ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ
Phạm Văn Đồng
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 55)
Luận điểm chính của toàn bài được nêu rõ trong nhan đề và câu mở đoạn của bài viết đó là
+ Nhan đề: Đức tính giản dị của Bác Hồ.
+ Câu văn: “Sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.”
Tác giả đã chứng minh đức tính giản dị của Bác trên các phương diện:
+ Bữa ăn hằng ngày
+ Nhà ở
+ Việc làm
+ Lời nói, bài viết
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 55)
- Trình tự lập luận: Từ việc nêu lên luận điểm chính, tác giả đi vào chứng minh trên các phương phương diện khác nhau, kết hợp với bình luận.
- Bố cục đoạn trích:
+ Đoạn 1 (từ đầu…tuyệt đẹp): sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác.
+ Đoạn 2 (còn lại): sự giản dị của Bác Hồ trong sinh hoạt, lối sống, việc làm.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 55)
Những chứng cứ trong đoạn văn “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!” giàu sức thuyết phục bởi lẽ:
- Hệ thống luận cứ toàn diện, phong phú.
- Dẫn chứng đều cụ thể, xác thực, giàu sức thuyết phục (Các dẫn chứng được đảm bảo tính xác thực dựa trên mối quan hệ gần gũi, lâu dài của tác giả và Bác).
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 55)
Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng kết hợp chứng minh với những lời giải thích, bình luận sâu sắc. Cách kết hợp các phép nghị luận như vậy giúp vấn đề được sáng tỏ, sâu sắc hơn vì được soi sáng dưới nhiều gọc độ. Từ đó, bài viết trở nên giàu sức thuyết phục và hấp dẫn hơn.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 55)
Những đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài viết:
- Luận điểm ngắn gọn, tập trung.
- Luận cứ toàn diện, xác đáng.
- Dẫn chứng cụ thể, phong phú, xác thực.
- Kết hợp nhiều phép nghị luận: chứng minh, giải thích, bình luận.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Một trong những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh chính là đức tính giản dị. Đức tính ấy là một trong những phẩm chất nổi bật và nhất quán và được thể hiện rất rõ từ đời sống sinh hoạt cho đến quan hệ với mọi người xung quanh, từ công việc cho đến lời ăn tiếng nói hằng ngày của Bác.
2. Giá trị nghệ thuật
Bằng hệ thống dẫn chứng cụ thể, phong phú, được sắp xếp theo một trật tự hợp lí kết hợp với những nhận xét vừa sâu sắc vừa thấm đượm tình cảm chân thành, văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” đã làm sáng ngời vẻ đẹp giản dị ở một nhân cách lớn - Hồ Chí Minh.
III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 55)
Một số ví dụ về sự giản dị trong thơ văn của Bác Hồ:
“Một thí dụ rất rõ ràng: Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi, thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.
Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi.”
(Sửa đổi lề lối làm việc)
“Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Chỉ một người,
Nhắc không đặng.
…
Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Làm cũng xong.”
(Hòn đá to)
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 56)
Qua bài viết này, em thấy được:
- Đức tính giản dị là một đức tính quý báu ở mỗi con người. Đó là lối sống không cầu kì, xa hoa, đòi hỏi quá mức.
- Lối sống giản dị giúp cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn, con người có sự chú tâm đến việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần hơn. Đồng thời lỗi sống giản dị giúp chúng ta gần gũi, hòa đồng hơn, gắn bó hơn với xung quanh.
Gợi ý Văn 7 Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ