ican
Giải SGK Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống
Viết 4: Tập làm một bài thơ lục bát

Viết: Tập làm một bài thơ lục bát, viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát

Ican

01. TẬP LÀM MỘT BÀI THƠ LỤC BÁT

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Yêu cầu đối với một bài tập làm thơ lục bát

- Đúng luật của thơ lục bát;

- Nội dung gần gũi, phù hợp với lứa tuổi, bộc lộ những tình cảm đẹp đẽ, chân thành;

- Ngôn ngữ thích hợp, sinh động, gợi cảm.

2. Các bước tiến hành

a. Khởi động viết

- Tập gieo vần

- Xác định đề tài.

b. Thực hành viết

c. Chỉnh sửa

II. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 100)

Tiếng chim vách núi nhỏ dần

Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa

Ngoài thềm rơi cái lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như rơi nghiêng

(Theo Trần Đăng Khoa)

Đề bài: Viết bài bài thơ lục bát.

HS tham khảo một số bài thơ sau và tự sáng tác một bài thơ lục bát.

1. Bài thơ “Hoa bưởi” của ​​nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1970, in trong tập Góc sân và khoảng trời năm 1999.

Đêm qua hoa rụng cánh rồi

Sớm nay cái cuống đã chồi quả non

Hoa rơi trắng mảnh sân con

Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương…

2. Bài thơ “Cây trong vườn” của ​​nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Cây Tre như cái cần câu

Mặt trời là cá, biển: bầu trời xanh

Chua ngoa mang tiếng chị Chanh

Với người đau ốm bỗng thành bạn thân

Cau như cây tháp trăm tầng

Thắp hương vào hạ, đèn lồng cuối thu.

Cây Trầu leo dọc tường nhà

Qua mùa để dấu như là chân chim

Cây Rơm gió cũng lặng im

Cây Bưởi không gió cũng nhìn lắc lư

Quanh năm cây Cọ xoè ô

Quả Cam chín chậm như chờ Tết sang…

3. Bài thơ “Bà ngoại” của ​​nhà thơ Hoàng Hiểu Nhân in trong tập thơ Quả địa cầu, NXB Kim Đồng, 2016

Con cò cõng nắng sang sông

Ngoại ra vườn cải tóc bông hoá vàng

Cò bay qua cánh đồng làng

Ngoại ra ruộng lúa tóc vàng hoá xanh

Chiều về cò đã về nhanh

Nhưng đầu tóc ngoại vẫn xanh cánh đồng.

* Sáng tác một bài thơ lục bát

​​Con ơi mẹ đã già rồi,

Mắt mờ, chân chậm, đồi mồi chấm da.

Không còn như thuở mười ba,

Cùng ba đánh trận, hát ca suốt ngày.

Không còn như những tháng ngày,

Cầm gầu tát nước, loay hoay dưới đồng.

Không còn cái tuổi lông bông,

Trốn cha, trốn mẹ, hái hồng ép hoa.

(Nguồn: ican.vn)

 

02. VIẾT ĐOẠN VĂN THỂ HIỆN CẢM XÚC VỀ MỘT BÀI THƠ LỤC BÁT

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Yêu cầu đối với đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát

- Giới thiệu bài thơ, tác giả (nếu có);

- Nêu được cảm xúc về nội dung chính hoặc một số khía cạnh nội dung của bài thơ;

- Thể hiện được cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…)

2. Các bước tiến hành

2.1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

- Nhớ lại những bài thơ lục bát mà em đã học, đã đọc hoặc tìm đọc một bài thơ lục bát mới.

- Bài thơ được chọn có thể là một bài ca dao (khuyết danh) hoặc là sáng tác của một nhà thơ.

b. Tìm ý

- Đọc bài thơ nhiều lần, ghi lại suy nghĩ và cảm xúc khi đọc.

- Có thể tìm ý bằng cách tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Cảm nhận chung khi đọc bài thơ là gì? Bài thơ biểu hiện những điều gì? Bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,.. nào nổi bật?

c. Lập dàn ý

- Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả (nếu có).

- Thân đoạn: Trình bày cảm xúc về bài thơ.

+ Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài thơ.

+ Nêu ý nghĩa, chủ đề của bài thơ.

+ Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ.

- Kết đoạn: Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

2.2. Viết bài

Bám sát dàn ý khi viết bài.

Cần lưu ý:

- Chú trọng những yếu tố đã khơi gợi cảm xúc của em như nhan đề bài thơ, thể thơ (lục bát), nhịp thơ, vẫn thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,...

- Lựa chọn từ ngữ để diễn tả cảm xúc của em về bài thơ. Kết nối các ý thành đoạn văn. Mỗi ý nên diễn đạt thành hai, ba câu.

- Bảo đảm cách trình bày của một đoạn văn: Lùi đầu dòng ở chỗ mở đầu đoạn, chữ đầu viết hoa và có dấu chấm câu kết thúc đoạn. Bố cục đoạn văn bao gồm ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Nội dung các câu trong đoạn cần hướng về một chủ đề chung.

2.3. Chỉnh sửa bài viết

Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của mình.

II. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Đề bài: Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát. (Bài thơ Dòng sông mặc áo - Nguyễn Trọng Tạo).

Dòng sông mới điệu làm sao

Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha

Trưa về trời rộng bao la

Áo xanh sông mặc như là mới may

Chiều trôi thơ thẩn áng mây

Cài lên màu áo hây hây ráng vàng

Đêm thêu trước ngực vầng trăng

Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên

Khuya rồi sông mặc áo đen

Nép trong rừng bưởi, lặng yên đôi bờ.

 

Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ

Dòng sông đã mặc bao giờ, áo hoa?

Ngước lên bỗng gặp la đà

Ngàn hoa bưởi trắng nở nhoà áo ai...

- Mở đoạn: Giới thiệu bài thơ lục bát:

Bài thơ Dòng sông mặc áo được Nguyễn Trọng Tạo sáng tác năm 1972.

- Thân bài: Trình bày cảm xúc về bài thơ

+ Bức tranh thiên nhiên hiện lên rực rỡ sắc màu, sống động qua biện pháp tu từ nhân hoá:

  • Ngay từ nhan đề bài thơ, ta đã bắt gặp biện pháp tu từ nhân hoá. Dòng sông cũng giống như con người, biết “mặc áo”. Dòng sông ấy lại rất “điệu”, biết làm đẹp, làm duyên giống như một người thiếu nữ vì màu nước sông cứ liên tục thay đổi trong ngày, giống như người con gái liên tục thay đổi những chiếc áo với màu sắc khác nhau. Màu sắc của dòng sông thay đổi liên tục trong một ngày theo thời gian, theo màu trời, màu cỏ cây....: buổi sáng sông mặc áo lụa đào, buổi trưa sông mặc áo xanh, chiều sông mặc áo màu vàng, tối sông mặc áo nhung tím với lấp lánh ánh trăng sao và vầng trăng được thêu trước ngực, khuya sông mặc áo đen, sáng ra sông mặc áo trắng in hình bông hoa bưởi.
  • Hàng loạt các động từ (mặc, cài, thêu, nép), tính từ (thướt tha, thơ thẩn) diễn tả hành động, trạng thái của con người được sử dụng để miêu tả thiên nhiên góp phần giúp bức tranh thiên nhiên hiện lên thật sống động, có hồn, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.

→ Qua biện pháp tu từ nhân hoá, bài thơ ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển, rực rỡ của dòng sông quê hương.

+ Bức tranh thiên nhiên ấy không chỉ rực rỡ sắc màu mà còn ngào ngạt mùi hương: Buổi sáng, những bông hoa bưởi nở trắng hai bên bờ soi bóng xuống dòng nước khiến tác giả liên tưởng dòng sông như đang mặc một chiếc áo hoa. Hương thơm của hoa bưởi nhuốm vào chiếc áo hoa khiến cho nhân vật trữ tình “ngẩn ngơ”, thẫn thờ, đắm chìm vào vẻ đẹp của dòng sông.

→ Dòng sông quê hương không chỉ mềm mại, uyển chuyển mà còn đầy hương thơm.

- Kết bài: Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

Bằng tài năng quan sát tinh tế, sự liên tưởng độc đáo cùng ngôn từ điêu luyện, nhà thơ đã thổi hồn cho dòng sông quê hương, khiến nó hiện lên sống động, duyên dáng, điệu đà như một người con gái đẹp. Qua đó, ta thấy được sự gắn bó, tình yêu và niềm tự hào của nhà thơ với quê hương.

 

 

 

Đánh giá (436)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy