiến Duật)

- Khoảng trời – hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ) (Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lất tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom…).

- Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi)…

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2 – trang 122)

* Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Phương Định:

a. Mở bài:

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu về nhân vật Phương Định và nêu ấn tượng chung về nhân vật.

b. Thân bài:

- Yêu quý, khâm phục nhân vật Phương Định – một nữ thanh niên xung phong dũng cảm, yêu nước. Vốn là cô gái Hà Nội, Phương Định lên đường ra chiến trường theo tiếng gọi của Tổ quốc yêu thương. Mặc dù phải sống trong một cái hang, dưới chân cao điểm, nơi tập trung bom đạn của kẻ thù, làm một công việc hiểm nguy luôn kề cận với cái chết, song Phương Định vẫn gan dạ đối diện với khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

- Trân trọng tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, trẻ trung, lãng mạn của Phương Định:

+ Phương Định rất nhạy cảm, nữ tính, luôn quan tâm đến vẻ đẹp hình thức: thích soi gương, tự nhận mình là một cô gái khá…

+ Phương Định rất lạc quan, yêu đời. Cô hay mơ mộng và thích hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời bài hát. Mặc dù lời bịa lộn xộn đến ngớ ngẩn song cũng giúp cô giải tỏa căng thẳng sau khi làm nhiệm vụ.

+ Ở đoạn cuối, chỉ một trận mưa đá vụt qua cũng làm thức dậy trong cô rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố quê hương, về gia đình, về tuổi thơ thanh bình của mình. Chi tiết đó phản ánh tâm hồn lãng mạn, trẻ trung của Phương Định…

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

+ Am hiểu tâm lí nhân vật.

+ Sử dụng ngôi kể thích hợp.

+ Ngôn ngữ trẻ trung, đậm chất nữ tính…

3. Kết bài: Bày tỏ tình yêu, sự ngưỡng mộ dành cho Phương Định.

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Những ngôi sao xa xôi do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (250)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy