ican
Giải SGK Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống
Đọc - Văn bản 11: Chuyện cổ nước mình

Văn bản 2: Chuyện cổ nước mình

Ican

04. VĂN BẢN 2. CHUYỆN CỔ NƯỚC MÌNH

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU KHI ĐỌC

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

- Bài thơ viết theo thể thơ lục bát.

- Dấu hiệu:

+ Các dòng thơ được sắp xếp thành từng cặp, một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng.

+ Về gieo vần trong thơ lục bát: Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng thứ sáu của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo.

Ví dụ: “đi” - “thì”; “xưa” - “mưa” - “dừa”

Mang theo truyện cổ tôi đi

Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa

Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa

Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi

+ Thanh điệu trong bài thơ: Trong dòng sáu và dòng tám, các tiếng thứ sáu, thứ tám là thanh bằng còn tiếng thứ tư là thanh trắc. Riêng trong dòng tám, mặc dù tiếng thứ sáu và thứ tám đều là thanh bằng nhưng nếu tiếng thứ sáu là thanh huyền thì tiếng thứ tám là thanh ngang và ngược lại.

Rất công bằng, rất (T) thông minh (B)

Vừa độ lượng lại (T) đa tình (B - huyền), đa mang (B - ngang).

 

+ Nhịp trong bài thơ: ngắt nhịp chẵn (2/2/2, 2/4, 4/4,...).

Thương người/ rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy/ cách xa cũng tìm

Ở hiền/ thì lại gặp hiền

Người ngay/ thì gặp/ người tiên độ trì

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

- Tấm Cám (Thị thơm thì giấu người thơm/ Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà).

- Đẽo cày giữa đường (Đẽo cày theo ý người ta / Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì).

- Sự tích trầu cau (Đậm đà cái tích trầu cau / Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người).

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa…

Rất công bằng, rất thông minh

Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.

→ Chuyện cổ đã kể cho nhà thơ về vẻ đẹp của tình người, đó là lòng nhân hậu, sự vị tha, độ lượng, bao dung,...

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

- Chỉ còn chuyện cổ thiết tha – đó là những tình cảm sâu lắng, thiết tha mà cha ông ta gửi gắm qua những câu chuyện cổ đồng thời cũng chính là tình cảm thiết tha của nhà thơ với chuyện cổ nước mình.

- Cho tôi nhận mặt ông cha của mình – nhận ra được, thấu hiểu được thế giới tinh thần của cha ông vẫn còn ghi dấu trong những câu chuyện từ ngàn xưa.

→ Qua đó ta thấy được tình cảm sâu nặng, thiết tha của nhà thơ với thế giới chuyện cổ, cũng là những giá trị tinh thần, giá trị văn hoá được ghi dấu trong những câu chuyện đó. Chính những câu chuyện từ xa xưa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã gión người đọc thời nay nhận biết được “gương mặt" của cha ông ngày xưa, hiểu được đời đức, triết lí nhân sinh,... của cha ông.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

Những bài học cuộc sống được thể hiện rất rõ trong những dòng thơ: Ở hiền thì lại gặp hiền / Người ngay thì gặp người tiên độ trì [...] Thị thơm thì giấu người thơm / Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà / Đẽo cày theo ý người ta / Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì..

Những bài học đó là những bài học mang tinh thần nhân văn, nhân đạo, là những bài học đúng với muôn đời, giáo dục cho mỗi thế hệ sống phải chân thành, nhân ái; phải cần cù, siêng năng; phải có trí tuệ, có chính kiến riêng của bản thân, không nghe theo lời người khác một cách thụ động...

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

- Những câu chuyện cổ không cũ. Đó là những viên ngọc vẫn tiếp tục toả sáng trong cuộc sống hiện tại. Vẻ đẹp tình người và những bài học về đạo lí làm người ẩn chứa trong đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn có khả năng giáo dục thế hệ trẻ.

- Chính những câu chuyện cổ đã trở thành hành trang tinh thần quý giá, giúp nhà thơ cũng như thế hệ con cháu hôm nay vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời để tiến xa hơn. Với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, đất nước ta không chỉ đẹp, không chỉ đáng tự hào với những danh lam thắng cảnh, những rừng vàng biển bạc mà còn bởi những giá trị văn hoá tinh thần, những câu chuyện cổ kết tinh diện mạo tinh thần, đời sống tâm hồn của người Việt bao thế hệ.

II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Thơ lục bát

  • Thơ lục bát (6 – 8) là thể thơ mà các dòng thơ được sắp xếp thành từng cặp, một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng.
  • Vần trong thơ lục bát: Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng thứ sáu của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo.
  • Thanh điệu trong thơ lục bát: Trong dòng sáu và dòng tám, các tiếng thứ sáu, thứ tám là thanh bằng còn tiếng thứ tư là thanh trắc. Riêng trong dòng tám, mặc dù tiếng thứ sáu và thứ tám đều là thanh bằng nhưng nếu tiếng thứ sáu là thanh huyền thì tiếng thứ tám là thanh ngang và ngược lại.
  • Nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (2/2/2, 2/4, 4/4,...).

2. Văn bản Chuyện cổ nước mình

2.1. Nội dung

Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào của nhà thơ về những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc được thể hiện qua tình yêu đối với những câu chuyện cổ.

2.2. Nghệ thuật

- Dùng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc để nói về những giá trị truyền thống, nhân văn.

- Giọng thơ nhẹ nhàng, tâm tình, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, đằm sâu, nhưng đầy tự hào.

III. GỢI Ý PHẦN VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 95)

Gợi ý:

- Mở đoạn: 4 câu thơ giúp em cảm nhận được vai trò, ý nghĩa của những chuyện cổ đối với mỗi con người.

- Thân đoạn

+ Hai câu đầu, tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Tác giả so sánh khoảng cách giữa “đời ông cha với đời tôi” như “con sông với chân trời đã xa”. Hình ảnh “con sông với chân trời đã xa” gợi một sự xa xôi, dài rộng. Tác giả so sánh khoảng cách về thời gian giữa “đời ông cha với đời tôi” với một khoảng cách về không gian “con sông với chân trời đã xa” nhằm nhấn mạnh khoảng cách xa xôi giữa các thế hệ. “Đời ông cha” là thế hệ cha ông đi trước, là quá khứ, là thứ một đi không bao giờ trở lại. “Đời tôi” là thế hệ sau, ở hiện tại.

+ Hai câu sau, tác giả khẳng định vai trò của “chuyện cổ” trong việc nối liền khoảng cách giữa hai thế hệ. Chính nhờ những câu chuyện cổ “thiết tha” với những bài học sâu sắc đã cho chúng ta - những thế hệ hiện tại và tương lai “nhận mặt” - nhận diện được diện mạo tinh thần, biết, hiểu được nếp cảm, nếp nghĩ, cuộc sống,... của cha ông mình, từ đó giúp chúng ta biết tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc, biết trân trọng quá khứ.

- Kết đoạn: Đoạn thơ với giọng điệu nhẹ nhàng, tâm tình, tha thiết đã khẳng định được vai trò của chuyện cổ, giúp chúng ta thêm yêu đất nước, yêu quê hương nguồn cội.

 

Đánh giá (334)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy