CẢNH NGÀY XUÂN
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 86)
- Những chi tiết gợi lên đặc điểm riêng của mùa xuân:
+ Những cánh én chao liệng trên bầu trời.
+ Thảm cỏ non trải rộng tới tận chân trời; điểm xuyết một vài bông hoa lê.
- Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc lựa chọn từ ngữ. Nhà thơ dùng “cỏ non” để tô đậm màu xanh nhạt pha lẫn màu vàng chanh, trên đó điểm xuyết sắc trắng tinh khiết, tinh khôi của hoa lê làm thành bức tranh dung hòa những sắc độ lạnh mà vẫn rạo rực sức sống bên trong, tươi mát và mới mẻ. Bức tranh thiên nhiên tả ít mà gợi nhiều, tạo ra một không gian khoáng đạt, trong trẻo.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 86)
- Tám câu thơ miêu tả cảnh lễ hội sử dụng hàng loạt từ ghép, từ láy: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, gần xa, nô nức, sắm sửa, dập dìu,… gợi sự rộn ràng, náo nhiệt, nhộn nhịp.
- Hình ảnh lễ hội truyền thống xa xưa đã hiện lên thật đậm nét trong tám câu thơ tiếp theo: hội đạp thanh tấp nập, dập dìu với trai thanh, gái lịch và lễ tảo mộ thành kính, nghiêm trang với những nghi lễ, tín ngưỡng dân gian. Bức tranh thơ thấm đượm cái hồn mùa xuân đất nước bởi nhà thơ đã miêu tả nó bằng chính hồn thơ dân tộc của mình.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 86)
- Khác với cảnh vật trong sáng, tươi đẹp trong bốn câu thơ đầu, cảnh vật, không khí mùa xuân trong sáu câu thơ cuối phảng phất nỗi buồn, bâng khuâng đầy tâm trạng. Bởi lẽ, con người, từ cuộc du xuân nhộn nhịp phải trở về, cuộc vui ngắn chẳng tày gang.
- Những từ láy: tà tà, thanh thanh, nao nao để diễn tả thời gian trôi chậm trong buổi hoàng hôn, diễn tả nỗi buồn thấm sâu vào cảnh vật, tâm trạng man mác, bâng khuâng của lòng người.
- 6 câu thơ cuối đã khắc họa cảnh hoàng hôn thật nên thơ: hai chị em đẹp thướt tha, dan tay nhau dạo bước. Suối uốn chảy quanh co như dải lụa, nước chảy róc rách rì rào,… Tất cả tạo nên vẻ thơ mộng, lãng mạn, tôn thêm nét đẹp của hai thiếu nữ.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 87)
Những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du:
- Kết cấu hợp lí: ba phần rõ ràng, có quan hệ logic với nhau và theo thứ tự thời gian: cảnh mùa xuân nói chung, cảnh lễ hội và cảnh du xuân trở về.
- Cách sử dụng ngôn ngữ Việt tài tình: từ ghép, từ láy giàu chất tạo hình…
- Kết hợp khéo léo giữa biện pháp tả cụ thể, chi tiết (cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh) và bút pháp gợi có tính chất điểm xuyết, chấm phá (khung cảnh chung của mùa xuân).
- Cách tả cảnh ngụ tình nhuần nhị, tự nhiên (cảnh chị em du xuân trở về).
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng.
2. Giá trị nghệ thuật
- Bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình.
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 87)
- Sự tiếp thu: đường nét, hình ảnh, cảm xúc có sự tương đồng.
- Sự sáng tạo: câu thơ xưa đẹp nhưng tĩnh tại, câu thơ Nguyễn Du nhấn mạnh và thể hiện được sức sống của bức tranh thiên nhiên. Bức tranh ấy rờn rờn sức sống từ sắc xanh của cỏ tươi non, từ nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh cái tinh tế của hoá công khi vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 87)
Học sinh học thuộc lòng đoạn thơ.
Hy vọng Soạn bài Cảnh ngày xuân của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 9 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ