BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 133)
- Nhan đề bài thơ có hai điểm khác lạ:
+ Từ “bài thơ” trong nhan đề có vẻ như thừa.
+ Hình ảnh những chiếc xe không kính tưởng như chẳng có gì nên thơ nhưng lại trở thành hình ảnh xuyên suốt toàn bài thơ.
- Hình ảnh những chiếc xe không kính là một hình ảnh độc đáo. Thông thường, xe nào cũng có kính để chắn bụi, chắn mưa gió nhưng ở bài thơ lại xuất hiện cả một tiểu đội xe không kính. Hình ảnh này trở thành tứ thơ hay để nhà thơ ca ngợi lòng dũng cảm, can trường của người lính.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 133)
* Vẻ đẹp của người lính trong bài thơ:
- Tư thế hiên ngang, với tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm: Dù những chiếc xe đã bị tàn phá nặng nề song họ vẫn “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”.
- Tâm hồn lạc quan: Dù cho “Bụi phun tóc trắng như người già” nhưng họ vẫn “Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Dù phải ngủ dọc đường, “võng mắc chông chênh” nhưng người lính vẫn tin tưởng: “Lại đi lại đi trời xanh thêm”.
- Tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó. Vì xe không có kính nên họ “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.
- Ý chí chiến đấu vì miền Nam ruột thịt: Người lính đi theo tiếng gọi của con tim, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 133)
- Ngôn ngữ bài thơ là ngôn ngữ thường ngày mang đậm chất người lính. Ngôn ngữ ấy mang tính khẩu ngữ: “ừ thì”, “phì phèo châm điếu thuốc”,…
- Giọng thơ sôi nổi, ngang tàng pha chút bông đùa, tinh nghịch.
- Giọng thơ và ngôn ngữ góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người lính: khỏe khoắn, trẻ trung, yêu đời.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 133)
- Qua hình ảnh người lính trong bài thơ, ta thấy thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ là những người có bản lĩnh, có tinh thần dũng cảm, bất chấp gian khổ, hiểm nguy. Họ là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam.
- So sánh:
| Đồng chí | Bài thơ về tiểu đội xe không kính |
Giống nhau | - Lí tưởng sống cao đẹp. - Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp. - Tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn gian khổ bảo vệ Tổ quốc. | |
Khác nhau | - Người lính thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. - Người nông dân mộc mạc, giản dị. | - Người lính thời kháng chiến chống Mỹ. - Lính lái xe: có học thức, trẻ trung, có sự tinh nghịch, sôi nổi. |
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Qua hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, bài thơ khắc họa nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mĩ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn, nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.
2. Giá trị nghệ thuật
Tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 133)
Học sinh học thuộc lòng bài thơ.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 133)
Những cảm giác, ấn tượng của người lính lái xe trong chiếc xe không kính trên đường ra trận đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật diễn tả rất cụ thể, sinh động trong khổ thơ thứ hai bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Bút pháp tả thực đến từng chi tiết cho thấy muôn vàn khó khăn khi người lính trực tiếp tiếp xúc với thế giới bên ngoài: gió, vật cản hai bên đường. Cảm giác “gió vào xoa mắt đắng” được diễn tả qua biện pháp tu từ nhân hóa và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đầu ấn tượng. Điệp ngữ “nhìn” và “thấy” còn biểu hiện sự tập trung cao độ, một tinh thần trách nhiệm của một tâm hồn lãng mạn chủ động chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên qua ô cửa kính vỡ. Hình ảnh “sao trời, cánh chim” như sa, như ùa vào buồng lái đã diễn tả được tốc độ phi thường của những chiếc xe và làm nổi bật lòng dũng cảm, bản lĩnh vững vàng của những người lính lái xe. Hiện thực khốc liệt ấy được người lính cảm nhận bằng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, nhạy cảm với cái đẹp. Những hình ảnh “gió, con đường, sao trời, cánh chim” vừa thực vừa thơ mộng, là cái thi vị nảy sinh trên những con đường bom rơi, đạn nổ. Giọng thơ ngang tàng, trẻ trung thể hiện tinh thần lạc quan, coi thường hiểm nguy để biến cái hiện thực đầy khó khăn thành những phút giây thi vị đẹp đến như vậy. Đặc biệt, hình ảnh “Con đường chạy thẳng vào tim” là chi tiết vừa dựa trên cảm giác thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Con đường chạy thẳng vào tim ấy không chỉ là con đường Trường Sơn gắn bó với công việc của người lính lái xe mà còn là con đường giải phóng miền Nam, con đường của tình yêu Tổ quốc luôn ấp ủ trong trái tim người lính. Như vậy, tư thế chủ động, ung dung, hiên ngang, đầy chất lãng mạn của người lính đã được bộc lộ thật đẹp trong khổ thơ thứ hai.
Trên đây là gợi ý soạn bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn, đủ ý do giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.