ÁNH TRĂNG
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 157)
- Bố cục của bài thơ có thể chia làm bốn phần:
+ Khổ 1 và khổ 2: Cảm nghĩ về vầng trăng trong quá khứ.
+ Khổ 3 và khổ 4: Cảm nghĩ về vầng trăng trong hiện tại.
+ Khổ 5 và 6: Sự chiêm nghiệm, suy tư của tác giả.
- Bố cục của bài thơ được triển khai theo dòng cảm xúc của tác giả, trong đó vầng trăng là hình ảnh xuyên suốt toàn bài thơ. Bước ngoặt điện tắt – trăng sáng là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Bước ngoặt ở đây tự nhiên, thúc đẩy mạch thơ phát triển.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 157)
- Trong bài thơ này, vầng trăng mang nhiều tầng ý nghĩa. Vầng trăng biểu tượng cho cuộc sống bình dị, hiền hòa, tình nghĩa của con người với thiên nhiên, đất nước. Với nhân vật trữ tình, vầng trăng là người bạn tri kỉ gắn liền với những năm tháng gian lao mà đẹp đẽ trong cuộc đời. Do đó, vầng trăng chính là hình ảnh thủy chung, vẹn tròn của quá khứ nghĩa tình mà người lính đã lãng quên.
- Khổ thơ cuối cùng thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Vầng trăng vẫn vẹn nguyên: “Trăng cứ tròn vành vạnh” sau bao năm tháng, chỉ có lòng người đổi thay coi trăng là “người dưng qua đường”. Trước thái độ đổi thay của lòng người, ánh trăng không một lời trách móc, vẫn độ lượng tha thứ: “ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình”. Sự “giật mình” ấy chính là sự thức tỉnh để hướng tới một lối sống, thái độ sống đúng đắn.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 157)
- Bài thơ giống như một câu chuyện nhỏ với kết cấu độc đáo theo trình tự thời gian trải dài từ quá khứ đến thực tại. Kết cấu ấy có sự đối lập giữa một quá khứ thủy chung, nghĩa tình với một thực tại quên lãng, bị cuốn vào cuộc sống hiện đại.
- Giọng điệu của bài thơ là giọng tâm tình tự nhiên của tác giả viết về cuộc sống riêng tư của mình như một lời nhắc nhở, đồng thời cũng là một sự sẻ chia, gợi nhắc với mọi người. Trong dòng diễn biến theo thời gian, sự việc bất thường trong khổ 4 đã dẫn đến giọng điệu ăn năn, xúc động trong khổ 5 và giọng điệu nghiêm trang, tự phán xét trong lòng tác giả ở khổ 6.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 157)
- Bài thơ được Nguyễn Duy viết vào năm 1978, khi ông đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, sau khi rời khỏi bom đạn, chiến trường, trong cuộc sống tiện nghi “ánh điện, cửa gương”, có những người đã quên đi nghĩa tình một thời đã qua. Nguyễn Duy viết bài thơ như một lời nhắc nhở người đọc về đạo lí, lẽ sống của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Bài thơ như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
2. Giá trị nghệ thuật
- Giọng điệu tâm tình, tự nhiên.
- Hình ảnh giàu tính biểu cảm.
- Kết hợp giữa tự sự với trữ tình.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 157)
Học sinh luyện đọc diễn cảm.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 – trang 157)
Thế là đã 3 năm chiến tranh kết thúc, miền Nam được giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn. Tôi – người lính cụ Hồ may mắn hơn bao anh em đồng chí đã “ngã xuống” chốn rừng thiêng nước độc, được trở về quê hương, được gặp mặt vợ con sau mấy chục năm trời đi lính. Nhờ những thành tích mà tôi đạt được trong thời gian đi lính, gia đình tôi được trao tặng một ngôi nhà ở khu tập thể trên thành phố. Vợ tôi đi khoe khắp làng trên xóm dưới. Những đứa con tôi cũng luôn tự hào, hãnh diện về tôi. Chúng được nhận vào làm trong nhà nước. Công việc của chúng bận rộn, nên cuộc sống của vợ chồng tôi chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà tập thể. Mới đầu, ở đây, tôi cũng chẳng quen, lúc nào cũng phải hỏi các con về những vật dụng hiện đại, chỉ sợ làm hỏng. Nhưng dần dần, trong không gian tràn ngập “ánh điện cửa gương”, tôi lại thấy thoải mái. Nhất là khi nhìn thấy vợ con ai nấy đều hạnh phúc. Cứ thế, cứ thế, cho đến một ngày mùa hè, khi thời tiết oi bức, nóng nực, nhà nhà đều dùng điện. Bỗng phụt tắt, căn phòng tối om. Không còn sự hào nhoáng, lấp lánh của ánh điện cửa gương mà thay vào đó là sự chật chội, tù túng, ngột ngạt. Theo phản xạ, tôi vội bật tung cửa sổ để tìm nguồn sáng tự nhiên. Vừa mở cửa sổ, tôi đã gặp lại người bạn năm xưa – người bạn tri kỉ, nghĩa tình đã gắn bó với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp, mgười bạn đã đồng cam cộng khổ cùng tôi, soi đường cho tôi hành quân trong quãng thời gian nhập ngũ. Cuộc gặp gỡ ấy khiến tôi thức tỉnh, tôi nhận ra sự bội bạc, vô tình của chính mình. Trong khi trăng vẫn luôn theo dõi, đồng hành với tôi thì tôi lại lãng quên quá khứ, quên đi bo kỉ niệm một thời vào sinh ra từ, một thời chỉ có trăng làm bạn. Tôi nghẹn ngào, xúc động chẳng nói lên lời. Tôi ngại ngùng khi đối diện với trăng, ngại ngùng khi gặp lại chính gương mặt của mình trong quá khứ. Mai đây, tôi sẽ lại trở về chiến trường năm xưa, sẽ phải đi tìm hài cốt đồng chí đồng đội của mình… để tôi không còn là một kẻ “vô tình”.
Gợi ý Văn 9 Soạn bài Ánh trăng do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc bác bạn học tập vui vẻ.