LUYỆN TẬP PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP
I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
- Để làm rõ nghĩa của một sự vật, hiện tượng nào đó, người ta thường dùng phép phân tích và tổng hợp.
- Phân tích là phép lập luận trình bày từng bộ phận, phương diện của một vấn đề nhằm chỉ ra nội dung của sự vật, hiện tượng. Để phân tích nội dung của sự vật, hiện tượng, người ta có thể vận dụng các biện pháp nêu giả thiết, so sánh, đối chiếu,... và cả phép lập luận giải thích, chứng minh.
- Tổng hợp là phép lập luận rút ra cái chung từ những điều đã phân tích. Không có phân tích thì không có tổng hợp. Lập luận tổng hợp thường đặt ở cuối đoạn hay cuối bài, ở phần kết luận của một phần hoặc toàn bộ văn bản.
II. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập hai - trang 11)
a. Trong đoạn trích, để làm sáng tỏ luận điểm “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài [...] không thể tóm tắt thơ được, mà phải đọc lại”, người viết đã vận dụng phép lập luận phân tích:
+ Cái hay được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau:
- Các điệu xanh (tính từ, hình ảnh)
- Những cử động (động từ)
- Ở các vần thơ (tử vận, kết hợp từ ấn tượng)
- Cả bài không non ép một chữ nào.
b. Để làm sáng tỏ vấn đề “Mấu chốt của thành đạt là ở đâu?”, tác giả đã vận dụng thao tác lập luận phân tích theo trình tự:
- Nêu nguyên nhân khách quan: do gặp thời, do hoàn cảnh bức bách, do điều kiện học tập, do tài năng trời phú cho mỗi người.
- Đưa ra lập luận bác bỏ các nguyên nhân khách quan: “nếu chủ quan thì cơ hội cũng qua đi”; gặp hoàn cảnh bức bách “có người bi quan, thất vọng, chán nản, thối chí”; có điều kiện học tập nhưng “lại mải chơi, ăn diện, kết quả học tập rất bình thường”; có tài năng nhưng nếu không tìm cách phát huy thì tài năng “cũng bị thui chột”.
- Khẳng định mấu chốt tạo nên sự thành đạt trong cuộc sống con người là yếu tố chủ quan: “Rút cuộc mấu chốt của thành đạt là ở bản thân chủ quan mỗi người, ở tinh thần kiên trì phấn đấu, học tập không mệt mỏi, lại phải trau dồi đạo đức cho tốt đẹp”.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập hai - trang 12)
- Bản chất của lối học đối phó:
+ Quan niệm về việc học: Coi việc học là phụ, không quan trọng.
+ Mục đích của việc học: Đối phó với các bài kiểm tra, các kì thi.
+ Biểu hiện:
- Uể oải, thường xuyên không tập trung, làm việc riêng trong giờ học.
- Không làm bài tập của thầy cô giao mà chép bài của bạn, chép sách giải.
- Thiếu trung thực trong thi cử...
+ Tác hại:
- Không nắm chắc kiến thức cơ bản.
- Chán ghét việc học.
- Kết quả học tập không thực chất.
- Thường xuyên mất trật tự, gây ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp.
- Nảy sinh tâm lí nghỉ học, trốn học để đi chơi điện tử...
- + Nguyên nhân:
- Do lười biếng, thụ động.
- Do bố mẹ thiếu quan tâm, do thầy cô chưa truyền được cảm hứng tới học sinh...
+ Giải pháp:
- Chủ động trong học tập: chăm chỉ, có tinh thần cầu thị: học hỏi từ bạn bè, thầy cô, gia đình.
- Chia sẻ những khó khăn trong học tập với gia đình, thầy cô để có hướng giải quyết tốt nhất...
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập hai - trang 12)
- Phân tích các lí do chúng ta cần đọc sách:
+ Đọc sách để có được tri thức, kinh nghiệm.
+ Tạo điểm xuất phát thuận lợi trên con đường chinh phục, chiếm lĩnh và khám phá tri thức nhân loại.
+ Phục vụ cho lĩnh vực, cho nghề nghiệp chuyên môn của chính mình.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập hai - trang 12)
Đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn. Song, trong bối cảnh hiện nay, con người cần phải chọn sách mà đọc, tránh lãng phí thời gian và sức lực cho những quyển sách vô thưởng vô phạt mà bỏ lỡ mất dịp đọc những cuốn sách quan trọng, cơ bản. Đọc ít mà chắc còn hơn đọc nhiều mà rỗng, vừa đọc phải vừa nghiền ngẫm, chiêm nghiệm để hiểu được cái hay, cái tinh hoa ẩn giấu trong mỗi trang sách cũng như hình thành tư duy lô-gic, nếp suy nghĩ sâu xa. Cần kết hợp giữa đọc rộng với đọc sâu, giữa đọc sách thường thức với đọc sách chuyên môn.
Gợi ý Văn 9 Soạn bài Luyện tập phân tích và tổng hợp siêu ngắn do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.