ican
Giải SGK Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống
Đọc - Văn bản 12: Cây tre Việt Nam

Văn bản 3: Cây tre Việt Nam

Ican

05. VĂN BẢN 3. CÂY TRE VIỆT NAM

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 99)

- Tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của cây tre cả về hình dáng và phẩm chất

+ Hình dáng: Tre có thể mọc xanh tốt ở mọi nơi “Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt”; “dáng tre vươn mộc mạc” và “thanh cao”; “mầm măng non mọc thẳng”; màu xanh của tre tươi “nhũn nhặn”.

+ Phẩm chất: Tre “cứng cáp” mà lại “dẻo dai, vững chắc”; tre luôn gắn bó, làm bạn với con người trong nhiều hoàn cảnh “đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”; tre “thẳng thắn, bất khuất”, cùng con người chiến đấu “​​tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”; tre còn giúp con người biểu lộ tâm hồn, tình cảm qua âm thanh của các nhạc cụ bằng tre “nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê.”.

→ Cây tre ở đây được nhân hoá, mang những phẩm chất của con người. Tre là biểu tượng cao quý cho vẻ đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 99)

Những từ ngữ biểu đạt rõ nhất đặc điểm của cây tre: xanh tốt, thẳng, tươi, vững chắc, cứng cáp, dẻo dai, giản dị, thanh cao, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm, bất khuất,...

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 99)

- Những chi tiết vừa nói về cây tre, vừa có ý nghĩa biểu đạt cuộc sống lao động, văn hoá, khung cảnh của làng quê Việt Nam:

+ Tre gắn với sự hình thành làng xã, cộng đồng của người Việt: Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.

+ Tre gắn với cuộc sống lao động của người Việt: Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau…. ​​Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

+ Tre gắn với tình yêu đôi lứa: Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:

Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng...

+ Tre gắn với vòng đời của một con người:

  • Tuổi ấu thơ: Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre. Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam, lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
  • Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái.
  • Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.

+ Tre gắn với cuộc đấu tranh giữ làng, giữ nước, bảo vệ Tổ quốc, tre bảo vệ con người: Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí. Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng lên thành đồng Tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.

Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người.

+ Tre là khúc nhạc đồng quê ru giấc ngủ trưa: Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.

Diều bay, diều lá tre bay lưng trời...

Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời…

Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.

Tre gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người Việt Nam.

+ Đời sống vật chất: giúp người hàng nghìn công việc khác nhau: cối tre xay thóc, tre làm nhà, giang chẻ lạt, cho bóng mát, chiếc nôi, chiếc giường tre cho người nằm.

+ Đời sống tinh thần: bắc cầu cho tình yêu đôi lứa, là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ; là niềm vui tuổi già, là khúc nhạc đồng quê.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 99)

Tác giả có thể khẳng định: “Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam” vì:

- Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người chính là lời khẳng định những vẻ đẹp, khí chất của tre cũng chính là phẩm chất cao quý của dân tộc ta.

- Cây tre mang những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: sức sống mãnh liệt, giản dị, thanh cao, chung thuỷ, cần cù, ngay thẳng, chí khí, hiện ngang, kiên cường, bất khuất, anh hùng trong lao động, anh hùng trong chiến đấu,...

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 99)

- Tre là cánh tay của người nông dân:

Cánh đồng ta năm đôi ba vụ

Tre với người vất vả quanh năm.

Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ “văn minh”, “khai hoá” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

- Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày.

+ Tre bắc cầu cho tình yêu đôi lứa: Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:

Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng...

+ Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.

+ Tre còn là niềm vui của tuổi già: Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái.

- ​​Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

...

Tre với người sống chết có nhau, chung thuỷ, tre và người đồng cam cộng khổ trong cuộc sống thường ngày, trong lao động, trong chiến đấu.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 99)

- Cuộc sống có thay đổi thì cây tre vẫn phát huy giá trị của nó, tre vẫn là người bạn đồng hành của dân tộc trong hiện tại và tương lai.

“Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.”

- Vì:

+ Tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

+ Tre có sức sống mãnh liệt, ở đâu cũng có thể sống được.

+ Tre đã gắn với con người Việt Nam qua rất nhiều thế hệ. Hình ảnh cây tre trở nên thân thuộc trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, là hình ảnh có sự kế tiếp, từ đời này sang đời khác

+ Tre vẫn phát huy tác dụng: Nghề đan mây tre đan thủ công tạo việc làm cho người dân; Những đồ thủ công làm bằng mây tre đan chất lượng tốt vẫn được người dân tin tưởng lựa chọn, trở thành sản phẩm xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế và quảng bá văn hoá Việt Nam.

II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Thơ lục bát

  • Thơ lục bát (6 – 8) là thể thơ mà các dòng thơ được sắp xếp thành từng cặp, một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng.
  • Vần trong thơ lục bát: Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng thứ sáu của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo.
  • Thanh điệu trong thơ lục bát: Trong dòng sáu và dòng tám, các tiếng thứ sáu, thứ tám là thanh bằng còn tiếng thứ tư là thanh trắc. Riêng trong dòng tám, mặc dù tiếng thứ sáu và thứ tám đều là thanh bằng nhưng nếu tiếng thứ sáu là thanh huyền thì tiếng thứ tám là thanh ngang và ngược lại.
  • Nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (2/2/2, 2/4, 4/4,...).

2. Tác phẩm “Cây tre Việt Nam”

2.1. Nội dung

Bài thơ khẳng định vai trò, sự gắn bó và ý nghĩa quan trọng của cây tre đối với đời sống của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào của mình về những phẩm chất đẹp đẽ, cao quý đã trở thành một biểu tượng của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

2.2. Nghệ thuật

- Lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu.

- Sử dụng nhiều các biện pháp tu từ, điệp ngữ, hoán dụ.

 

Đánh giá (494)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy