ican
Giải SGK Hóa 9
Bài 16: Tính chất hoá học của kim loại

Tính chất hoá học của kim loại

Hóa 9 bài Tính chất hoá học của kim loại: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa Tính chất hoá học của kim loại: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn.

Ican

BÀI 16. TÍNH CHẤT HOÁ HỌC CỦA KIM LOẠI

 

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Tác dụng với phi kim

a) Tác dụng với oxi: Hầu hết kim loại (trừ Au, Pt, Ag,...) tác dụng với oxi ở nhiệt độ thường hoặc nhiệt độ cao, tạo thành oxit.

3Fe + 2O2 \(\xrightarrow{{{t}^{o}}}\) Fe3O4

b) Tác dụng với phi kim khác (Cl,S,...): Nhiều kim loại tác dụng với nhiều phi kim, tạo thành muối.

2Na + Cl2 \(\xrightarrow{{{t}^{o}}}\) 2 NaCl

2. Tác dụng với dung dịch axit

Nhiều kim loại tác dụng với dung dịch axit (HCl,...) tạo thành muối và H2.

Fe + 2HCl → FeCl2 + H2

Mg + H2SO4 → MgSO4 + H2

3. Tác dụng với dung dịch muối

Kim loại hoạt động mạnh hơn (trừ Na, K, Ba,...) tác dụng với muối của kim loại yếu hơn, tạo thành muối và kim loại mới.

Zn + CuSO4→ ZnSO4 + Cu

 

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Phương pháp giải bài tập nhúng thanh kim loại A vào dung dịch muối của kim loại B có sự tăng giảm khối lượng:

Khi nhúng thanh kim loại A vào dung dịch muối của kim loại B, nếu B bị đẩy hết và bám vào thanh kim loại A, khối lượng của thanh kim loại có thể tăng hoặc giảm.

- Nếu sau khi nhúng, đề bài cho khối lượng thanh kim loại tăng thì:

Độ tăng khối lượng thanh = m kim loại B bám – m kim loại A tan

- Nếu sau khi nhúng, đề bài cho khối lượng thanh kim loại giảm thì:

Độ giảm khối lượng thanh = m kim loại A tan – m kim loại B bám

Khi đó:

+ Gọi x là số mol của kim loại A tham gia phản ứng.

+ Dựa vào đề bài, xác định độ tăng giảm khối lượng của thanh kim loại.

+ Tìm x.

Một số công thức cần lưu ý:

m dung dịch sau phản ứng = m các chất ban đầu – m kết tủa (nếu có) – m bay hơi (nếu có).

C% = mct.100%/mdd

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Bài 1 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Kim loại có những tính chất hóa học nào? Lấy ví dụ và viết các phương trình hóa học minh họa với kim loại magie.

Hướng dẫn giải:

Kim loại có những tính chất hóa học chung:

1. Phản ứng của kim loại với phi kim:

2Zn + O2 \(\xrightarrow{{{t}^{o}}}\) 2ZnO

2. Phản ứng của kim loại với dung dịch axit:

Mg + 2HCl → MgCl2 + H2 ↑

3. Phản ứng của kim loại với dung dịch muối:

Mg + CuSO4 → MgSO4 + Cu.

Bài 2 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Hãy hoàn thành các phương trình hóa học sau đây:

a) … + HCl → MgCl2 + H2

b) … + AgNO3 → Cu(NO3)2 + Ag

c) … + … → ZnO

d) … + Cl2 → HgCl2

e) … + S → K2S.

Hướng dẫn giải:

Phương trình hóa học:

a) Mg + 2HCl → MgCl2 + H2 ↑

b) Cu + 2AgNO3 → Cu(NO3)2 + 2Ag ↓

c) 2Zn + O2 → 2ZnO

d) Hg + Cl2 → HgCl2

e) 2K + S → K2S.

Bài 3 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Viết các phương trình hóa học xảy ra giữa các cặp chất sau đây:

a) Kẽm + axit sunfuric loãng.

b) Kẽm + dung dịch bạc nitrat.

c) Natri + lưu huỳnh.

d) Canxi + clo.

Hướng dẫn giải:

a) Zn + H2SO4loãng → ZnSO4 + H2 ↑

b) Zn + 2AgNO3 → Zn(NO3)2 + 2Ag

c) 2Na + S → Na2S

d) Ca + Cl2 → CaCl2.

Bài 4 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Dựa vào tính chất hoá học của kim loại, hãy viết các phương trình hoá học biểu diễn các chuyển đổi sau đây :

Hướng dẫn giải:

(1) Mg + Cl2 \xrightarrow{{{t}^{o}}} MgCl2

(2) 2Mg + O2 \(\xrightarrow{{{t}^{o}}}\) 2MgO

(3) Mg + H2SO4loãng → MgSO4 + H2 ↑

(4) Mg + 2AgNO3 → Mg(NO3)2 + 2Ag ↓

(5) Mg + S → MgS

Bài 5 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Dự đoán hiện tượng và viết phương trình hóa học xảy ra, khi:

a) Đốt dây sắt trong khí clo.

b) Cho một đinh sắt vào trong ống nghiệm đựng dung dịch CuCl2.

c) Cho một viên kẽm vào dung dịch CuSO4.

Hướng dẫn giải:

a) Hiện tượng: Fe cháy sáng trong khí Cl2 và có khói màu nâu đỏ tạo thành.

2Fe + 3Cl2 \(\xrightarrow{{{t}^{o}}}\) 2FeCl3

b) Dung dịch CuCl2 nhạt màu xanh, kim loại màu đỏ bám vào đinh sắt.

Fe + CuCl2 → FeCl2 + Cu ↓

c) Zn tan dần, dung dịch CuSO4 nhạt màu xanh, kim loại màu đỏ bám vào viên kẽm.

Zn + CuSO4 → ZnSO4 + Cu ↓

Bài 6 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Ngâm một lá kẽm trong 20 g dung dịch muối đồng sunfat 10% cho đến khi kẽm không tan được nữa. Tính khối lượng kẽm đã phản ứng với dung dịch trên và nồng độ phần trăm của dung dịch sau phản ứng.

Hướng dẫn giải:

Ta có:

mCuSO4 = 20.0,1 = 2(g) => nCuSO4 = 0,0125 (mol)

Zn + CuSO4 → ZnSO4 + Cu ↓

0,0125 ← 0,0125 ® 0,0125 mol

=> mZn = n.M = 0,0125. 65 = 0,81 (g)

mZnSO4 = n.M = 0,0125. 161= 2,0125 (g)

m dd sau phản ứng = mddCuSO4 + mZn – m Cu giải phóng = 20,0125 gam.

Nồng độ % dung dịch ZnSO4 là:

C% = (2,0125/20,0125).100% = 10,056 (%)

Bài 7 (trang 51 SGK Hoá học 9)

Ngâm một lá đồng trong 20 ml dung dịch bạc nitrat cho tới khi đồng không thể tan thêm được nữa. Lấy lá đồng ra, rửa nhẹ, làm khô và cân thì thấy khối lượng lá đồng tăng thêm 1,52 g. Hãy xác định nổng độ mol của dung dịch bạc nitrat đã dùng (giả thiết toàn bộ lượng bạc giải phóng bám hết vào lá đồng).

Hướng dẫn giải:

Gọi x là mol kim loại Cu đã phản ứng

Cu + 2AgNO3 ® Cu(NO3)2 + 2Ag ↓

x mol ® 2x mol

Þ 2x.108 – 64x = 1,52 Þ x = 0,01 mol Þ mol AgNO3 đã dùng = 0,02 mol.

Nồng độ dung dịch AgNO3:

CM AgNO3 = n/V = 0,02/0,02 = 1 (M)

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Hóa 9 bài Tính chất hoá học của kim loại do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc bác bạn học tập vui vẻ.

Đánh giá (374)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy