04. VĂN BẢN 2. GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA
(Thạch Lam)
I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU KHI ĐỌC
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba.
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
- Chị em Sơn có cuộc sống khá đủ đầy, sung túc còn các bạn nhỏ khác trong xóm chợ thì nghèo khổ, thiếu thốn. Tuy vậy, chị em Sơn vẫn thân mật chơi đùa với chúng chứ không coi thường: “Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.”
- Khi thấy Hiên đứng nép một chỗ không ra chơi cùng, chị Lan gọi ra chơi, quan tâm hỏi han: “Áo lành đâu không mặc?”; “Sao không bảo u mày may cho?”.
- Khi thấy Duyên nói mình không có cái áo nào khác ngoài chiếc áo đã “rách tả tơi, hở cả lưng và tay”, Sơn thấy “động lòng thương” như thương em gái Duyên đã mất của mình.
- Sơn nảy ra ý nghĩ đem chiếc áo của Duyên cho Hiên.
- Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
→ Những chi tiết ấy cho thấy chị em Sơn là những đứa trẻ nhân hậu, trong sáng, sống hoà đồng, giàu tình cảm, biết yêu thương, quan tâm và sẻ chia với những số phận bất hạnh hơn mình.
Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
- Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện, Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá và hiểu nỗi lòng của mẹ: Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt;
- Khi nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhỏ thương đến em Duyên.
→ Những ý nghĩ ấy cho thấy Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè.
Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
- Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn thấy trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
- Khi sẻ chia, giúp đỡ người khác, biết trao tặng yêu thương, đặc biệt là những người khó khăn, thiếu thốn, chúng ta sẽ nhận lại được niềm vui, niềm hạnh phúc ngọt ngào, sự ấm áp trong trái tim mình.
Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
HS trả lời theo cảm nhận của mình. Gợi ý:
- Hành động đó không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì nhà văn miêu tả đúng với đặc điểm của một em nhỏ thơ ngây: Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy…
- Hành động đó khiến em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì thấy Sơn “trẻ con" quá, đã cho bạn rồi còn đòi lại.
Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
- Cách cư xử của mẹ Hiên cho thấy bà dù là một người mẹ nghèo khổ nhưng biết cách cư xử đúng đắn, có lòng tự trọng.
- Cách cư xử của mẹ Sơn:
+ Với mẹ Hiên: Đó là cách cư xử nhân hậu, tế nhị của một người mẹ có điều kiện sống khá giả hơn.
+ Với các con: Cách cư xử của một người mẹ vừa nghiêm khắc vừa ấm áp, yêu thương con.
Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 73)
HS đọc lại một số đoạn văn ở phần đầu tác phẩm, từ đến “hình như sắt lại vì rét” và nêu cảm nhận của mình. Gợi ý:
- Em không thích các đoạn văn tả cảnh vì chúng không liên quan đến cốt truyện hoặc khiến tác phẩm trở nên dài dòng,...
- Em thích các đoạn văn này vì chúng giúp em hiểu về thiên nhiên; hình dung được bối cảnh diễn ra câu chuyện và giúp em cảm nhận về đặc điểm nhân vật Sơn… Đồng thời đoạn văn cho thấy lối miêu tả rất tinh tế của tác giả Thạch Lam. Ông đã nắm bắt, tái hiện được sự đổi thay của thời tiết, cảnh vật lúc giao mùa; thể hiện được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhân vật Sơn.
Câu 8. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 74)
- Tên:
- Hiên: có tên.
- Cô bé bán diêm: không có tên.
- Độ tuổi: trạc tuổi nhau.
- Dáng vẻ bên ngoài: đều hiện lên với dáng vẻ tội nghiệp trong cái lạnh.
- Hiên: co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.
- Cô bé bán diêm: đầu trần, chân đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét, chiếc tạp dề cũ kĩ, bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xoã thành từng búp trên lưng em.
- Hoàn cảnh sống: Cả hai nhân vật đều có cuộc sống đói khổ, khốn khó. Nhưng:
- Hiên: Sống ở xóm chợ nghèo cùng với bà mẹ rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc nhưng vẫn rất yêu thương con.
- Cô bé bán diêm: Mồ côi mẹ, bà nội hiền hậu cũng đã mất, gia sản tiêu tán; sống với cha trong một xó tối tăm, luôn bị mắng nhiếc chửi rủa, đánh đập.
- Kết thúc của từng nhân vật:
- Hiên: Hiên nhận được sự quan tâm, yêu thương từ bạn bè và những người xung quanh (Sơn, Lan và mẹ Sơn).
- Cô bé bán diêm: Không nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, phải chết trong cái lạnh giá vào đêm giao thừa.
II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Truyện
Nhân vật
- Nhân vật là đối tượng có hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, cảm xúc, suy nghĩ,... được nhà văn khắc họa trong tác phẩm.
- Nhân vật thường là con người nhưng cũng có thể là thần tiên, ma quỷ, con vật, đồ vật,...
Người kể chuyện
- Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi" (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình" (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.
Lời người kể chuyện và lời nhân vật
- Lời người kể chuyện đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy.
- Lời nhân vật là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện.
Miêu tả nhân vật trong truyện kể
- Ngoại hình: dáng vẻ bề ngoài của nhân vật (thân hình, gương mặt, ánh mắt, làn da, mái tóc, trang phục,..).
- Hành động: những cử chỉ, việc làm thể hiện cách ứng xử của nhân vật với bản thân và thế giới xung quanh.
- Ngôn ngữ: lời nói của nhân vật, được xây dựng ở cả hai hình thức đối thoại và độc thoại.
- Thế giới nội tâm: những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật.
2. Truyện cổ tích “Gió lạnh đầu mùa”
2.1. Giá trị nội dung
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” kể lại một hành động đẹp của hai chị em Sơn trong ngày gió lạnh đầu mùa. Qua đó, tác phẩm giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của tình yêu thương, sự sẻ chia và cách cư xử với mọi người trong cuộc sống.
2.2. Giá trị nghệ thuật
- Ngôi kể: ngôi thứ ba.
- Cách kể chuyện nhẹ nhàng.
- Lối miêu tả tinh tế.
- Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, giàu chất thơ.
III. GỢI Ý PHẦN VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 74)
Gợi ý:
- Nhân vật Sơn trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam hiện lên là một cậu bé giàu lòng yêu thương, biết quan tâm và sẻ chia với mọi người:
+ Cậu yêu thương mẹ và em: Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện về Duyên - đứa em gái bé của Sơn đã mất từ năm lên bốn tuổi, Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá và cậu cũng hiểu nỗi lòng nhớ thương, đau buồn mẹ khi nhìn thấy mắt bà hơi rơm rớm nước mắt.
+ Cậu sống hoà đồng, không coi khinh những người bạn nghèo khổ.
+ Cậu biết quan tâm và sẻ chia với người bạn nghèo khổ: Khi thấy Duyên mắt chiếc áo mỏng manh đã rách và nhớ đến hoàn cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, Sơn thấy động lòng thương như thương chính em gái mình. Đó là tình yêu thương, sự quan tâm chân thành. Lòng cảm thương đã biến thành một ý nghĩa và hành động đẹp: Đem chiếc áo bông của Duyên cho Hiên. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn thấy trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
- Nhưng cậu bé cũng rất ngây thơ, trong sáng: Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy nên đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông. Không tìm được Hiên, cậu lo lắng không dám về nhà.
→ Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè nhưng cũng rất ngây thơ, trong sáng.