06. VĂN BẢN 3. BỨC TRANH CỦA EM GÁI TÔI
(Tạ Duy Anh)
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 51)
- Người kể chuyện là nhân vật người anh trai.
- Người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”. → Sử dụng ngôi kể thứ nhất có thể khai thác được chiều sâu tâm lí bởi nhân vật tham gia vào chính tiến trình của truyện kể.
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 51)
- Bé Mèo luôn ca hát, vui vẻ làm mọi việc nhà và mày mò tự chế màu vẽ bằng những nguyên liệu có sẵn trong bếp, luôn tự làm bẩn mặt mình. → Mèo là một cô bé hồn nhiên, tinh nghịch, có tài hội họa.
- Vui vẻ chấp nhận tên “Mèo” mà anh trai đặt cho, hãnh diện và “còn dùng để xưng hô với bạn bè”; hành động ấm áp: “ôm cổ tôi, thì thầm”. → Cô bé rất quý mến anh trai của mình và là một cô bé tình cảm, ấm áp.
- Cô bé vẽ anh trai của mình trong bức tranh gửi tham gia trại thi vẽ, không để bụng những lời gắt gỏng của anh. → Cô bé có tấm lòng nhân hậu, bao dung.
→ Qua lời kể của nhân vật người anh, nhân vật cô em gái hiện lên với đặc điểm nổi bật là một cô bé dễ thương, trong sáng, chăm chỉ, nhân hậu và đặc biệt là có năng khiếu hội hoạ.
Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 51)
- Người anh trai cảm thấy mình bất tài:
+ Cậu đã “làm một việc mà tôi vẫn coi khinh” đó là xem trộm những bức tranh của em gái.
+ Sau khi xem trộm tranh của em gái, cậu “lén trút ra một tiếng thở dài…”. Động từ “lén” thể hiện một sự lén lút, không để ai biết được. Cậu mặc cảm vì cảm thấy mình bất tài và cố giấu mặc cảm ấy đi, không để ai thấy được, biết được.
- Không thể thân với Mèo như trước kia;
- Người anh trai khó chịu, gắt gỏng với em:
+ Khi thấy mặt em gái lem nhem, cậu quát em và thấy khó chịu với vẻ mặt “xịu xuống, miệng dẩu ra” của em.
+ Khi bé Phương được mời tham gia trại thi vẽ Quốc tế: cả nhà vui, “trừ tôi”.
+ Trước khi em gái đi thi, cậu “rất khó chịu” với em vì nghĩ rằng em cứ cố tình “xét nét” mình.
→ Người anh có phần tự ti về bản thân và đố kị với cô em gái có năng khiếu hội hoạ.
Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 51)
- Nhân vật “tôi” khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ"
+ “Giật sững người”, “ngỡ ngàng”: bất ngờ vì không nghĩ mình lại là nhân vật được vẽ trong tranh.
+ “Hãnh diện”: hãnh diện được em gái vẽ quá đẹp, hãnh diện vì là tài năng hội hoạ của em gái mình.
+ “Xấu hổ”: xấu hổ vì đã có thái độ ích kỉ, gắt gỏng với Mèo và xấu hổ vì cả sự “hãnh diện” vừa xong của mình.
+ “Muốn khóc quá”: Tâm trạng lên đến đỉnh điểm, muốn vỡ òa trong tất cả các trạng thái cảm xúc.
+ Cảm thấy em gái mình trong sáng và “nhân hậu”: “Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em gái con đấy.”
→ Cảm xúc, tâm trạng người anh khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ có sự thay đổi phức tạp từ ngỡ ngàng, hãnh diện rồi xấu hổ. Đó là các từ diễn tả các cấp độ cảm xúc rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhằm bộc lộ sự bối rối trong tâm lí nhân vật “tôi” khi nhận ra tình cảm yêu thương mà em gái dành cho mình. Dòng cảm xúc nội tâm nhân vật người anh được đẩy lên đến cao trào khi cậu lặng người đi (nhìn như thôi miên vào bức tranh) và muốn khóc. Điểm cuối của dòng cảm xúc dâng trào đó chính là sự thay đổi: sự đố kị, hẹp hòi đã nhường chỗ cho tình yêu thương. Bức tranh chính là lời nhắn gửi thương yêu từ trái tim của em gái dành cho anh trai của mình.
Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 51)
Điều quan trọng nhất có thể gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau đó chính là tình yêu thương.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Người kể chuyện
- Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi" (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình" (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.
2. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi”
2.1. Nội dung
Qua câu chuyện của người anh và cô em gái có tài năng hội hoạ, truyện cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế của chính bản thân mình. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” còn đề cao tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Đó chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình.
2.2. Nghệ thuật
- Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế.