ican
Soạn Văn 9
Bếp lửa

Soạn bài Bếp lửa siêu ngắn

Văn 9 Soạn bài Bếp lửa siêu ngắn: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Bếp lửa siêu ngắn giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn.

Ican

BẾP LỬA

- Bằng Việt -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 145)

* Bài thơ là lời của người cháu đang học ở nước ngoài nói về người bà. Theo mạch tâm trạng của nhân vật, bài thơ gồm 4 phần:

- Khổ 1: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà.

- Khổ 2, 3, 4, 5: Hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa.

- Khổ 6: Suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.

- Khổ 7: Nỗi nhớ không nguôi về bà và quê hương đất nước.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 145)

- Trong hồi tưởng của người cháu, những kỉ niệm về bà và tình bà cháu được gợi lại:

+ Dòng hồi tưởng bắt đầu với hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình người Việt: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”. Trong đó có bàn tay tần tảo, ấp iu nhóm lửa của người bà.

+ Thời thơ ấu gian khổ, thiếu thốn: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”, “Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”. Cả một quãng thời gian dài ấy, người cháu sống trong tình yêu thương, sự cưu mang, dạy dỗ của bà.

- Sự kết hợp giữa miêu tả, tự sự và biểu cảm: Từ tình thương yêu, kính trọng người bà: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” (biểu cảm) à Kể chuyện năm đói Ất Dậu: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy” (tự sự) à Miêu tả khói hun nhèm mắt cháu, sống mũi còn cay (miêu tả).

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 145)

- Hình ảnh bếp lửa được nhắc tới 10 lần trong bài thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bếp lửa gắn bó mật thiết với cuộc đời bà: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa/ Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ/ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”… Vì thế, khi nhắc tới bếp lửa, người cháu nhớ đến là người bà và ngược lại, nhớ đến bà là cháu nhớ đến bếp lửa.

- Hình ảnh bếp lửa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc:

+ Bếp lửa tượng trưng cho tình bà cháu.

+ Bếp lửa tượng trưng cho hồn Việt.

+ Bếp lửa là niềm yêu thương, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người.

Chính vì vậy, tác giả viết: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 146)

Hình ảnh ngọn lửa là một sự phát triển sáng tạo của hình tượng bếp lửa. Bếp lửa bà nhen lên không chỉ bằng những nhiên liệu thông thường mà chính bằng ngọn lửa trong lòng bà. Đó là ngọn lửa của sức sống, của lòng yêu thương, của niềm tin mà bà truyền lại cho người cháu. Như vậy, bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa cho các thế hệ sau.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 146)

- Tình cảm bà cháu trong bài thơ tuy giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng thiêng liêng và cao cả. Tình cảm ấy nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, trân trọng và biết ơn đối với những thế hệ đi trước- những con người đã làm nên lịch sử. Hồi tưởng về bếp lửa, về người bà tảo tần nơi quê nhà cũng đã cho thấy tấm lòng thương nhớ mà Bằng Việt gửi đến quê hương, đất nước.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

2. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ đã khắc họa nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi nguồn mọi kỉ niệm, mọi cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 146)

Trong bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt, bếp lửa là hình tượng trung tâm, có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình tượng này được nhắc lại đến 10 lần với nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đó là một hình ảnh có thật, quen thuộc trong mỗi nếp nhà người Việt. Đó là bếp lửa được đun bằng củi để nấu những bữa ăn và xua đi cái lạnh của mùa đông băng giá. Hình ảnh bếp lửa luôn gắn liền với hình ảnh của người bà, gắn liền với những kỉ niệm thân thương của tình bà cháu. Bởi vậy, hình ảnh bếp lửa có tính biểu tượng cho tấm lòng và phẩm chất cao quý của bà, là tình bà cháu thiết tha sâu nặng và rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước, tấm lòng biết ơn nguồn cội.

 

Gợi ý Văn 9 Soạn bài Bếp lửa siêu ngắn do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc bác bạn học tập vui vẻ.

Đánh giá (307)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy