TRONG LÒNG MẸ
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 20)
* Nhân vật bà cô là một người hẹp hòi, tàn nhẫn, độc địa:
- Trước hoàn cảnh bất hạnh của đứa cháu (bố mất sớm, mẹ phải đi tha hương cầu thực), bà cô tỏ vẻ quan tâm “cười hỏi: “Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?” nhưng thực chất là muốn gieo rắc vào đầu Hồng những ý nghĩ khinh miệt, để Hồng ruồng rẫy mẹ mình.
- Mặc dù giọng vẫn ngọt ngào nhưng ánh mắt bà cô lại “chằm chặp” nhìn vào đứa cháu.
- Bà cô cố tình ngân dài hai tiếng “em bé” nhằm làm tổn thương cậu bé Hồng, khiến cho cậu “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”.
- Bà cô là một người giả dối. Nụ cười nham hiểm “cười rất kịch”, lúc thì nói “mợ mày phát tài lắm”, lúc lại nói mẹ bé Hồng “ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi”.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 20)
* Tình yêu thương mẹ mãnh liệt của cậu bé Hồng:
- Khi nghe những lời giả dối, thâm độc xúc phạm sâu sắc tới mẹ:
+ Hồng vẫn luôn yêu thương, kính trọng mẹ của mình dẫu rằng bà cô tìm mọi cách gieo rắc vào đầu Hồng những rắp tâm tanh bẩn xúc phạm đến mẹ.
+ Hồng thương mẹ, căm tức những cổ tục đã đày đọa mẹ: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.
- Cảm giác sung sướng cực điểm của chú bé Hồng khi gặp lại và nằm trong vòng tay người mẹ mà chú mong chờ mỏi mắt:
+ Chỉ chợt nhìn thấy một bóng người giống mẹ ngồi trên xe, cậu bé Hồng đã cất tiếng gọi: “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!...”. Tiếng gọi chất chứa sau bao ngày xa cách mẹ, như không thể kìm nén phải cất lên thành lời.
+ Gặp lại mẹ, Hồng òa khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc; trái ngược với những giọt nước mắt đớn đau khi nói chuyện với bà cô trước đó.
+ Hồng nhận ra mẹ vẫn đẹp như thuở còn sung túc, mọi giác quan của cậu bé căng mở để tận hưởng niềm hạnh phúc trong lòng mẹ.
+ Niềm hạnh phúc ấy khiến Hồng quên đi cả những lời cay độc của bà cô: “tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa…”.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 20)
- Chất trữ tình thể hiện trước hết ở nội dung tác phẩm. Tác giả đã tái hiện sinh động những rung động cực điểm của cậu bé Hồng khi được gặp lại mẹ sau thời gian dài xa cách.
- Chất trữ tình được thể hiện ở cách kể chuyện:
+ Kết hợp giữa kể, tả và bộc lộ cảm xúc.
+ Sử dụng nhiều hình ảnh giàu giá trị gợi hình, gợi cảm để bộc lộ cảm xúc của nhân vật.
+ Lời văn say mê, đầy cảm xúc (nhất là đoạn cuối) lôi cuốn người đọc cùng đồng cảm với nhân vật.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 20)
Hồi kí là thể văn dùng để ghi lại những câu chuyện có thật đã xảy ra trong cuộc đời mình.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 20)
* Có thể nói, Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng là bởi:
- Phụ nữ và nhi đồng là những người xuất hiện nhiều nhất trong thế giới nhân vật của Nguyên Hồng.
- Nguyên Hồng viết rất hay về phụ nữ và nhi đồng. Ông luôn dành cho các nhân vật này niềm yêu thương, trân trọng.
Điều này được thể hiện sâu sắc qua đoạn trích “Trong lòng mẹ”. Nhà văn thấu hiểu nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa; trân trọng khát khao hạnh phúc của trẻ thơ. Bởi vậy, đoạn trích giống như một khúc ca ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Ở đó, dẫu bà cô có tìm mọi cách gieo rắc vào đầu bé Hồng những ý nghĩ cay độc, Hồng vẫn yêu thương, kính trọng và bảo vệ mẹ của mình.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Đọc trích kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh.
2. Giá trị nghệ thuật
- Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật thông qua việc tạo dựng tình huống truyện, ngôn ngữ, cử chỉ và hành động của nhân vật.
- Phương thức biểu đạt kết hợp giữa tự sự với biểu cảm, miêu tả.
- Giọng văn thấm đẫm chất trữ tình.
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh.
Hy vọng Soạn bài Trong lòng mẹ của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 8 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ