ican
Ngữ Văn 7
Sống chết mặc bay

Soạn bài Sống chết mặc bay

Văn 7 Soạn bài Sống chết mặc bay: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Sống chết mặc bay giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

SỐNG CHẾT MẶC BAY

- Phạm Duy Tốn -

I, HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 81)

Truyện ngắn Sống chết mặc bay có thể chia làm 3 đoạn:

- Đoạn 1 (Từ đầu đến Khúc đê này hỏng mất): Nguy cơ vỡ đê và nỗ lực chống đỡ của nhân dân.

- Đoạn 2 (Tiếp theo đến Điếu, mày!): Sự thờ ơ, vô tránh nhiễm của lũ quan lại.

- Đoạn 3 (Còn lại): Đê vỡ và tình cảnh thảm sầu của nhân dân.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 81)

a) Hai mặt tương phản cơ bản trong truyện Sống chết mặc bay:

- Một bên là nhân dân đang vật lộn với mưa gió hết sức căng thẳng, vất vả để hộ đê.

- Một bên là tên quan phủ đi hộ đê an toàn, nhàn nhã, mải mê với ván bài tổ tôm.

b) Phân tích rõ hai mặt tương phản

Nhân dân

Viên quan đi hộ đê

- Là những con người thấp cổ bé họng, quanh năm vất vả, nhọc nhằn, nay còn phải vật lộn với ông trời, với mưa to gió lớn để giành sự sống trong cảnh thiên tai, lũ lụt.

- Thân là quan phụ mẫu, gánh trên mình chức trách: lo lắng, chăm sóc, bảo vệ nhân dân.

- Bối cảnh:

+ Thời gian: gần một giờ đêm. Người dân đã phải chống đỡ, vật lộn với mưa lũ suốt cả một ngày dài mà vẫn chưa kết thúc.

+ Không gian: trên khúc đê làng X, trời mưa tầm tã, dưới sông, thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên.

→ Thiên tai đang bủa vây con người từ mọi phía. Sức người khó lòng địch nổi sức trời. Nhân dân đang trong tình cảnh vô cùng đáng thương, sầu thảm.

- Bối cảnh:

+ Thời gian: gần một giờ đêm nhưng đèn đuốc sáng trưng, ấm áp.

+ Không gian: cũng trên mặt đê nhưng trong một ngôi đình cao mà vững chắc, dù nươc có dâng cao đến đâu cũng không việc gì, nơi ấy cách nơi đắp đê bốn năm trăm thước.

→ Quan phụ mẫu đang ở trong một không gian vô cùng an toàn, không cần phải lo sợ nhưng cũng vừa đủ gần để có thể quan sát mọi sự. Ấy vậy mà thái độ của quan lại thờ ơ đến lạ lùng, không quan tâm đến số phận của những người dân vô tội.

c) Hình ảnh của quan phủ đi “hộ đê” được tác giả khắc họa trong truyện ngắn:

+ Không gian, thời gian xuất hiện: một giờ đêm trong một ngôi đình cao vững chãi, giữa đêm mà đèn đuốc sáng trưng.

+ Những đồ vật mang theo: rất nhiều đồ dùng khác nhau nhưng chỉ nhằm khoe khoang sự giàu có, xa hoa của quan đồng thời thể hiện thói quan liêu, vô trách nhiệm khi quan đi hộ đê nhưng chỉ tập trung ăn chơi, hưởng lạc.

+ Những hành động: chỉ tập trung vào ván bài đang chơi dở, bất chấp nguy cơ đê vỡ. Cả khi đê đã vỡ, quan phụ mẫu vẫn không mảy may quan tâm đến chức trách của mình và vận mệnh của người dân.

+ Ngôn ngữ: những tiếng dạ, bẩm, thưa cho thấy thói xu nịnh của bọn tùy tòng. Quan phụ mẫu cất tiếng là ra lệnh, dọa nạt, chửi mắng thể hiện sự trịch thượng, hách dịch.

+ Diễn biến tâm trạng: từ say mê chờ đợi, hồi hộp rồi vỡ òa trong niềm sung sướng khi ù ván bài to.

Tất cả cho thấy đó là hình ảnh của lũ quan lại vô trách nhiệm và nhẫn tâm, lòng lang dạ thú.

d) Tác giả dựng lên hai cảnh tương phản nhằm mục đích làm nổi bật sự đối lập trước tình cảnh thê thảm của nhân dân và sự vô trách nhiệm, thói quan liêu của quan lại đương thời.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 82)

a) Thủ pháp tăng cấp trong việc miêu tả mức độ của trời mưa, của độ nước sông dâng cao, của cảnh hộ đê vất vả, căng thẳng của người dân:

- Mưa tầm tã trút nước xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên.

- Hàng trăm con người vất vả hộ đê, bì bõm dưới bùn, người ướt lướt thướt như chuột lột nhứng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Con người vẫn kiên cường chống trọi nhưng dường như sức người không thể địch lại sức trời nữa rồi.

- Âm thanh hối hả, thức giục con người, tiếng trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, người gọi nhau xáo xác diễn tả không khí hết sực khẩn trương.

b) Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ đam mê bài bạc của tên quan phủ:

- Trước khi đê vỡ: Viên quan ung dung ngồi chơi bài trong đình cao vững chãi, sáng sửa, ấm áp. Hắn chỉ tập trung vào ván bài đang chơi dở, bất chấp nguy cơ đê vỡ, không mảy may quan tâm đến chức trách của mình và vận mệnh của người dân.

- Khi đê vỡ: Cau mặt, cáu gắt khi có người quấy rầy; giục cấp dưới tiếp tục ván bài. Đỏ mặt, tía tai quát, dọa cách cổ, bỏ tù khi có người báo vỡ đê. Và điền nhiên, say mê quay trở lại ván bài.

- Khi u ván bài: vỗ tay xuống sập, kêu to đầy sung sướng và hạnh phúc, miệng vừa cười, vừa nói.

c) Sự hợp giữa nghệ thuật tương phản và nghệ thuật tăng cấp đã vạch trần bản chất vô trách nhiệm, lòng lang dạ thú của viên quan phủ trước sinh mạng của nhân dân. Trước sinh mạng của nhân dân, không mảy may suy nghĩ nhưng khi u một ván bài to thì hả hê sung sướng vô cùng. Khi y sung sướng vô cùng cũng là lúc nhân dân rơi vào tình cảnh khổ sở đến cùng cực. Chính sự kết hợp này đã vạch trần bộ mặt thiếu trách nhiếm đến vô nhân tính của viên quan phủ và bè lũ quan lại.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 82)

- Giá trị hiện thực của tác phẩm được thể hiện qua việc miêu tả chân thực tình cảnh khốn khổ của người dân và sự vô trách nhiệm của đám quan lại.

- Giá trị nhân đạo được thể hiện qua lòng xót thương, thông cảm của nhà văn dành cho những người dân bất hạnh đồng thời lên án, tố cáo bọn quan lại vô trách nhiệm, vô nhân tính.

- Về mặt nghệ thuật:

+ Truyện sử dụng thành công thủ pháp tương phản và tăng cấp nhằm khắc họa tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề tác phẩm.

+ Ngôn ngữ truyện gần gũi, không có nhiều điển cố điển tích. Lời kể tuy đôi chỗ còn bị ảnh hưởng bởi lối văn biền ngẫu song về cơ bản là ngắn gọn, hàm súc, có sự kết hợp giữa kể, tả, biểu cảm, nghị luận.

+ Nhân vật không chỉ được miêu tả theo những công thức có sẵn, với đặc điểm về ngôn ngữ và hành động mà còn được tái hiện cả về tâm lí, cảm xúc.

 

II, KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

- Sống chết mặc bay là tiếng nói lên án gay gắt bè lũ quan phủ vô trách nhiệm, vô nhân tính khi bỏ mặc tính mạng của biết bao nhiêu người dân vô tội. Đó còn là tiếng nói đầy thương xót trước tình cảnh đầy sầu thảm của nhân dân

- Qua tác phẩm Sống chết mặc bay người được cái tài của Phạm Duy Tốn khi kết hợp vô cùng thành công thủ pháp đối lập và thủ pháp nghệ thuật tăng cấp, cũng như sứ khéo léo trong việc sử dụng lời văn, ở nghệ thuật xây dựng nhân vật,…

III, HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 83)

Các hình thức ngôn ngữ được sử dụng trong truyện Sống chết mặc bay:

Hình thức ngôn ngữ

Không

Ngôn ngữ tự sự

+

 

Ngôn ngữ miêu tả

+

 

Ngôn ngữ biểu cảm

+

 

Ngôn ngữ người kể chuyện

+

 

Ngôn ngữ nhân vật

+

 

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

 

+

Ngôn ngữ đối thoại

+

 

 

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2 – trang 83)

Qua ngôn ngữ đối thoại của quan phủ, y hiện lên là một người có tính cách hách dịch, độc đoạn, vô trách nhiệm,… Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật thường ngắn, cụt ngủn, mang tính mệnh lệnh như Điếu! Mày!; Mặc kệ! Có ăn không thì bốc chứ! Đuổi cổ nó ra ;…

Giữa ngôn ngữ và tính cách nhân vật có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Ngôn ngữ phản ánh tính cách nhân vật một cách rõ nét, sinh động.

 

Gợi ý Văn 7 Soạn bài Sống chết mặc bay do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (497)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy