HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 72)
- Đại ý: Qua sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh, tác giả tái hiện chân thực hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ với mưu trí tuyệt vời; đồng thời, tác giả cũng phản ánh rõ sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
- Bố cục:
+ Phần 1 (từ đầu cho đến “tháng chạp năm Mậu Thân 1788”): Quân Thanh xâm lược Thăng Long, Quang Trung lên ngôi hoàng đế và hạ lệnh xuất quân đánh giặc Thanh.
+ Phần 2 (tiếp đến “kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
+ Phần 3 (phần còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 72)
- Hình ảnh vua Quang Trung trong đoạn trích:
+ Quang Trung là một người có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Do vậy, khi nghe tin quân Thanh đến Thăng Long, Quang Trung đã thân chinh cất quân ra Bắc dẹp giặc xâm lược.
+ Quang Trung là một người có tính cách quyết đoán, có cái nhìn chiến lược sáng suốt. Đồng thời, ông cũng là một người biết lắng nghe ý kiến của tướng sĩ.
+ Quang Trung là một vị tướng tài ba, có tài điều khiển binh lính, trù hoạch quân mưu, hiểu địch hiểu ta. Đặc biệt, ông cũng là một người tự tin, có tầm nhìn xa trông rộng khi hứa chắc chắn với binh lính: “hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng”…
- Nguồn cảm hứng chi phối ngòi bút của các tác giả là nguồn cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc. Chính vì vậy, các tác giả đã viết rất hay, rất thật về người anh hùng Nguyễn Huệ.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 72)
- Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh được tác giả miêu tả cụ thể, sinh động:
+ Ở trận Hà Hồi, khi bị vây kín, “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết”.
+ Ở trận Ngọc Hồi, trong cách đánh giáp lá cà của quân Nam, “quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết,…, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”.
+ “Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết”.
+ Trên đường chạy về Thăng Long, quân Thanh bị “quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người”.
+ “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”…
- Số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống:
+ Cầu đứt, vua phải cướp thuyền của dân để chèo sang bờ bắc chạy theo Tôn Sĩ Nghị, “luôn mấy ngày không ăn, ai nấy đều đã mệt lử”.
+ Khi quân Tây Sơn đuổi đến nơi, vua tôi Lê Chiêu Thống lại cuống quýt chạy theo đường tắt trong núi mà đến cửa ải để “cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”.
- Lối văn trần thuật của tác giả: ca ngợi chiến công chói lọi của vua Quang Trung, lên án bộ mặt xâm lược của quân tướng nhà Thanh và bộ mặt phản nước, hại dân của vua tôi Lê Chiêu Thống.
- Ngòi bút của tác giả khi miêu tả hai cuộc tháo chạy (của quân tướng nhà Thanh và của vua tôi Lê Chiêu Thống) có sự khác nhau:
+ Cuộc tháo chạy của quân tướng nhà Thanh là cuộc tháo chạy của bọn giặc xâm lược. Đứng trên lập trường dân tộc, các tác giả đã lên án hành động của chúng.
+ Đối với cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống, tuy cũng miêu tả đúng sự thật số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống nhưng trong cách miêu tả, các tác giả vẫn có chút ngậm ngùi của những quần thần cũ đối với vua Lê được ẩn chứa trong những chi tiết như người thổ hào bất giác rơi lệ, mời vua vào trại thết gà chiêu đãi,…
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 72)
Nhận xét về nghệ thuật trần thuật của đoạn trích:
- Kể chuyện xen kẽ miêu tả một cách cụ thể, sinh động, gây được ấn tượng mạnh.
- Kể chuyện dựa trên quan điểm lịch sử đúng đắn.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả Hoàng lê nhất thống chí đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
2. Giá trị nghệ thuật
- Kể chuyện xen kẽ miêu tả một cách sinh động, cụ thể, gây được ấn tượng mạnh.
- Nhân vật được khắc họa rõ nét.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 72)
Ngày 30 tháng chạp, vua Quang Trung sai mở tiệc khao quân. Khí thế quân sĩ hừng hực, ai nấy đều tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của quân ta. Tối 30 Tết quân lính lên đường, cả 5 đạo quân gióng trống lên đường ra Bắc. Nửa đêm ngày mùng 3 tháng giêng năm 1789, vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, lặng lẽ vây kín làng, cho quân lính bắc loa, luân phiên nhau dạ ran khiến cho kẻ thù hoảng sợ, rụng rời chân tay, liền xin ra hàng. Quân ta không mất một binh một tốt mà vẫn chiến thắng kẻ thù, lại thu được lương thực khí giới chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Sau đó, vua Quang Trung lại cho truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, cho binh lính dàn trận chữ nhất. Sớm mùng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi, quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả. Lợi dụng gió chuyển hướng Nam, Quang Trung khiến cho kẻ thù tự làm tự chịu, “gậy ông mà đập lưng ông”. Lúc bấy giờ, quân ta xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo cả hai bên đã chạm nhau thì quân ta quăng ván xuống đất, dùng dao ngắn chém bừa khiến kẻ thù chết như ngả rạ. Trưa mùng 5 tết, quân ta tiến vào thành Thăng Long. Kẻ thù hoảng sợ, hồn bay phách lạc, tìm đường thoát thân. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa chưa kịp đóng yên, người chưa kịp mặc áo giáp tháo chạy. Thậm chí, hắn còn bỉ ổi chặt đứt cầu khiến cho quân Thanh thây chất thành đống, tắc nghẽn cả dòng chảy của sông Hồng.
Hy vọng Soạn bài Hoàng Lê nhất thống chí của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 9 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ