ican
Hóa học 8
Bài 12: Phản ứng hóa học

Phản ứng hóa học

Hóa 8 bài Phản ứng hóa học: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa bài Phản ứng hóa học giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

PHẢN ỨNG HÓA HỌC

A. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Định nghĩa:

- Phản ứng hóa học là quá trình biến đổi chất này (chất phản ứng) thành chất khác (sản phẩm phản ứng)

+ Chất phản ứng (chất tham gia) là chất ban đầu, bị biến đổi (lượng chất sẽ giảm dần) trong phản ứng.

+ Chất sản phẩm (chất tạo thành) là chất mới sinh (lượng chất sẽ tang dần) sau phản ứng.

- Phương trình chữ của PUHH:

Tên các chất phản ứng → Tên các chất sản phẩm

VD: Đường → Nước + Than

(Chất ban đầu) (Chất sản phẩm)

2. Diễn biến của phản ứng hóa học:

- Trong phản ứng hóa học, các nguyên tử được bảo toàn, chỉ liên kết giữa các ng.tử bị thay đổi, làm phân tử chất này biến thành phân tử chất khác

VD: diễn biến của phản ứng: Oxi + Hiđro → Nước

3. Khi nào phản ứng hóa hoc xảy ra?

+ Các chất ban đầu được “tiếp xúc” với nhau.

+ Có thể đun nóng hoặc dùng chất xúc tác.

4. Làm thế nào để nhận biết có phản ứng hóa học xảy ra?

- Dấu hiệu nhận biết: tạo thành chất mới, có tính chất khác với chất phản ứng như: màu, mùi, vị, tỏa nhiệt, phát sáng…

B. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

DẠNG 1. XÁC ĐỊNH CHẤT PHẢN ỨNG; CHẤT SẢN PHẨM

PHƯƠNG PHÁP GIẢI

  • Cần phải nắm rõ 2 khái niệm:

+ Chất phản ứng (chất tham gia) là chất ban đầu, bị biến đổi (lượng chất sẽ giảm dần) trong phản ứng.

+ Chất sản phẩm (chất tạo thành) là chất mới sinh (lượng chất sẽ tang dần) sau phản ứng.

  • Chú ý: chất phản ứng luôn đứng trước mũi tên; chất sản phẩm luôn đứng sau mũi tên.

Ví dụ 1: Xác định chất phản ứng và chất sản phẩm của các phản ứng hóa học sau.

a) Sắt + Axit clohidric → Sắt (II) Clorua + Khí hidro

b) Photpho + Khí oxi → điphotphopentaoxit

c) Khí hidro + oxit sắt từ → Sắt + Nước

d) Canxi + axit photphoric → Canxi photphat + khí hidro

Hướng dẫn giải:

a) Sắt + Axit clohidric → Sắt (II) Clorua + Khí hidro.

+ Chất ban đầu (phản ứng): Sắt và Axit clohidric .

+ Chất sản phẩm: Sắt (II) Clorua và Khí hidro.

b) Photpho + Khí oxi → điphotphopentaoxit.

+ Chất ban đầu (phản ứng): Photpho và Khí oxi.

+ Chất sản phẩm: điphotphopentaoxit.

c) Khí hidro + oxit sắt từ → Sắt + Nước.

+ Chất ban đầu (phản ứng): Khí hidro và oxit sắt từ.

+ Chất sản phẩm: Sắt và Nước.

d) Canxi + axit photphoric → Canxi photphat + khí hidro.

+ Chất ban đầu (phản ứng): Canxi và axit photphoric.

+ Chất sản phẩm: Canxi photphat và khí hidro.

DẠNG 2. VIẾT PHƯƠNG TRÌNH CHỮ CỦA PHẢN ỨNG

PHƯƠNG PHÁP GIẢI

  • Cần nhớ cách viết phương trình chữ của phản ứng:

Tên các chất phản ứng → Tên các chất sản phẩm

+ Chú ý: điều kiện phản ứng viết ở trên dấu mũi tên.

Ví dụ 2: Hãy cho biết trong các quá trình biến đổi sau đây,hiện tượng nào là hiện tượng vật lí? Hiện tượng hoá học? Viết các phương trình chữ của các phản ứng hoá học

a) Đốt cồn (rượu etylic) trong không khí, tạo ra khí cacbonic và nước.

b) Chế biến gỗ thành giấy, bàn ghế…

c) Đốt bột nhôm trong không khí, tạo ra nhôm oxit

d) Điện phân nước, ta thu được khí hiđrô và khí oxi

Hướng dẫn giải:

- Trong các quá trình biến đổi trên, có quá trình b xảy ra hiện tượng vật lí; còn các quá trình còn lại a, c,d xảy ra hiện tượng hóa học.

- Phương trình chữ của phản ứng:

a) Rượu etylic + Khí Oxi → khí cacbon đioxit + nước.

c) Nhôm + khí Oxi → nhôm oxit (điều kiện: nhiệt độ).

d) Nước → Khí Hidro + Khí Oxi (điều kiện: điện phân dung dịch).

DẠNG 3. DẤU HIỆN NHẬN BIẾT XẢY RA PHẢN ỨNG HÓA HỌC

PHƯƠNG PHÁP GIẢI

  • Cần nắm được các dấu hiệu xảy ra phản ứng hóa học như: tạo thành chất mới, có tính chất khác với chất phản ứng như: màu, mùi, vị, tỏa nhiệt, phát sáng…

Ví dụ 3: Hãy chỉ ra dấu hiệu nhận biết các phản ứng hóa học sau:
a) Đun nóng thuốc tím kali pemanganat (màu tím) sau một thời gian chuyển thành màu đen là mangan đioxit.
b) Thổi hơi vào dung dịch nước vôi trong chứa canxi hidroxit, thì trên bề mặt xuất hiện một ván trắng là canxi cacbonat.
c) Cây nến đang cháy, cây nến càng lúc càng ngắn lại.
d) Sao chổi là một hành tinh mà khi di chuyển, kéo theo vô vàn những hạt bụi vũ trụ. Khi tiến gần đến Mặt trời, các hạt bụi này bốc cháy, sáng rực và ánh sáng này có thể nhìn thấy từ Trái đất.

Hướng dẫn giải:

a) Dấu hiệu: từ màu tím chuyển sang màu đen mangan đioxit .
b) Dấu hiệu: xuất hiện ván trắng canxi cacbonat.
c) Dấu hiệu: hình dạng ngắn lại.
d) Dấu hiệu: bốc cháy, sáng rực.

C. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Bài 1 (trang 50 SGK Hoá học 8):

a) Phản ứng hóa học là gì?

b) Chất nào gọi là chất tham gia (hay chất phản ứng), là sản phẩm (hay chất tạo thành).

c) Trong quá trình phản ứng, lượng chất nào giảm dần, lượng chất nào tăng dần?

Hướng dẫn giải:

a) Phản ứng hóa học là quá trình biến đổi chất này (chất phản ứng) thành chất khác (sản phẩm phản ứng).

b) Chất ban đầu gọi là chất tham gia (hay chất phản ứng), chất sinh ra sau phản ứng là sản phẩm (hay chất tạo thành).

c) Trong quá trình phản ứng, lượng chất ban đầu giảm dần, lượng chất sản phẩm tăng dần.

Bài 2 (trang 50 SGK Hoá học 8):

a) Vì sao nói được: khi chất có phản ứng chính là phân tử phản ứng (nếu là đơn chất kim loại thì nguyên tử phản ứng).

b) Trong một phản ứng chỉ xảy ra sự thay đổi gì? Kết quả là gì?

c) Theo hình 2.5 (trang 48 sgk) hãy trả lời câu: Số lượng nguyên tử mỗi nguyên tố có giữ nguyên trước và sau phản ứng không.

Hướng dẫn giải:

a) Khi chất có phản ứng chính là phân tử phản ứng (nếu là đơn chất kim loại thì nguyên tử phản ứng) vì hạt hợp thành của hầu hết các chất là phân tử, mà phân tử thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất. Tương tự, đơn chất kim loại có hạt hợp thành là nguyên tử, nên nguyên tử tham gia phản ứng (tạo ra liên kết với nguyên tử nguyên tố khác).

b) Trong phản ứng hóa học chỉ xảy ra sự thay đổi liên kết giữa các nguyên tử. kết quả là chất này biến đổi thành chất khác.

c) Theo hình 2.5 (trang 48 sgk), số lượng nguyên tử mỗi nguyên tố có giữ nguyên trước và sau phản ứng.

Bài 3 (trang 50 SGK Hoá học 8):

Ghi lại phương trình phản ứng xảy ra khi cây nến cháy (xem bài tập 3, bài 12 sgk trang 45).

Cho biết tên các chất tham gia và sản phẩm trong phản ứng này?

Hướng dẫn giải:

Phương trình chữ của phán ứng:

Nến (parafin) + khí oxi → khí cacbon đioxit + nước.

+ Chất ban đầu (phản ứng): nến và khí oxi.

+ Chất sản phẩm: khí cacbon đioxit và nước.

Bài 4 (trang 50 SGK Hoá học 8):

Hãy chép các câu sau đây với đầy đủ các cụm từ thích hợp chọn trong khung:

Rắn; lỏng; hơi; phân tử; nguyên tử.

"Trước khi cháy chất parafin ở thể….. còn khi cháy ở thể……Các……parafin phản ứng với các……khí oxi"

Hướng dẫn giải:

Trước khi cháy chất parafin ở thể rắn còn khi cháy ở thể lỏng. Các nguyên tử parafin phản ứng với các phân tử khí oxi.

Bài 5 (trang 51 SGK Hoá học 8):

Bỏ quả trứng vào dung dịch axit clo hidric thấy sủi bọt ở vỏ trứng (hình trang 51/ SGK).

Biết rằng axit clohidric đã tác dụng với canxi cacbonat (chất này trong vỏ trứng) tạo ra canxi clorua (chất này tan), nước và khí cacbon đioxit thoát ra. Hãy chỉ ra dấu hiệu để nhận biết có phản ứng xảy ra. Ghi lại phương trình chữ của phản ứng?

Hướng dẫn giải:

- Dấu hiệu nhận biết: thấy sủi bọt ở vỏ trứng => chứng tỏ là có khí thoát ra (khí này là khí cacbon đioxit).

- Phương trình chữ của phản ứng:

Canxi cacbonat + dung dịch axit clohiđric → canxi clorua + khí cacbon đioxit + nước.

- Chất ban đầu: Canxi cacbonat và dung dịch axit clohiđric

- Chất sản phẩm: canxi clorua; khí cacbon đioxit và nước.

Bài 6 (trang 51 SGK Hoá học 8):

Khi than cháy trong không khí xảy ra phản ứng hóa học giữa cacbon và khí oxi.

a) Hãy giải thích vì sao cần đập vừa nhỏ than trước khi đưa vào lò đốt, dùng que lửa châm rồi quạt mạnh đến than bén cháy thì thôi?

b) Ghi lại phương trình chữ phản ứng, biết rằng sản phẩm là khí cacbon đioxit.

Hướng dẫn giải:

a) Cần đập vừa nhỏ than trước khi đưa vào lò đốt để giúp tăng bề mặt tiếp xúc của than với khí oxi (trong không khí). Dùng que lửa châm để làm tăng nhiệt độ của than, quạt mạnh để thêm đủ oxi. Khi than bén cháy thì đã có phản ứng hóa học xảy ra.

Chú ý: than cần đập vừa nhỏ, nếu quá nhỏ thì các mảnh than xếp khít nhau làm hạn chế việc thông thoáng khí khiến than cũng khó cháy.

b) Phương trình chữ phản ứng:

Than + khí oxi → cacbon đioxit + nhiệt lượng (điều kiện của phản ứng: nhiệt độ).

- Chất ban đầu: Than và khí oxi.

- Chất sản phẩm: cacbon đioxit và nhiệt lượng

 

Trên đây là gợi ý giải bài tập Hóa 8 bài Phản ứng hóa học do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (460)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy