BÀI 1. ĐO ĐỘ DÀI
I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Ôn lại một số đơn vị đo độ dài
+ Đơn vị đo độ dài trong hệ thống đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam là mét (kí hiệu: m).
+ Ngoài ra còn dùng:
- Đơn vị đo độ dài lớn hơn mét (m) là: Kilômét (km), héctômét (hm), đềcamét (dam).
1 km = 1000 m; 1 dam = 10 m; 1 hm = 100 m
- Đơn vị đo độ dài nhỏ hơn mét (m) là: đềximét (dm), xentimét (cm), milimét (mm).
1 dm = 0,1 m; 1 cm = 0,01 m; 1 mm = 0,001 m
- Đơn vị đo độ dài thường dùng của nước Anh và các nước sử dụng tiếng Anh là inh (inch) và dặm (mile)
1 inh = 2,54 cm; 1 dặm = 1609 m
- Để đo những khoảng cách rất lớn trong vũ trụ người ta dùng đơn vị năm ánh sáng.
1 năm ánh sáng = 9461 tỉ km = 9461000000000 km.
2. Đo độ dài
- Đo độ dài là so sánh độ dài đó với một độ dài khác đã được chọn làm đơn vị.
- Để đo độ dài ta dùng thước đo. Tùy theo hình dạng, thước đo độ dài có thể được chia ra thành nhiều loại: thước thẳng, thước cuộn, thước dây, thước xếp, thước kẹp…
- Mọi thước đo độ dài đều có:
- Giới hạn đo (GHĐ) của thước là độ dài lớn nhất ghi trên thước.
- Độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) của thước là độ dài giữa hai vạch chia liên tiếp trên thước.
- Chú ý: Trong sinh hoạt, người ta thường gọi 1 cm là 1 phân; 1 dm = 10 cm là 1 tấc.
II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP
Dạng 1. Đổi đơn vị đo
Bảng đơn vị đo độ dài là một phần kiến thức cần ghi nhớ để có thể áp dụng các bài toán đo độ dài hay tiến hành đổi đơn vị độ dài nhanh nhất. Bao gồm những đơn vị đo độ dài cơ bản, phổ thông hiện nay
Lớn hơn mét | Mét | Nhỏ hơn mét | ||||
km | hm | dam | m | dm | cm | mm |
1 km = 10 hm = 1000 m | 1 hm = 10 dam = 100 m | 1 dam = 10 m | 1 m = 10 dm = 100 cm = 1000 mm | 1 dm = 10 cm = 100 mm | 1 cm = 10 mm | 1 mm |
Dạng 2. Xác định giới hạn đo và độ chia nhỏ nhất của thước đo
Bước 1: Quan sát dụng cụ đo, tìm đơn vị đo được ghi trên thước.
Bước 2:
- Đọc GHĐ của thước là giá trị lớn nhất được ghi trên thước
- Xác định khoảng cách (d) giữa hai giá trị gần nhất được ghi trên thước và số vạch (n) giữa hai giá trị đó.
- ĐCNN của thước được tính là ĐCNN = \(\frac{d}{{n - 1}}\)
Dạng 3. Ước lượng và chọn thước đo cho thích hợp
+ Ước lượng: Bằng mắt và kinh nghiệm trong cuộc sống ta đoán độ dài cần đo khoảng bao nhiêu.
+ Chọn thước đo:
- Kích thước cần đo lớn: Chọn thước đo có GHĐ lớn sao cho số lần thực hiện đo là ít nhất (Nếu có hai thước đo cùng GHĐ thì ta chọn thước có ĐCNN có giá trị nhỏ nhất).
- Kích thước cần đo nhỏ: Cần có độ chính xác cao nên ta chọn thước có ĐCNN có giá trị nhỏ nhất.
+ Lưu ý: Tùy thuộc vào hình dạng của vật cần đo độ dài mà ta chọn thước kẻ, thước mét, thước dây hay thước kẹp. Chẳng hạn:
- Muốn đo độ dài của cái bàn ta dùng thước mét.
- Muốn đo độ dày của quyển vở ta dùng thước kẻ.
- Muốn đo đường kính của viên bi ta dùng thước kẹp.
- Muốn đo chu vi của thân cây ta dùng thước dây.
III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi C1 (trang 6 SGK Vật Lí 6):
Tìm số thích hợp điền vào các chỗ trống sau:
1 m = (1)… dm. 1 m = (2)… cm.
1 cm = (3)… mm. 1 km = (4)… m.
Trả lời:
(1) 1 m = 10 dm; (2) 1 m = 100 cm;
(3) 1 cm = 10 mm; (4) 1 km = 1000 m.
Câu hỏi C2 (trang 6 SGK Vật Lí 6):
Hãy ước lượng độ dài l m trên cạnh bàn. Dùng thước kiểm tra xem ước lượng của em đúng không?
Trả lời:
Ước lượng độ dài 1 m trên cạnh bàn bằng 6 gang tay (một gang tay của em khoảng 16 cm), sau đó em dùng thước có chia khoảng kiểm tra lại ước lượng của em khi dùng gang tay là 96 cm.
Câu hỏi C3 (trang 6 SGK Vật Lí 6):
Hãy ước lượng xem độ dài của gang tay em là bao nhiêu. Dùng thước kiểm tra xem ước lượng của em có đúng không?
Trả lời:
Học sinh tự làm thí nghiệm và kiểm tra lại bằng thước.
Ví dụ: một bạn ước lượng gang tay của mình là khoảng 15 cm. Sau đó dùng thước kẻ có chia vạch kiểm tra độ dài gang tay của mình và thu được kết quả đo là 16cm.
Như vậy bạn đó ước lượng gần đúng so với kết quả đo được.
Câu hỏi C4 (trang 7 SGK Vật Lí 6):
Hãy quan sát hình 1.1 và cho biết thợ mộc, học sinh, người bán vải đang dùng thước nào trong những thước sau đây: thước kẻ, thước dây (thước cuộn), thước mét (thước thẳng)?
Trả lời:
Hình a: Thợ mộc dùng thước dây (thước cuộn).
Hình b: Học sinh (HS) dùng thước kẻ.
Hình c: Người bán vải dùng thước mét (thước thẳng).
Câu hỏi C5 (trang 7 SGK Vật Lí 6):
Hãy cho biết GHĐ và ĐCNN của một thước đo mà em có.
Trả lời:
Tùy theo thước đang sử dụng của học sinh.
Ví dụ thông thường thước kẻ dùng cho học sinh là loại thước có:
+ GHĐ khoảng 20 cm hoặc 30 cm.
+ ĐCNN của thước là 1 mm.
Câu hỏi C6 (trang 7 SGK Vật Lí 6):
Có 3 thước đo sau đây:
- Thước có GHĐ 1 m và ĐCNN 1 cm.
- Thước có GHĐ 20 cm và ĐCNN 1 mm.
- Thước có GHĐ 30 cm và ĐCNN 1 mm.
Hỏi nên dùng thước nào để đo:
a) Chiều rộng của cuốn sách Vật lí 6?
b) Chiều dài của cuốn sách Vật lí 6?
c) Chiều dài của bàn học?
Trả lời:
a) Để đo chiều rộng của cuốn sách Vật lí 6 em nên dùng thước có GHĐ 20 cm và ĐCNN 1 mm.
b) Để đo chiều dài của cuốn sách Vật lí 6 em nên dùng thước có GHĐ 30 cm và ĐCNN 1 mm.
c) Để đo chiều dài của bàn học em nên dùng thước có GHĐ 1m và ĐCNN 1 cm.
Câu hỏi C7 (trang 7 SGK Vật Lí 6):
Thợ may thường dùng thước nào để đo chiều dài của mảnh vải, sác số đo cơ thể của khách hàng?
Trả lời:
Thợ may thuờng dùng thước thẳng có GHĐ 1 m hoặc 0,5 m để đo chiều dài mảnh vải và dùng thước dây để đo các số đo cơ thể của khách hàng.
Trên đây là gợi ý giải bài tập Vật Lý 6 bài đo độ dài do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.