CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 51)
* Bố cục của truyện gồm 3 phần:
- Phần 1 (từ đầu đến “như đối với cha mẹ đẻ mình”): Vũ Nương lấy Trương Sinh. Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà giữ trọn đạo làm vợ.
- Phần 2 (tiếp đến “nhưng việc trót đã qua rồi!”): Nỗi oan khuất và cái chết của Vũ Nương.
- Phần 3 (phần còn lại): Cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương dưới thủy cung. Vũ Nương được giải oan.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 51)
Hoàn cảnh | Phẩm chất của Vũ Nương |
Khi lấy chồng | Hiền thục, nết na, luôn biết giữ gìn khuôn phép để vợ chồng không bất hòa. |
Khi tiễn chồng đi lính | - Thương yêu chồng, hứa hẹn sự thủy chung: + Lời dặn dò: Không mong quan to chức lớn, đeo ấn phong hầu trở về mà chỉ mong hai chữ bình yên. + Sửa soạn áo rét gửi người ải xa, thổn thức tâm tình thương người đất thú. |
Khi xa chồng | - Đảm đang: một mình nàng lo toan, gánh vác gia đình. - Hiếu thảo: + Tận tình chăm sóc mẹ chồng + Dùng lời ngon ngọt động viên mẹ chồng + Lo ma chay, tế lễ như với cha mẹ đẻ |
Khi chồng trở về | - Qua lời thanh minh, Vũ Nương rất mực thủy chung: + Không hề bén gót đến nơi ngõ liễu tường hoa + Không nghĩ đến việc tô son điểm phấn + Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết |
Khi tự vẫn ở sông Hoàng Giang | - Qua lời than vãn, kêu trời, độc thoại ở sông Hoàng Giang, Vũ Nương càng tỏ rõ đức tính thủy chung, tấm lòng trinh bạch: + Nếu đoan trang giữ tiết thì xin làm ngọc Mị Nương và cỏ Ngu mĩ. + Nếu lừa chồng dối con thì xin làm cơm cho diều quạ, chịu khắp mọi người phỉ nhổ. |
Khi trò chuyện với Phan Lang | - Một lòng một dạ thương nhớ chồng con: “Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa”. |
Khi trở về ở cuối truyện | - Giàu lòng vị tha: Dù bị chồng đẩy đến cái chết nhưng nàng vẫn nói lời “đa tạ tình chàng”. |
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 51)
- Vũ Nương phải chịu oan khuất vì một số nguyên nhân sau:
+ Do lời nói ngây thơ của bé Đản với Trương Sinh.
+ Do đầu óc nam quyền, thói vô học, vũ phu của Trương Sinh.
+ Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa chia cắt vợ chồng.
+ Do xã hội phong kiến nam quyền bất công, khinh rẻ người phụ nữ.
+ Do cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu.
- Cảm thương cho số phận của Vũ Nương bao nhiêu, ta càng cảm thấy căm ghét chế độ phong kiến chà đạp lên thân phận người phụ nữ.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 51)
- Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện của tác giả chủ yếu là ở việc sáng tạo ra chi tiết nghệ thuật: cái bóng trên tường và lời nói của bé Đản. Đây vừa là chi tiết thắt nút, vừa là chi tiết mở nút tạo ra kịch tính cho câu chuyện và nhờ thế, tác giả khắc họa sự độc đoán của Trương Sinh cũng như nỗi oan khuất của Vũ Nương.
- Những lời đối thoại đã góp phần khắc họa tính cách của các nhân vật trong truyện. Chỉ riêng với Vũ Nương, qua những lời đối thoại của nàng khi tiễn chồng đi lính, khi kêu oan với chồng,… đều bộc lộ rõ tính cách và phẩm chất của nàng cùng với nỗi đau xót, oan khuất.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 51)
Chi tiết kì ảo | Ý nghĩa |
Vũ Nương tự tử ở sông nhưng được các tiên nữ cứu sống, đưa về thủy cung. | Thể hiện ước mơ của nhân dân: ở hiền gặp lành. |
Phan Lang có công cứu vợ vua biển Nam Hải nên khi chạy giặc bị đắm thuyền, Linh Phi đã cứu sống Phan Lang. | Khuyên nhủ mọi người phải sống có đạo đức, biết báo đáp công ơn người đã giúp mình. |
Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về trên kiệu hoa. | - Thể hiện tấm lòng vị tha, độ lượng của Vũ Nương. - Khẳng định tính bi kịch của truyện vẫn tồn tại ngay trong cái lung linh kì ảo. |
I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.
2. Giá trị nghệ thuật
Tác phẩm là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 52)
* Khi kể lại văn bản, học sinh cần đảm bảo các sự việc chính sau đây:
- Nàng Vũ Nương đẹp người đẹp nết, được Trương Sinh cưới về làm vợ. Gia đình yên ấm hạnh phúc thì chàng Trương phải rời nhà đi lính.
- Ở nhà, Vũ Nương sinh con trai đặt tên là Đản.
- Bà mẹ Trương Sinh vì nhớ con mà sinh bệnh, Vũ Nương hết lòng chăm sóc phụng dưỡng. Do bệnh tình mỗi ngày trầm trọng, “số cùng khí tận” nên ít lâu sau bà mất.
- Khi trở về, Trương Sinh nghe lời con trẻ, nghi ngờ vợ thất tiết. Vũ Nương phẫn uất bèn trẫm mình xuống sông tự vẫn.
- Cuộc gặp gỡ giữ Phan Lang và Vũ Nương dưới thủy cung.
- Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của vợ, hối hận, lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang.
-Vũ Nương tha thứ, nhưng không trở về cuộc sống trần thế.
Hy vọng Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 9 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ