BÀI 21. NHIỆT NĂNG
I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Nhiệt năng
+ Các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động không ngừng, do đó chúng có động năng. Tổng động năng của các phân tử cấu tạo nên vật gọi là nhiệt năng của vật.
+ Nhiệt độ của vật càng cao thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.
2. Các cách làm thay đổi nhiệt năng
+ Thực hiện công: khi ta thực hiện công lên vật hoặc làm cho vật thực hiện công thì nhiệt năng của vật thay đổi.
+ Truyền nhiệt
- Cách làm thay đổi nhiệt năng mà không cần thực hiện công gọi là truyền nhiệt
- Khi cho hai vật có nhiệt độ khác nhau tiếp xúc với nhau thì vật có nhiệt độ thấp hơn sẽ nóng lên (nhiệt năng tăng) còn vật có nhiệt độ cao hơn sẽ nguội đi (nhiệt năng giảm).
3. Nhiệt lượng
+ Phần nhiệt năng mà vật nhận thêm được hay mất bớt đi trong quá trình truyền nhiệt được gọi là nhiệt lượng.
+ Kí hiệu nhiệt lượng là Q.
+ Đơn vị của nhiệt lượng là Jun (J); kilôjun (kJ): 1 kJ = 1000 J.
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
Giải thích các hiện tượng liên quan đến nhiệt năng
Các câu hỏi chủ yếu là câu hỏi lí thuyết về nhiệt năng và các cách làm thay đổi nhiệt năng, cần lưu ý một số đặc điểm sau:
+ Các phân tử cấu tạo nên vật luôn chuyển động nhiệt không ngừng nên chúng luôn có động năng. Vì vậy, bất kì vật nào cũng có nhiệt năng.
+ Nhiệt độ của vật càng cao, các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.
+ Có 2 cách làm thay đổi nhiệt năng là thực hiện công và truyền nhiệt.
III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Câu C1 (trang 74 SGK Vật Lí 8):
Các em hãy nghĩ ra một thí nghiệm đơn giản để chứng tỏ khi thực hiện công lên miếng đồng, miếng đồng sẽ nóng lên.
Trả lời:
– Cọ xát miếng đồng nhiều lần lên mặt bàn thì miếng đồng sẽ nóng dần lên.
– Dùng búa đập lên miếng đồng nhiều lần, miếng đồng sẽ nóng lên.
Câu C2 (trang 75 SGK Vật Lí 8):
Các em hãy nghĩ ra một thí nghiệm đơn giản để minh họa việc làm tăng nhiệt năng của một vật bằng cách truyền nhiệt.
Trả lời:
+ Thả đồng xu vào một cốc nước nóng sẽ làm cho miếng đồng nóng lên và nhiệt năng của đồng xu tăng lên nhờ nhiệt lượng truyền từ nước nóng sang đồng xu.
+ Đặt một ấm nước lên bếp lửa, nước trong ấm sẽ nóng lên, nhiệt năng của ấm nước tăng lên nhờ nhiệt lượng truyền từ bếp lửa sang ấm.
Câu C3 (trang 75 SGK Vật Lí 8):
Nung nóng một miếng đồng rồi thả vào một cốc nước lạnh. Hỏi nhiệt năng của miếng đồng và của nước thay đổi như thế nào? Đây là sự thực hiện công hay truyền nhiệt?
Trả lời:
+ Nhiệt năng của miếng đồng sẽ giảm đi và nhiệt năng của nước tăng lên.
+ Đây là sự truyền nhiệt, nhiệt lượng đã được truyền từ miếng đồng sang nước.
Câu C4 (trang 75 SGK Vật Lí 8):
Xoa hai bàn tay vào nhau ta thấy nóng lên. Trong hiện tượng này đã có sự chuyển hóa năng lượng từ dạng nào sang dạng nào? Đây là sự thực hiện công hay truyền nhiệt?
Trả lời:
+ Xoa hai bàn tay vào nhau ta thấy nóng lên. Trong hiện tượng này đã có sự chuyển hóa từ cơ năng sang nhiệt năng.
+ Đây là sự thực hiện công.
Câu C5 (trang 75 SGK Vật Lí 8):
Hãy dùng những kiến thức đã học trong bài để giải thích hiện tượng nêu ra ở đầu bài.
Trong thí nghiệm về thả quả bóng rơi (H.21.1), mỗi lần quả bóng nảy lên, độ cao của nó lại giảm dần. Cuối cùng không nảy lên được nữa. Trong hiện tượng này rõ ràng là cơ năng đã giảm dần. Vậy cơ năng đã biến mất hay đã chuyển thành một dạng năng lượng khác? |
Trả lời:
Mỗi lần quả bóng rơi xuống rồi nảy lên, nó va chạm với nền và cọ xát với không khí. Quả bóng truyền cho nền và không khí một phần cơ năng của nó. Phần cơ năng này chuyển hóa sang dạng nhiệt năng làm nền, không khí và quả bóng nóng lên. Do cơ năng giảm, độ cao của quả bóng giảm dần. Cuối cùng khi cơ năng chuyển hóa hết sang dạng nhiệt năng thì quả bóng không nảy lên được nữa.
Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 8 bài dẫn nhiệt do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ