ican
Vật lý 6
Bài 6: Lực – Hai lực cân bằng

Lực - hai lực cân bằng

Vật Lý 6 bài Hai lực cân bằng: Lý thuyết trọng tâm, giải bài tập sách giáo khoa Hai lực cân bằng: giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

BÀI 6. LỰC – HAI LỰC CÂN BẰNG

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Nhận biết lực

  • Khi một vật bị đẩy hay bị kéo ta nói vật này chịu tác dụng của một lực
  • Khi một vật chịu tác dụng của một lực, bao giờ cũng chỉ ra được vật đã gây ra lực đó

2. Phương chiều của lực

  • Mỗi lực đều có phương, chiều xác định.
  • Phương của lực: có thể là phương thẳng đứng, phương ngang hoặc phương bất kì.
  • Chiều của lực: có thể từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái.

3. Hai lực cân bằng

+ Hai lực cân bằng là hai lực có đặc điểm

  • Cùng đặt lên một vật
  • Có phương cùng nằm trên một đường thẳng
  • Ngược chiều
  • Có cùng độ lớn

+ Nếu chỉ có hai lực tác dụng vào cùng một vật mà vật vẫn đứng yên thì hai lực đó là hai lực cân bằng.

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Dạng 1. Nhận biết lực

  • Nếu một vật bị thay đổi về hình dạng hoặc thay đổi về chuyển động thì vật đó đã chịu tác dụng của lực.
  • Khi vật chịu tác dụng của một hay nhiều lực, ta cần phải biết lực nào là lực hút, lực đẩy, lực nâng, lực kéo hay lực ép…

Dạng 2. Xác định phương và chiều của lực

Căn cứ vào sự nhận biết lực, vào những kết quả tác dụng của lực để ta xác định phương và chiều của lực tác dụng.

  • Khi chịu tác dụng của một lực, nếu vật bị nén hay giãn theo phương và chiều nào thì thường lực đó cũng có phương và chiều đó.
  • Khi chịu tác dụng của lực và vật bị biến đổi chuyển động (chuyển động nhanh dần, chậm dần hay đổi hướng…) thì tùy theo từng trường hợp cụ thể để ta xác định đúng phương và chiều của lực.

Dạng 3. Cách xác định hai lực cân bằng

+ Hai lực cân bằng là hai lực phải có đủ 4 yếu tố:

  • Hai lực phải tác dụng lên cùng một vật.
  • Phương của hai lực phải cùng nằm trên một đường thẳng.
  • Chiều của hai lực phải ngược nhau.
  • Độ lớn của hai lực phải bằng nhau.

Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố đó thì chúng không phải là hai lực cân bằng.

+ Lưu ý:

  • Khi vật này tác dụng lực lên vật kia một lực thì đồng thời vật kia cũng tác dụng ngược lại lên vật này một lực (hai lực đó có cùng phương, cùng độ lớn và cũng ngược chiều nhưng tác dụng lên hai vật khác nhau nên hai lực này không phải là hai lực cân bằng).
  • Không phải cứ hai vật chạm vào nhau thì mới tác dụng lực lên nhau mà có thể có trường hợp chúng không hề chạm vào nhau nhưng vẫn tác dụng được với nhau chẳng hạn như nam châm hút sắt.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi C1 (trang 21 SGK Vật Lí 6):

Bố trí thí nghiệm như hình 6.1.

Nhận xét về tác dụng của lò xo lá tròn khi ta đẩy xe cho nó ép lò xo lại.

Trả lời:

Khi ta đẩy xe cho ép lò xo lại thì:

  • Lò xo lá tròn tác dụng lên xe một lực đẩy.
  • Xe tác dụng lên lò xo lá tròn một lực ép.

Câu hỏi C2 (trang 21 SGK Vật Lí 6):

Bố trí thí nghiệm như ở hình 6.2

Trả lời:

Khi ta kéo xe cho lò xo dãn ra thì:

  • Lò xo tác dụng lên xe một lực kéo.
  • Xe tác dụng lên lò xo một lực kéo.

Câu hỏi C3 (trang 21 SGK Vật Lí 6):

Đưa từ từ một cực của một thanh nam châm lại gần một quả nặng bằng sắt (H.6.3). Nhận xét về tác dụng của nam châm lên quả nặng.

Trả lời:

Đưa từ từ một cực của một thanh nam châm lại gần một quả nặng bằng sắt ta sẽ thấy nam châm hút quả nặng

Câu hỏi C4 (trang 22 SGK Vật Lí 6):

Dùng từ thích hợp trong khung (SGK) đế’ điền vào chỗ trống trong các câu sau:

a) Lò xo lá tròn bị ép đã tác dụng vào xe lăn một (1)… Lúc đó tay ta (thông qua xe lăn) đã tác dụng lên lò xo lá tròn một (2) … làm cho lò xo bị méo đi.

b) Lò xo bị dãn đã tác dụng lên xe lăn một (3) … lúc đó tay ta (thông qua xe lăn) đã tác dụng lên lò xo một (4)… làm cho lò xo bị dãn dài ra.

c) Nam châm đã tác dụng lên quả nặng một (5)…

lực hút

lực đẩy

lực kéo

lực ép

 

Trả lời:

a) Lò xo lá tròn bị ép đã tác dụng vào xe lăn một (1) lực đẩy. Lúc đó tay ta (thông qua xe lăn) đã tác dụng lên lò xo lá tròn một (2) lực ép làm cho lò xo bị méo đi.

b) Lò xo bị dãn đã tác dụng lên xe lăn một (3) lực kéo. Lúc đó tay ta (thông qua xe lăn) đã tác dụng lên lò xo một (4) lực kéo làm cho lò xo bị dãn dài ra.

c) Nam châm đã tác dụng lên quả nặng một (5) lực hút

Câu hỏi C5 (trang 22 SGK Vật Lí 6):

Hãy xác định phương và chiều của lực do nam châm tác dụng lên quả nặng trong thí nghiệm ở hình 6.3.

Trả lời:

Lực do nam châm tác dụng lên quả nặng trong thí nghiệm hình 6.3 có phương dọc theo trục của thanh nam châm, có chiều hướng từ quả nặng về phía nam châm.

Câu hỏi C6 (trang 22SGK Vật Lí 6):

Quan sát hình 6.4. Đoán xem: sợi dây sẽ chuyển động như thế nào, nếu đội kéo co bên trái mạnh hơn, yếu hơn và nếu hai đội mạnh ngang nhau?

 

Trả lời:

Dự đoán:

  • Nếu đội bên trái mạnh hơn thì sợi dây sẽ chuyển động về bên trái.
  • Nếu đội bên trái yếu hơn thì sợi dây sẽ chuyển động về phía phải.
  • Nếu hai đội mạnh ngang nhau thì sợi dây đứng yên.

Câu hỏi C7 (trang 22 SGK Vật Lí 6):

Nêu nhận xét về phương và chiều của hai lực mà hai đội tác dụng vào sợi dây.

Trả lời:

Hai đội kéo co tác dụng hai lực lên cùng một sợi dây có phương cùng nhau, chiều trái ngược nhau.

Câu hỏi C8 (trang 23 SGK Vật Lí 6):

Dùng từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

a) Nếu hai đội kéo co mạnh ngang nhau thì họ sẽ tác dụng lên dây hai lực (1)… Sợi dây chịu tác dụng của hai lực cân bằng thì sẽ (2)…

b) Lực do 2 bên phải tác dụng lên dây có phương dọc theo sợi dây, có chiều về bên phải. Lực do đội bên trái tác dụng lên sợi dây có phương dọc theo sợi dây và có (3)… hướng về bên trái.

c) Hai lực cân bằng là hai lực mạnh như nhau, có cùng (4) … nhưng ngược (5)…., tác dụng vào cùng một vật.

phương

chiều

cân bằng

đứng yên

Trả lời:

a) Nếu hai đội kéo co mạnh ngang nhau thì họ sẽ tác dụng lên dây hai lực (1) cân bằng. Sợi dây chịu tác dụng của hai lực cân bằng thì sẽ (2) đứng yên.

b) Lực do hai bên phải tác dụng lên dây có phương dọc theo sợi dây, có chiều về bên phải. Lực do đội bên trái tác dụng lên sợi dây có phương dọc theo sợi dây và có (3) chiều hướng về bên trái.

c) Hai lực cân bằng là hai lực mạnh như nhau, có cùng (4) phương nhưng ngược (5) chiều.

Câu hỏi C9 (trang 23 SGK Vật Lí 6):

Tìm từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

a) Gió tác dụng vào buồm một…

b) Đầu tàu tác dụng vào toa tàu một…

Trả lời:

a) Gió tác dụng vào buồm một lực đẩy.

b) Đầu tàu tác dụng vào toa tàu một lực kéo.

Câu hỏi C10 (trang 23 SGK Vật Lí 6):

Tìm một thí dụ về hai lực cân bằng.

Trả lời:

Ví dụ: Nếu hai đội kéo co mạnh ngang nhau thì họ sẽ tác dụng lên dây hai lực cân bằng. Sợi dây chịu tác dụng của hai lực cân bằng thì sẽ đứng yên.

Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 6 bài Hai lực cân bằng do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (276)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy