04. VĂN BẢN 2. HANG ÉN
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 117)
Nhân vật xưng “tôi” đã kể về hành trình khám phá hang Én theo trình tự thời gian.
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 117)
- Địa hình: dốc cao gập ghềnh; đường mòn, trơn; vách đá cao hiểm trở; nhiều đoạn đường bằng qua thung lũng Rào Thương; suối nước trong vắt, mát lạnh, hiện rõ làn đá cuội nơi đáy suối; Quãng đường từ bản Đoòng đến hang Én dễ đi và rất đẹp.
- Cây cối: những vòm dây leo giăng chéo; những gốc cây cổ thụ tán cao vút, thân đầy các loại dây leo; có cả phong lan cây cổ thụ tán cao vút, hoa phong lan nở; suối róc rách sát chân núi, thảm cỏ, rồi cây cối rậm rạp, lúp xúp; những vạt lau lách rậm rạp; những bãi cỏ bằng phẳng; Những dãy núi trùng điệp được phủ kín cây xanh, mây và khí núi màu lam nhẹ bay vờn qua đỉnh rừng.
- Loài vật: sên, vắt, nhiều loài côn trùng và chim chóc nhiều côn trùng, chim chóc; vẳng ra tiếng chim kêu; đàn cá trôi liêu xiêu giữa dòng nước chảy xiết như những chiếc lá trúc khô; những đàn bướm đủ màu – vàng, trắng, xanh đen … đậu thành từng vạt như đám hoa lá ai xếp trên mặt đất. Thấy động, chúng bay lên, lượn vòng, quấn quýt cả vào chân người
→ Qua cách miêu tả của tác giả, cảnh vật rừng nguyên sinh không hiện lên như một tài liệu khoa học mà thấm đẫm niềm háo hức, say mê, sự ngạc nhiên, bất ngờ của người lần đầu đặt chân đến nơi đây. Thiên nhiên hoang sơ, xa lạ, hiểm trở, đầy thử thách mà cũng gần gũi, bao dung và đầy mê hoặc.
Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 117)
- Những nhũ đá, măng đá, ngọc động, dải đá san hô tưởng là những vật vô tri nhưng chúng đều có sự sống, sinh thành, biến hoá qua chiều dài của lịch sử địa chất: “mỗi cm kia, là phải có cả trăm triệu năm bào mòn hay bồi đắp mới nên. Và tất cả măng đá, nhũ đá, ngọc động ấy vẫn “sống” trong hành trình tạo tác của tự nhiên.” Trong những hang động như hang Én, sự sống ấy hiển hiện rất rõ. Những tín hiệu của tự nhiên, qua cách miêu tả của tác giả, trở nên có hồn, thân thiết, gần gũi với con người, cho con người cảm nhận chiều sâu của lịch sử, chạm đến cội nguồn của sự sống trên hành tinh.
- Hàng vạn con chim én vẫn cư ngụ trong hang và chưa phải biết sợ con người. Bữa tối, một chú én sa xuống bên bàn ăn, cánh nó bị thương ko bay được, một bạn cho nó ăn trong lòng tay. Sáng hôm sau tôi vẫn thấy nó thản nhiên đi lại quanh lều. Chắc nó sẽ bình phục và sẽ lại tung cánh bay qua cái giếng trời kia… Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, đậu ngay trên đá dọc lối đi, nếu đặt lên vai bạn sẽ rúc vào tóc hoặc leo ngay lên chễm chệ trên đầu mình để…ngủ tiếp!: Én tự tin là chủ nhân nơi đây, chưa từng hoặc rất ít tiếp xúc con người hiện đại nên “chưa phải biết sợ con người”. Hang Én là một nơi vẫn còn hoang sơ, chưa có sự tác động nhiều từ con người nên nó vẫn mang hơi thở cuộc sống từ thuở khai thiên lập địa, khi ấy con người và loài vật sống với nhau như bạn hữu, gần gũi, gắn bó với nhau.
Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 117)
Hình ảnh thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn và tình yêu của con người với tự nhiên: “Hang Én giống như cái tổ khổng lồ và an toàn mà Mẹ Thiên Nhiên ban tặng cho con người, với không gian trú ẩn, nước, không khí, ánh sáng,...”
Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 117)
Tâm trạng của tác giả khi ở trong hang Én: chậm rãi ngắm nhìn và suy tư về đá; hoà đồng với chim én; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nước, cát, bầu trời, nắng, hơi nước; hoà mình với tự nhiên một cách hồn nhiên,... Tác giả yêu thích, cảm phục, ngưỡng vọng, kết giao với tự nhiên, cảm thấy được sống an nhiên trong cái “tổ” của “Mẹ Thiên Nhiên”.
Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 117)
Sự hoà mình với tự nhiên, sống giữa thiên nhiên như là sống trong cái “tổ” của “Mẹ Thiên Nhiên” khiến cho người đọc cảm thấy bình yên, ấm áp. Giữa rừng sâu tưởng như đầy đe doạ, hiểm nguy, mọi sinh vật lại quấn quýt, sum vầy, thân thiện. Cách tác giả cảm nhận về cuộc sống hoang dã không làm cho người đọc khiếp sợ tự nhiên, mà trái lại, người đọc được truyền thêm niềm vui sống, tình yêu với tự nhiên.
Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 118)
- Hành trình khám phá hang Én với thiên nhiên hoang sơ, xa lạ, hiểm trở, đầy thử thách là một lựa chọn thích hợp với những người ưa mạo hiểm, cho con người mở rộng tầm mắt với những trải nghiệm thú vị, vừa là thử thách đối với sức khoẻ và kĩ năng sinh tồn của con người trong những điều kiện thiếu thốn.
- Hành trình đến với hang Én còn là hành trình về với tự nhiên với “người mẹ” vừa nuôi dưỡng vừa dạy dỗ con người, từ đó giúp con người nhận thức được mối quan hệ giữa con người và tự nhiên; hiểu được vai trò, tầm quan trọng của tự nhiên; sống hoà hợp với tự nhiên; thêm yêu mến, tự hào, trân trọng và có ý thức bảo tự nhiên. Đây cũng chính là điều mà hành trình khám phá hang Én đánh thức ở con người.
II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Kí và du kí
Kí
- Kí là loại tác phẩm văn học chú trọng ghi chép sự thực.
- Trong kí có kê sự việc, tả người, tả cảnh, cung cấp thông tin và thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Có những tác phẩm nghiêng về kể sự việc, có những tác phẩm ob nghiêng về thể hiện cảm xúc.
- Với một số thể loại kí, tác giả thường là người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự việc. Sự việc thường được kể theo trình tự thời gian. Tác giả có thể xưng “tôi", có vai trò như người kể chuyện. Khi kế, tác giả kết hợp trình bày suy nghĩ, cảm xúc, sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng của mình về sự việc.
Du kí
- Du kí là thể loại kí ghi chép về những chuyến đi tới các vùng đất, các xứ sở nào đó. Người viết kể lại hoặc miêu tả những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình của mình.
2. Văn bản “Hang Én”
2.1. Nội dung
Văn bản cho thấy vẻ đẹp hoang dã, nguyên sơ của hang Én và tình yêu, sự trân trọng, ngưỡng mộ của con người trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
2.2. Nghệ thuật
- Sử dụng các từ ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Trí liên tưởng, tưởng tượng độc đáo.
- Lối kể tuyến tính phù hợp với thể kí giúp câu chuyện trở nên gần gũi, sống động, chân thực với người đọc
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 118)
Gợi ý:
- Vẻ đẹp của hang Én vừa hoang sơ, kì vĩ mà cũng vô cùng bình yên, ấm áp:
+ Hoang sơ, kĩ vĩ:
- Con đường dẫn đến hang Én hiểm trở với dốc cao gập ghềnh, đường trơn, cánh rừng nguyên sinh hoang sơ, xa lạ, đầy thử thách.
- Hang Én như một cái tổ khổng lồ với 3 cửa lớn, những vách đá hiểm trở, lòng hang rộng, chứa được hàng trăm người, quãng sông ngầm, bãi cát mịn, nước trong veo, hàng vạn con én cư ngụ, hoá thạch, nhũ đá, măng đá, ngọc động được hình thành qua cả trăm triệu năm.
+ Bình yên, ấm áp:
- Con đường dẫn đến hang Én cũng thơ mộng, gần gũi với những bông hoa phong lan nở, đàn cá bơi liêu xiêu, đàn bướm như những đám hoá lá quấn quýt cả vào chân người.
- Trong lòng hang Én: trần hang đẹp như mái vòm của một thánh đường; én hồn nhiên cư ngụ, thoải mái sống, không mảy may để ý đến du khách, tứ bề tiếng chim líu ríu, không khí trong lành, tiếng nước âm âm...
- Vẻ đẹp đó khiến con người vừa ngỡ ngàng vừa thán phục, nó đánh thức bản tính tự nhiên, khát vọng hòa đồng và chinh phục tự nhiên của con người.
- Đồng thời, vẻ đẹp đó còn tạo cho con người những mĩ cảm mãnh liệt, giúp con người thêm yêu mến, tự hào, trân trọng và có ý thức bảo tự nhiên.