02. VĂN BẢN 1. CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ LOÀI NGƯỜI
(Xuân Quỳnh)
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 39)
- Một truyện kể về nguồn gốc loài người trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam hoặc văn học nước ngoài mà em biết: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Bàn Cổ khai thiên lập địa và Nữ Oa sáng tạo con người, Jehovah sáng tạo ra con người (Truyện trong Kinh Thánh)...
- Trong những truyện đó, sự ra đời của con người đều rất kì lạ:
+ Đều do thần linh tạo ra.
+ Trước khi con người ra đời: Thế giới từ tối tăm chưa có gì
+ Khi con người ra đời: Thế giới có ánh sáng, màu sắc, muôn vật bắt đầu sinh sổi, nảy nở.
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 39)
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
(Nguyễn Khoa Điềm)
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân...
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka Lưi
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi...
(SGK Tiếng Việt 4 tập 2, trang 48, 49, NXB Giáo dục Việt Nam)
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
Chuyện cổ tích về loài người là một bài thơ, vì những lí do sau:
- Phương thức biểu đạt: biểu cảm kết hợp với tự sự và miêu tả.
- Hình thức:
+ Mỗi dòng thơ có năm tiếng, các dòng được sắp xếp theo khổ và không giới hạn số lượng dòng.
+ Sử dụng vần chân ở hầu hết các dòng thơ:
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
[...]
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng...
+ Mỗi dòng đều được ngắt nhịp 3/2 hoặc 2/3 tạo âm điệu nhịp nhàng như thủ thỉ, tâm tình, gần gũi với trẻ em:
Mắt trẻ con/ sáng lắm
Nhưng chưa thấy/ gì đâu!
Mặt trời/ mới nhô cao
Cho trẻ con/ nhìn rõ
Màu xanh/ bắt đầu cỏ
Màu xanh/ bắt đầu cây
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
- Trước khi có trẻ em, thế giới trần trụi, không có sự xuất hiện của sự sống, chưa có ánh sáng, khắp nơi là màu đen âm u:
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác
- Thế giới đã có sự thay đổi khi trẻ em xuất hiện:
+ Sự vật sinh sôi: Mặt trời mọc, cỏ, cây, hoa, chim, gió, sông, biển, cá tôm, cánh buồm, đám mây, con đường,...
+ Ánh sáng xuất hiện khi mặt trời “nhô cao” để cho trẻ con “nhìn rõ”.
+ Màu sắc tươi tắn, rực rỡ: màu xanh của cỏ cây, màu đỏ của hoa
+ Âm thanh trong trẻo, rộn rã: tiếng chim hót.
→ Mỗi sự thay đổi trên thế giới đều bắt nguồn từ sự sinh ra của trẻ con. Các sự vật, hiện tượng xuất hiện đều để nâng đỡ, nuôi dưỡng, góp phần giúp trẻ con trưởng thành cả về vật chất và tâm hồn.
Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
Món quà tình cảm mà chỉ có mẹ mới đem đến được cho trẻ chính là tình yêu của mẹ. Tình yêu ấy được thể hiện một cách bình dị mà cảm động qua sự chăm sóc ân cần “bế bồng chăm sóc” và “lời ru”.
Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
Bà cho bé những câu chuyện ngày xưa. Những câu chuyện ấy gửi gắm những ý nghĩa sâu xa, những ước mong của bà.
- Bà kể cho bé những câu chuyện cổ tích:
+ Tấm Cám, Thạch Sanh: Ước mơ về lẽ công bằng, người ở hiền sẽ gặp lành, ở ác sẽ bị quả báo;
+ Cóc kiện trời: Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh;
+ Nàng tiên ốc, Ba cô tiên: Lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
- Những câu chuyện cổ tích đó mang đến cho trẻ thơ những bài học về triết lí sống nhân hậu, ở hiền gặp lành; là suối nguồn trong trẻo nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ.
Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
Điều bố dành cho trẻ khác với điều mà mẹ và bà dành cho trẻ:
- Nếu mẹ và bà yêu thương trẻ, dành cho trẻ sự chăm sóc ân cần, lời ru ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích nhân văn thì tình yêu của bố thể hiện qua sự truyền dạy những tri thức về thiên nhiên và cuộc sống.
- Mẹ và bà nuôi dưỡng cho trẻ trái tim ấm áp, yêu thương, biết ước mơ và tin vào những điều tốt đẹp. Bố giúp trẻ trưởng thành về trí tuệ.
→ Mỗi thành viên trong gia đình đều yêu thương, quan tâm đến trẻ. Nhưng mỗi người lại có cách thể hiện tình yêu và vai trò riêng đối với trẻ.
Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
Hình ảnh trường lớp và thầy giáo hiện lên giản dị với: chữ viết, ghế, bàn, lớp học, bảng, phấn và thầy giáo.
→ Chính nơi này, người thầy cùng những phương tiện dạy học đơn sơ đã mang đến cho trẻ thơ những bài học về đạo đức, tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp,... giúp trẻ trưởng thành.
Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
Mặc dù phương thức biểu đạt chính của thơ là biểu cảm – tức là bộc lộ, thể hiện cảm xúc, tình cảm - nhưng trong nhiều trường hợp thơ vẫn lồng trong đó yếu tố tự sự. Bài thơ có nhan đề Chuyện cổ tích về loài người gợi cho người đọc liên tưởng tới những câu chuyện tưởng tượng về sự xuất hiện của loài người trong vũ trụ dưới hình thức cổ tích suy nguyên, giải thích nguồn gốc của loài người mang màu sắc hoang đường, kì ảo.
Câu 8. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
* Sự giống và khác nhau giữa câu chuyện của nhà thơ Xuân Quỳnh với những câu chuyện nguồn gốc khác
- Giống:
+ Đều giải thích nguồn gốc của loài người.
+ Đều có những yếu tố hoang đường, kì ảo.
- Điểm khác biệt của nhà thơ Xuân Quỳnh:
+ Về quan niệm: Không phải người lớn mà là trẻ con được sinh ra trước nhất. Trẻ con chính là trung tâm của vũ trụ, vạn vật trên trái đất được sinh ra là vì trẻ cm; những người thân như ông bà, bố mẹ được sinh ra là để che chở, yêu thương, nuôi dạy trẻ em khôn lớn thành người.
+ Cách kể mang nét độc đáo của lời tâm tình từ trái tim một người mẹ dành tình cảm yêu mến cho trẻ thơ. Bài thơ gợi liên tưởng tới câu ca dao:
Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông.
* Qua sự khác biệt đó thể hiện điều nữ nhà thơ muốn nhắn gửi:
- Tới trẻ em: Hãy yêu thương những người thân trong gia đình bởi họ đã dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất. Tình cảm cần được thể hiện qua những lời nói, hành động, việc làm cụ thể, giản dị hằng ngày.
- Tới các bậc làm cha mẹ: Hãy yêu thương, chăm sóc và dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất bởi các em chính là tương lai của gia đình, đất nước. Các em cần được sống trong môi trường tốt đẹp, được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ để khôn lớn, trưởng thành.
II. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Kiến thức chung về thơ
1.1. Khái niệm
- Thơ là một hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu
1.2. Một số đặc điểm của thơ
- Mỗi bài thơ thường được sáng tác theo một thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi bài,…
- Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…)
- Khi phân tích thơ, phải gắn nội dung với hình thức nghệ thuật, chú ý đến các đặc điểm như: vần, nhịp, thanh điệu, âm điệu,…
- Nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ có thể có yếu tố tự sự (kể lại một sự kiện, câu chuyện) và miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng) nhưng những yếu tố ấy chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
2. Bài thơ Chuyện cổ tích về loài người
2.1. Nội dung
Chuyện cổ tích về loài người là một bài thơ với sự tưởng tượng hư cấu về nguồn gốc của loài người hướng con người chú ý đến trẻ em. Bài thơ tràn đầy tình yêu thương, trìu mến đối với con người, trẻ em. Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Tất cả những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho trẻ em. Mọi vật, mọi người sinh ra đều dành cho trẻ em, để yêu mến và giúp đỡ trẻ em.
2.2. Nghệ thuật
- Thơ 5 chữ.
- Gieo vần chân.
- Cách ngắt nhịp: 3/2 hoặc 2/3.
III. GỢI Ý PHẦN VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - Trang 43)
- HS tìm đoạn thơ yêu thích; xác định nội dung chính, những yếu tố nghệ thuật nổi bật và cảm xúc của em khi đọc đoạn thơ đó.
Gợi ý: đoạn thơ nói về sự thay đổi của thế giới khi trẻ em xuất hiện; đoạn thơ thể hiện tình yêu thương, chăm sóc của mẹ; đoạn thơ bà kể chuyện và những điều bà muốn nhắn gửi; đoạn thơ bố dạy cho sự hiểu biết; đoạn thơ về trường lớp và thầy giáo, v.v...
- Học sinh viết đoạn văn.
+ Câu mở đầu cần giới thiệu được tên bài thơ, tên tác giả, nội dung đoạn thơ, cảm xúc chung của em về đoạn thơ.
+ Các câu tiếp theo thể hiện cảm xúc đối với các khía cạnh nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
- Gợi ý: Đoạn thơ thể hiện tình yêu thương, chăm sóc của mẹ:
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…
Đoạn thơ trên viết về tình yêu của mẹ dành cho con được trích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã để lại cho em rất nhiều cảm xúc. Tình yêu của mẹ dành cho con được thể hiện một cách bình dị mà cảm động qua sự chăm sóc ân cần “bế bồng chăm sóc” và lời hát ru nhẹ nhàng, da diết. Mỗi hình ảnh trong lời hát ru của mẹ đều chứa đựng ý nghĩa sâu xa, gửi gắm những ước mong của mẹ dành cho con. Mượn hình ảnh “cái bống cái bang” vốn chỉ những em bé ngoan ngoãn, chăm chỉ trong ca dao, tác giả đã ngầm ý nhắc nhở chúng ta hãy là những người con hiếu thảo. Trong lời ru của mẹ có cả cánh cò trắng đang bay. Cánh cò trắng biểu tượng cho người nông dân vất vả, một nắng hai sương kiếm ăn mà vẫn quanh năm thiếu thốn. Tuy hoàn cảnh sống lam lũ, cực nhọc nhưng họ vẫn giữ tấm lòng trong sạch. Lời ru của mẹ không chỉ hình ảnh mà còn mang trong đó cả vị cay của gừng, vị mặn của muối. Người xưa đã mượn những đặc tính tự nhiên của gừng và muối để diễn tả tình nghĩa thuỷ chung son sắt của con người. “Gừng càng già càng cay”, cũng giống như tình cảm yêu thương chân thành của con người sẽ càng trở nên mặn mà, đằm thắm qua thời gian. Những lời hát ru của mẹ chính là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn để chúng em lớn lên biết sống yêu thương, chia sẻ, nhân ái, thuỷ chung,...