BÀI 13. MÁY CƠ ĐƠN GIẢN
I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Kéo vật lên theo phương thẳng đứng
- Khi kéo một vật lên theo phương thẳng đứng cần phải dùng lực có cường độ ít nhất bằng trọng lượng của vật.
- Những khó khăn trong việc kéo trực tiếp vật lên theo phương thẳng đứng:
- Lực kéo phải ít nhất bằng trọng lượng của vật cho nên những vật có khối lượng lớn nhiều mà sức người bình thường thì có hạn nên có thể không kéo nổi vật lên được.
- Tư thế đứng để kéo không thuận lợi (dễ ngã, không lợi dụng được trọng lượng của cơ thể,…).
⇒ Để thực hiện công việc được dễ dàng hơn, ta dùng máy cơ đơn giản.
2. Máy cơ đơn giản
- Máy cơ đơn giản là những thiết bị không dùng để làm biến đổi năng lượng, mà chủ yếu dùng làm biến đổi lực (điểm đặt, phương, chiều và độ lớn).
- Máy cơ đơn giản thường được dùng để di chuyển hoặc nâng các vật nặng lên cao một cách dễ dàng.
- Các loại máy cơ đơn giản thường dùng là: Mặt phẳng nghiêng, đòn bẩy và ròng rọc.
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
- Phần này chủ yếu là lí thuyết về các loại máy cơ đơn giản, các em cần nắm chắc lí thuyết ở phần I và căn cứ vào dữ kiện của đề bài để trả lời câu hỏi.
III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi C1 (trang 42 SGK Vật Lí 6):
Từ kết quả thí nghiệm, hãy so sánh lực kéo vật lên với trọng lượng của vật
Trả lời:
- Tuỳ theo thí nghiệm thu được của các em.
- Câu trả lời có thể là lực kéo vật lên bằng (hoặc lớn hơn) trọng lượng của vật
Câu hỏi C2 (trang 42 SGK Vật Lí 6):
Chọn từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống trong câu sau:
Khi kéo vật lên theo phương thẳng đứng cần phải dùng lực (1)…. ít trọng lượng của vật. | lớn hơn nhỏ hơn ít nhất bằng |
Trả lời:
Khi kéo vật lên theo phương thẳng đứng cần phải dùng lực (1) ít nhất bằng trọng lượng của vật.
Câu hỏi C3 (trang 42 SGK Vật Lí 6):
Hãy nêu những khó khăn trong cách kéo này.
Trả lời:
Các khó khăn có thể là :
- Lực kéo phải ít nhất bằng trọng lượng của vật cho nên những vật có khối lượng lớn nhiều mà sức người bình thường thì có hạn nên có thể không kéo nổi vật lên được.
- Tư thế đứng để kéo không thuận lợi (dễ ngã, không lợi dụng được trọng lượng của cơ thể,…).
Câu hỏi C4 (trang 43 SGK Vật Lí 6):
Chọn từ thích hợp trong dấu ngoặc để điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a) Máy cơ đơn giản là những dụng cụ giúp thực hiện công việc (1)…hơn (nhanh/dễ dàng).
b) Mặt phẳng nghiêng, đòn bẩy, ròng rọc là (2) … (palăng / máy cơ đơn giản).
Trả lời:
a) Máy cơ đơn giản, đòn bẩy, ròng giúp thực hiện công việc (1) dễ dàng hơn.
b) Mặt phẳng nghiêng, đòn bẩy, ròng rọc là (2) máy cơ đơn giản.
Câu hỏi C5 (trang 43 SGK Vật Lí 6):
Nếu khối lượng của ống bêtông là 200 kg và lực kéo của mỗi người trong hình 13.2 là 400 N thì những người này có kéo được ống bê tông lên không? Vì sao?
Trả lời:
Lực kéo tổng cộng của 4 người là: 400.4 = 1600 N.
Trọng lượng của ống bêtông là: P = l0m = 10.200 = 2000 N.
Ta thấy lực kéo nhỏ hơn trọng lượng của vật (1600 N < 2000 N) nên 4 người không thể kéo bêtông thẳng lên được.
Câu hỏi C6 (trang 43 SGK Vật Lí 6):
Tìm những thí dụ sử dụng máy cơ đơn giản trong cuộc sống.
Trả lời:
Các ví dụ như:
- Đòn bẩy: Búa nhổ đinh.
- Xà beng: để bẩy những vật nặng.
- Ròng rọc được sử dụng ở đỉnh cột cờ của trường để kéo lá cờ lên cao.
- Mặt phẳng nghiêng: lăn bằng tay một thùng phi nặng trên tấm vấn từ mặt đường lên xe tải bằng mặt phẳng nghiêng.
Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 6 bài máy cơ đơn giản vật lý 6 do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.