BÀI 31. HIỆN TƯỢNG CẢM ỨNG ĐIỆN TỪ
I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Cấu tạo và hoạt động của đinamô ở xe đạp
- Bộ phận chính của đinamô là một nam châm và cuộn dây.
- Khi quay núm của đinamô thì nam châm quay theo và đèn sáng.
2. Dùng nam châm để tạo ra dòng điện
a) Dùng nam châm vĩnh cửu
- Dòng điện xuất hiện trong cuộn dây dẫn kín khi ta đưa một cục nam châm lại gần hay ra xa một đầu cuộn dây đó hoặc ngược lại.
b) Dùng nam châm điện
- Dòng điện xuất hiện ở cuộn dây dẫn kín trong thời gian đóng và ngắt mạch của nam châm điện, nghĩa là trong thời gian dòng điện của nam châm điện biến thiên.
3. Hiện tượng cảm ứng điện từ
- Có nhiều cách dùng nam châm để tạo ra dòng điện trong một cuộn dây dẫn kín. Dòng điện được tạo ra theo cách đó gọi là dòng điện cảm ứng.
- Hiện tượng xuất hiện dòng điện cảm ứng gọi là hiện tượng cảm ứng điện từ.
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
Giải thích hiện tượng cảm ứng điện từ
- Khi số đường sức từ xuyên qua tiết diện S của cuộn dây dẫn kín biến thiên thì trong cuộn dây xuất hiện dòng điện cảm ứng. Hiện tượng này gọi là hiện tượng cảm ứng điện từ.
- Trong thực tế, để thay đổi số đường sức từ xuyên qua cuộn dây, người ta thường tạo ra sự chuyển động tương đối giữa cuộn dây và nam châm.
- Đối với nam châm vĩnh cửu, bản thân số đường sức từ xung quanh nó không thay đổi, tuy nhiên khi nam châm và cuộn dây dẫn kín chuyển động tương đối với nhau thì số đường sức từ xuyên qua tiết diện S của cuộn dây thay đổi.
III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Câu C1 (trang 85 SGK Vật Lí 9):Cho hai đèn LED mắc song song ngược chiều vào hai đầu của một cuộn dây dẫn và một thanh nam châm vĩnh cửu. Hãy bố trí thí nghiệm như hình 31.2 SGK để tìm hiểu xem dòng điện xuất hiện trong cuộn dây dẫn kín ở trường hợp nào dưới đây:
|
Trả lời:
Trong cuộn dây dẫn xuất hiện dòng điện cảm ứng khi
- Di chuyển nam châm lại gần cuộn dây.
- Di chuyển nam châm ra xa cuộn dây.
Câu C2 (trang 85 SGK Vật Lí 9):
Trong thí nghiệm trên (Câu C1), nếu để nam châm đứng yên và cho cuộn dây chuyển động lại gần hay ra xa nam châm thì cuộn dây có xuất hiện dòng điện không? Hãy làm thí nghiệm để kiểm tra dự đoán.
Trả lời:
Trong cuộn dây có xuất hiện dòng điện cảm ứng.
Câu C3 (trang 86 SGK Vật Lí 9):Đặt nam châm điện nằm yên trước cuộn dây dẫn có mắc hai đèn LED song song ngược chiều (hình 31.3 SGK). Hãy làm thí nghiệm để xác định trong những trường hợp nào dưới đây xuất hiện dòng điện ở cuộn dây có mắc đèn LED.
|
Trả lời:
Những trường hợp xuất hiện dòng điện ở cuộn dây có mắc đèn LED:
- Trong khi đóng mạch điện của nam châm điện.
- Trong khi ngắt mạch điện của nam châm điện.
Câu C4 (trang 86 SGK Vật Lí 9):Nếu ta làm lại thí nghiệm ở hình 31.2 SGK nhưng lần này cho nam châm quay quanh một trục thẳng đứng (hình 31.4 SGK) thì có hiện tượng gì xảy ra trong cuộn dây? |
Trả lời:
Nếu cho nam châm quay quanh một trục thẳng đứng như hình vẽ thì cuộn dây sẽ liên tục có dòng điện cảm ứng. Ta thấy hai đèn LED luôn thay phiên nhau sáng.
Câu C5 (trang 86 SGK Vật Lí 9):
Hãy trả lời câu hỏi ở phần I.
Quan sát cấu tạo và hoạt động của đinamô.
Trên hình 31.1 vẽ sơ đồ cấu tạo của một đinamô ở xe đạp. Trong đinamô có một nam châm và cuộn dây. Khi quay núm của đinamô thì nam châm quay theo và đèn sáng.
Liệu có phải nhờ nam châm mà tạo ra được dòng điện không?
Trả lời:
Nhờ nam châm ta có thể tạo ra dòng điện với các điều kiện sau được thỏa mãn:
- Có nam châm để tạo ra từ trường.
- Có sự chuyển động tương đối giữa nam châm và cuộn dây để có sự thay đổi các đường sức từ gửi qua cuộn dây.
Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 9 bài hiện tượng cảm ứng điện từ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ