VĂN BẢN 2
EM BÉ THÔNG MINH
I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
- Yêu nước và nhân ái.
- Nhận biết được một số yếu tố của truyện cổ tích.
- Nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể tác phẩm.
- Nhận biết được chủ đề của văn bản.
- Tóm tắt được văn bản một cách ngắn gọn.
- Nhận biết được đặc điểm, chức năng của trạng ngữ; biết cách sử dụng trạng ngữ để liên kết câu.
- Viết được bài văn kể lại một truyện cổ tích.
- Kể lại được truyện cổ tích.
II. TRI THỨC NGỮ VĂN
1. Truyện cổ tích
Là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của các kiểu nhân vật. Truyện cổ tích thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
2. Cốt truyện cổ tích
Thường sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo, mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa...” và kết thúc có hậu. Truyện được kể theo trình tự thời gian.
Truyện cổ tích thường kể về một số kiểu nhân vật như nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh,... Phẩm chất của nhân vật truyện cổ tích chủ yếu được thể hiện qua hành động.
3. Đề tài
Là hiện tượng đời sống được miêu tả thể hiện qua văn bản.
4. Chủ đề
Là vấn đề chính mà văn bản nêu lên qua một hiện tượng đời sống. Trong truyện cổ tích, chủ đề nổi bật là ước mơ về một xã hội công bằng, cái thiện chiến thắng cái ác.
5. Người kể chuyện
Là vai do tác giả tạo ra để kể các sự việc. Người kể chuyện theo ngôi thứ nhất là người kể chuyện xưng “tôi”. Người kể chuyện theo ngôi thứ ba là người kể chuyện giấu mình. Trong truyện cổ tích, người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba.
6. Lời của người kể chuyện
Là phần lời người kể dùng để thuật lại một sự việc cụ thể hay giới thiệu, miêu tả khung cảnh, con người, sự vật,... Lời của nhân vật là lời nói trực tiếp của các nhân vật trong truyện.
III. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Chuẩn bị đọc
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 45)
- Theo em, người thông minh là người có tài trí, có khả năng ứng xử và đối phó mau lẹ, tinh tế với những tình huống phức tạp, bất ngờ.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 45)
- Theo em, người thông minh có thể giúp cho mọi người tháo gỡ, giải quyết được khó khăn trong cuộc sống bằng những phát minh, sáng chế, đưa ra những ý kiến, quan điểm hay, mang tính đột phá giúp ích cho xã hội...
2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 46)
- Người sẽ giải quyết thử thách này chính là cậu bé thông minh. Cậu bé sẽ thành công trong việc giải câu đố của nhà vua.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 47)
- Trong phần tiếp theo, cậu bé sẽ tiếp tục phải vượt qua những thử thách khác, có thể sẽ khó hơn những thử thách trước đó.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
- Chi tiết em bé giải câu đố bằng cách “hát lên một câu” cho em thấy cậu bé rất hồn nhiên, trong sáng. Câu đố không gây khó dễ cho cậu bé, bằng kinh nghiệm dân gian, cậu đã tháo gỡ được khó khăn tưởng chừng không thể gỡ nổi.
3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
Truyện “Em bé thông minh” kể về kiểu nhân vật thông minh trong truyện cổ tích. Vì em bé đã trải qua một chuỗi thử thách (ở đây chính là những lần thách đố), giải quyết một cách nhanh nhẹn, nhẹ nhàng; từ đó hiện lên sự thông minh, tài trí hơn người.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
Đây là lời kể của người kể chuyện vì phần lời dùng để thuật lại sự việc nước láng giềng đưa ra một lời thách đố nhằm thăm dò tình hình nước ta.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
* Những thử thách em bé đã vượt qua:
Thử thách | Hoàn thành thử thách | Cơ sở hoàn thành thử thách |
Viên quan hỏi cha cậu bé: “Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?” | Cậu bé hỏi vặn lại: “Ngựa của ông đi một ngày được mấy bước?” | Lấy gậy ông đập lưng ông. |
Vua sai ban cho làng ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội. | Vào kinh gặp vua, vỡ vĩnh nhờ vua phán bảo cha đẻ em bé cho có bạn chơi cùng. | Khôn khéo khiến vua phải nói ra sự vô lí trong câu đố của mình. |
Vua lệnh: dọn ba mâm cỗ từ một con chim sẻ. | Xin vua rèn một cây kim thành một con dao để xẻ thịt chim. | Lấy gậy ông đập lưng ông. |
Sứ thần đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc. | Hát bài đồng dao: “Tang tình tang! Tính tình tang - Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng - Bên thời lấy giấy mà bưng - Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang - Tang tình tang...” | Vận dụng kinh nghiệm dân gian đúng lúc, đúng chỗ. |
=> Các thử thách trong truyện có ý nghĩa tạo tình huống thuận lợi cho nhân vật bộc lộ phẩm chất của mình. Trải qua các thử thách nối tiếp nhau, người đọc thấy em bé rất thông minh, giải quyết vấn đề rất nhanh nhẹn, tính cách ngây thơ, hồn nhiên, biết giúp đỡ mọi người khi cần thiết. |
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
- Kết thúc truyện cổ tích “Em bé thông minh”:
+ Em bé được phong làm trạng nguyên.
+ Vua sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em, để tiện hỏi han.
=> Đây là một kết thúc hay, phù hợp với diễn biến của truyện, đáp ứng được mong muốn của người tiếp nhận, góp phần thể hiện rõ chủ đề của truyện. Theo đặc điểm của truyện cổ tích, kết thúc của truyện “Em bé thông minh” thuộc loại có hậu.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
- Chủ đề của truyện: Đề cao sự thông minh và trí khôn dân gian.
Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 48)
- Việc tích lũy kiến thức từ đời sống có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người. Vì chính những kiến thức đó cùng với kiến thức được học trong sách vở, học ở nhà trường sẽ giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, hoàn thiện bản thân…