ican
Ngữ Văn 8
Tức nước vỡ bờ

Soạn bài Tức nước vỡ bờ

Ngữ Văn 8: Soạn bài Tức nước vỡ bờ chi tiết nhất, do đội ngũ Giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn, giúp học sinh học Ngữ Văn 8 tốt hơn

Ican

TỨC NƯỚC VỠ BỜ

- Ngô Tất Tố -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 32)

- Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế nhà chị rất nguy khốn:

+ Gia đình chị thuộc loại “nhất nhì trong hạng cùng đinh”.

+ Chị Dậu phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền nộp sưu cho anh Dậu và em chồng.
+ Chị Dậu buộc phải bán con, bán chó cho nhà Nghị Quế thôn Đoài.

+ Anh Dậu bị đánh đến thập tử nhất sinh.

+ Trong nhà hết gạo, trong khi bên ngoài là “tiếng trống mõ, tù và inh ỏi, tiếng théc lác, đánh đập, tiếng kêu khóc vang lên như trong một cuộc săn người”.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 32)

* Phân tích nhân vật cai lệ:

- Cai lệ là viên chỉ huy một tốp lính lệ.

- Là một kẻ tàn bạo, vô nhân tính:

+ Đến nhà chị Dậu đòi tiền sưu, khi thì hắn “thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ”, khi thì hắn “quát tháo”, khi thì lại dùng “giọng hầm hè” đe dọa: “Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à!”.

+ Là tay sai của chế độ phong kiến đương thời, hắn dùng quyền uy của mình để uy hiếp, đe dọa dân làng. Vừa đến nhà chị Dậu, hắn đã “gõ đầu roi xuống đất” để thị uy, sau đó không để cho chị Dậu nói hết câu, hắn “trợn ngược hai mắt” mà quát: “Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất!”. Mặc kệ những lời thiết tha, van xin của chị Dậu, hắn dồn đẩy người nông dân vào bước đường cùng: ra lệnh cho người nhà lí trưởng “trói cổ” anh Dậu, điệu ra đình; thậm chí còn “bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi sấn đến để trói anh Dậu.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 33)

* Diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích:

- Trong không khí căng thẳng của làng quê vào những ngày thu thuế, chị Dậu vô cùng lo lắng cho chồng của mình – người mới bị đánh đến thập tử nhất sinh vì thiếu tiền sưu thuế.

- Khi cai lệ và người nhà lí trưởng đến:

+ Ban đầu chị Dậu van xin với hi vọng cai lệ và người nhà lí trưởng sẽ thương tình.

+ Trước sự đểu giả của cai lệ và người nhà lí trưởng, chị Dậu “liều mạng cự lại”. Biết là không thể van xin trước lũ “lòng lang dạ sói”, chị chuyển sang đấu lí: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”.

+ Đỉnh điểm là sự phản kháng bằng lời nói và hành động: Khi cai lệ nhảy vào cạnh anh Dậu, chị nghiến hai hàm răng: “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi hắn ra khỏi cửa.

=> Sự thay đổi trong thái độ của chị Dậu được miêu tả một cách chân thực, hợp lí.

- Tính cách của chị Dậu:

+ Một người phụ nữ yêu chồng, thương con, hết lòng vì gia đình.

+ Một người phụ nữ tiềm tàng sức mạnh phản kháng.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 33)

- “Tức nước vỡ bờ”:

+ Nghĩa đen: nước lớn, nhiều ắt sẽ vỡ bờ.

+ Nghĩa bóng: thể hiện quy luật tất yếu trong cuộc sống: “có áp bức thì có đấu tranh”, “con giun xéo lắm cũng quằn”.

- Cách đặt tên như vậy rất thỏa đáng, phù hợp với diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích: từ van nài đến đứng lên đấu tranh, phản kháng mạnh mẽ trước sự vô nhân tính của cai lệ và người nhà lí trưởng.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 33)

* Nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với cai lệ và người nhà lí trưởng thật khéo”:

- Khéo trong nghệ thuật kể chuyện: các hành động nhiều, liên tục, dồn dập mà không bị rối, có cả quá trình dẫn dắt, tạo dựng xung đột để rồi đẩy xung đột lên cao trào.

- Khéo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật hiện lên sống động qua ngôn ngữ, hành động; diễn biến tâm lí của nhân vật được miêu tả chân thực.

- Khéo trong việc dùng từ, đặt câu, trong việc sử dụng ngôn ngữ: cả ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ kể chuyện đều rất sống động, chân thực.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 33)

- Kết thúc tác phẩm “Tắt đèn” là hình ảnh chị Dậu “vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị". Song, trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, thông qua tình huống chị Dậu phản kháng cai lệ và người nhà lí trưởng, Ngô Tất Tố cũng cho thấy sức sống tiềm tàng và sức mạnh phản kháng của người nông dân. Sức mạnh ấy, nếu được tổ chức, được tập hợp lại sẽ trở thành một sức mạnh vô địch. Bởi vậy mà nhà văn Nguyễn Tuân mới cho rằng: Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Đoạn trích đã vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng cực khổ, khiến họ phải liều mạng chống lại. Đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

2. Giá trị nghệ thuật

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đã đạt đến mức độ điển hình. Những chân dung nhân vật được tái hiện sống động qua: ngôn ngữ, cử chỉ, hành động và diễn biến tâm lí.

- Nghệ thuật kể chuyện sinh động, linh hoạt.

- Nghệ thuật tạo tình huống truyện giàu kịch tính.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Học sinh đọc diễn cảm văn bản có phân vai (bốn vai: chị Dậu, anh Dậu, cai lệ, người nhà lí trưởng).

 

Hy vọng Soạn bài Tức nước vỡ bờ của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 8 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (431)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy