BÀI 24. SỰ NÓNG CHẢY VÀ SỰ ĐÔNG ĐẶC
I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
Sự nóng chảy
+ Định nghĩa: Sự nóng chảy là sự chuyển từ thể rắn sang thể lỏng.
+ Đặc điểm:
- Phần lớn các chất nóng chảy ở một nhiệt độ xác định (trừ thủy tinh, nhựa, nhựa đường). Nhiệt độ này gọi là nhiệt độ nóng chảy của chất.
- Trong suốt thời gian nóng chảy nhiệt độ của vật không thay đổi.
- Các chất khác nhau thì có nhiệt độ nóng chảy khác nhau
Bảng nhiệt độ nóng chảy ở áp suất chuẩn của một số chất
Chất rắn | t°C |
Niken | 1452 |
Sắt | 1530 |
Thép | 1300 |
Đồng đỏ | 1083 |
Vàng | 1063 |
Bạc | 960 |
Nhôm | 659 |
Chì | 327 |
Thiếc | 232 |
Nước đá | 0 |
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
Dạng 1. Giải thích các hiện tượng trong đời sống liên quan đến sự nóng chảy
Dựa vào định nghĩa và các đặc điểm của hiện tượng nóng chảy:
- Sự nóng chảy là sự chuyển từ thể rắn sang thể lỏng.
- Nhiệt độ nóng chảy của mỗi chất là xác định.
- Trong suốt thời gian nóng chảy nhiệt độ của vật không thay đổi.
- Các chất khác nhau thì có nhiệt độ nóng chảy khác nhau
Dạng 2. Vẽ đường biểu diễn sự thay đổi nhiệt độ theo thời gian của vật nóng chảy.
Bước 1: Vẽ hai trục vuông góc
+ Trục nằm ngang là trục thời gian, vạch gốc trục thời gian ghi số 0.
+ Trục thẳng đứng là trục nhiệt độ, vạch gốc trục nhiệt độ ghi nhiệt độ nhỏ nhất trong bảng số liệu.
Bước 2: Xác định các điểm biểu diễn nhiệt độ tương ứng với thời gian.
Bước 3: Nối các điểm biễu diễn nhiệt độ tương ứng với thời gian đã xác định ở bước 2, ta được đường biểu diễn sự thay đổi nhiệt độ theo thời gian của vật trong quá trình nóng chảy.
Dạng 3. Khai thác dữ liệu từ đường biểu diễn sự thay đổi nhiệt độ theo thời gian của vật nóng chảy.
Bước 1: Nhận dạng đường biểu diễn quá trình nóng chảy.
Nếu đường biểu diễn có dạng đường thẳng nằm ngang giữa hai đường xiên hướng lên thì đây là đường biểu diễn có chứa quá trình nóng chảy của chất.
Bước 2: Xác định nhiệt độ nóng chảy
Giá trị nhiệt độ tương ứng với đoạn nằm ngang là nhiệt độ nóng chảy
Bước 3: Xác định chất được chuyển thể và thể của chất.
+ Tra bảng nhiệt độ nóng chảy của một số chất ra sẽ suy ra được chất đó là chất gì.
+ Đường biểu diễn ở dưới nhiệt độ nóng chảy, chất ở thể rắn.
+ Đường biểu diễn nằm ngang ứng với nhiệt độ nóng chảy, chất ở hai thể rắn và lỏng.
+ Đường biểu diễn ở trên nhiệt độ nóng chảy chất ở thể lỏng.
Bước 4: Xác định thời gian nóng chảy
Thời gian nóng chảy = Thời điểm kết thúc nóng chảy – Thời điểm bắt đầu nóng chảy.
III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Câu C1 (trang 76 SGK Vật Lí 6):
Khi được đun nóng thì nhiệt độ của băng phiến thay đổi như thế nào? Đường biểu diễn từ phút 0 đến phút thứ 6 là đoạn thẳng nằm nghiêng hay nằm ngang?
Trả lời:
+ Khi được đun nóng thì nhiệt độ của băng phiến tăng dần.
+ Đường biểu diễn từ phút 0 đến phút thứ 6 là đoạn thẳng nằm nghiêng lên.
Câu C2 (trang 76 SGK Vật Lí 6):
Tới nhiệt độ nào thì băng phiến bắt đầu nóng chảy? Lúc này băng phiến tồn tại ở những thể nào?
Trả lời:
Băng phiến bắt đầu nóng chảy ở 80°C, lúc này bàng phiến tồn tại ở cả thể rắn và thể lỏng.
Câu C3 (trang 76 SGK Vật Lí 6):
Trong suốt thời gian nóng chảy, nhiệt độ của băng phiến có thay đổi không? Đường biếu diễn từ phút 8 đến phút 11 là đoạn thẳng nằm nghiêng hay nằm ngang?
Trả lời:
+ Trong suốt thời gian nóng chảy, nhiệt độ của băng phiến không thay đổi.
+ Đường biểu diễn từ phút thứ 8 đến phút thứ 11 là đoạn thẳng nằm ngang.
Câu C4 (trang 76 SGK Vật Lí 6):
Khi băng phiến đã nóng chảy hết thì nhiệt độ của băng phiến sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian? Đường biểu diễn từ phút 11 đến phút 15 là đoạn thẳng nằm ngang hay nằm nghiêng?
Trả lời:
+ Khi băng phiến đã nóng chảy hết thì nhiệt độ của băng phiến tiếp tục tăng.
+ Đường biểu diễn từ phút thứ 11 đến phút thứ 15 là đoạn nằm nghiêng lên.
Câu C5 (trang 76 SGK Vật Lí 6):Chọn từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống của các câu sau | 70°C; 80°C; 90°C; Thay đổi; Không thay đổi. |
– Băng phiến nóng chảy ở (1) … nhiệt độ này gọi là nhiệt độ nóng chảy của băng phiến.
– Trong thời gian nóng chảy, nhiệt độ của băng phiến (2) …
Trả lời:
– Băng phiến nóng chảy ở (1) 80°C, nhiệt độ này gọi là nhiệt độ nóng chảy của băng phiến.
– Trong thời gian nóng chảy, nhiệt độ của băng phiến (2) không thay đổi