ican
Ngữ Văn 6
Đọc - Văn bản 15: Cửu Long Giang ta ơi

Văn bản 3: Cửu Long Giang ta ơi (Nguyên Hồng)

Ican

06. VĂN BẢN 3. CỬU LONG GIANG TA ƠI

I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU KHI ĐỌC

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 121)

Nhan đề bài thơ “Cửu Long Giang ta ơi” lấy tên đoạn sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam – Cửu Long – như một cách để giới hạn phần lãnh thổ Việt Nam, từ đó biểu thị tình yêu, niềm tự hào vẻ quê hương đất nước.

Từ “ta” ở đây gợi sự thân thiết, ý thức sở hữu.

Từ “ơi” làm cho nhan đề bài thơ giống như lời gọi tha thiết, thể hiện tình cảm đối với từng tấc đất của cha ông.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 121)

“Tấm bản đồ rực rỡ” trong bài giảng của thầy giáo đẹp đẽ lạ thường bởi nó không chỉ là hình ảnh sông Mê Kông mà còn tượng trưng cho Tổ quốc thiêng liêng. Tấm bản đồ trong cảm nhận của cậu học trò mười tuổi như mở ra một không gian mới, gợi niềm háo hức, mê say. Cậu bé ước mơ được ngắm nhìn sông núi tuyệt vời của Tổ quốc thân yêu. Hình ảnh người thầy vụt trở nên diệu kì, như có phép lạ nâng cánh ước mơ của học trò.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 121)

Trong dòng chảy của nó, Mê Kông hiện lên với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Khi chảy vào vùng đất Nam Bộ, sông Mê Kông (đoạn này gọi là sông Cửu Long) được đặc tả ở vẻ trù phú.

- Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương

Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn

- Trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh;

- Đất phẳng thở chan hoà.

Sóng toả chân trời buồm trắng.

- Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng

Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa

Bến nước Mê Kông tôm cá ngập thuyền

Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên

Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 121)

- Những chi tiết thể hiện hình ảnh người nông dân Nam Bộ mà cuộc sống của họ gắn với ruộng đồng vùng lưu vực sông Cửu Long:

Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương

Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa

Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa

Những Hà Tiên, Gia Định, Long Châu

Những Gò Công, Gò Vấp, Đồng Tháp, Cà Mau

Những mặt đất

Cha ông ta nhắm mắt

Truyền cháu con không bao giờ chia cắt.

- Đó không chỉ là hình ảnh những con người cực nhọc cùng bùn đất để gây dựng quê hương mà còn là những con người biết đoàn kết để gìn giữ đất đai sông núi.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 122)

Gợi ý:

- Hình ảnh:

Ta cởi áo lội dòng sông ta hát

Mê Kông chảy, Mê Kông cũng hát

→ Hình ảnh dòng sông Mê Kông được nhân hoá hiện lên sinh động như một người bạn cũng biết “hát”, có sự gần gũi, gắn bó thân thiết với con người. Người và sông cùng hoà ca bài ca lao động, bài ca nghĩa tình, ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước.

- Hình ảnh:

Mê Kông quặn đẻ

Chín nhánh sông vàng

→ Hình ảnh dòng sông Mê Kông được nhân hoá giống như một người mẹ đang quằn quại trong cơn đau đẻ để sinh ra “chín nhánh sông vàng” - chính là sông Cửu Long. Từ đó, tác giả khẳng định vai trò, ý nghĩa của sông Mê Kông như một người mẹ thiên nhiên sinh thành có công lao to lớn, đã sinh thành và nuôi dưỡng bao thế hệ con người Mê Kông.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 122)

Tình yêu của tác giả đối với dòng Mê Kông lớn dần và sâu sắc hơn theo năm tháng, thể hiện ở từng chặng đường đời của nhân vật trữ tình: Mười tuổi thơ: khi còn nhỏ; Ta đi... bản đồ không nhìn nữa: khi lớn khôn; Ta đã lớn: khi trưởng thành.

Theo năm tháng đời người, nhận thức về dòng sông thay đổi, tình cảm với dòng Mê Kông, với đất nước cũng lớn dần: từ sự tưởng tượng diệu kì qua bài giảng của thầy giáo đến những hiểu biết và trải nghiệm phong phú về địa hình, về thiên nhiên và cuộc sống con người gắn với dòng sông, cuối cùng là những cảm nhận sâu sắc về bề dày lịch sử và truyền thống ông cha.

II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

Thơ

  • Thơ là một hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.

Một số đặc điểm của thơ

  • Mỗi bài thơ thường được sáng tác theo một thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi bài,…
  • Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…)
  • Khi phân tích thơ, phải gắn nội dung với hình thức nghệ thuật, chú ý đến các đặc điểm như: vần, nhịp, thanh điệu, âm điệu,…
  • Nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ có thể có yếu tố tự sự (kể lại một sự kiện, câu chuyện) và miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng) nhưng những yếu tố ấy chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

 

 

Đánh giá (437)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy