NÓI VÀ NGHE
TRÌNH BÀY CẢM XÚC VỀ MỘT BÀI THƠ LỤC BÁT
I. CHUẨN BỊ
* Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói
- Đề tài bài nói là gì?
- Em dự định sẽ nói ở đâu và nói trong thời gian bao lâu?
* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
- Sử dụng các ý đã có trong đoạn văn đã viết để chuẩn bị cho bài nói.
- Liệt kê các ý chính cần nói dưới dạng những gạch đầu dòng hoặc cụm từ.
* Bước 3: Luyện tập và trình bày
- Khi trình bày đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát, cần:
+ Giới thiệu rõ tên bài thơ.
+ Đọc diễn cảm bài thơ.
+ Trình bày rõ ràng, mạch lạc những cảm xúc mà bài thơ đã gợi ra cho em.
+ Nêu những từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ để làm minh chứng.
+ Lựa chọn điều chỉnh một số từ ngữ, câu văn sao cho phù hợp với văn nói.
+ Sử dụng cách xưng hô và ngữ điệu linh hoạt, phù hợp với đối tượng nghe và nội dung nói.
+ Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp để thể hiện cảm xúc về bài thơ.
+ Tương tác với người nghe bằng cách nhìn vào mắt họ, mời họ nêu câu hỏi,...
* Bước 4: Trao đổi, đánh giá
Trong bước này, em sẽ lần lượt đóng hai vai trò: người nói và người nghe. Trong vai người nghe, em hãy nêu những điểm hay trong cách trình bày và nội dung bài nói của bạn; nêu câu hỏi, nhận xét về những vấn đề mà em chưa hiểu rõ hoặc có quan điểm khác với người nói. Sau đó, em dùng bảng dưới đây để đánh giá phần trình bày của bạn. Trong vai người nói, em có thể dùng bảng kiểm này để tự kiểm soát bài nói của chính mình.
Bảng kiểm kĩ năng chia sẻ cảm xúc về một bài thơ lục bát
Nội dung kiểm tra | Đạt/ không đạt |
Bài chia sẻ có đủ các phần giới thiệu, nội dung và kết thúc. | |
Trình bày rõ tên bài thơ, tên tác giả và nội dung bài thơ. | |
Thể hiện rõ cảm xúc của người nói về bài thơ. | |
Dùng bằng chứng cụ thể trong bài thơ để làm rõ cảm xúc của người nói. | |
Sử dụng động tác, ánh mắt (ngôn ngữ hình thể) để góp phần thể hiện nội dung nói. |
II. LUYỆN TẬP
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn (từ 150 đến 200 chữ) ghi lại cảm xúc của em về một bài thơ lục bát.
Tham khảo gợi ý:
Bài thơ “Về thăm mẹ” của tác giả Đinh Nam Khương đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tôi. Trước hết là bởi bài thơ đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống bình dị với bao sự vật quen thuộc chốn làng quê như: chum tương, nón mê, áo tơi, bù nhìn rơm, đàn gà, cái nơm… Chính từ không gian làng quê yên bình ấy mà người đọc như lắng đọng trong suy tư, như cảm nhận được sự bình yên, thư thái. Từ khoảng lặng trong tâm hồn, người đọc lại càng xúc động trước hình ảnh của những người mẹ Việt Nam tảo tần, giàu đức hi sinh. Cả đời mẹ dãi gió dầm sương, vất vả sớm hôm lo toan cho gia đình. Cả đời mẹ luôn nghĩ cho con, dành những điều tốt đẹp nhất cho con: “Bất ngờ rụng ở trên cành - Trái na cuối vụ mẹ dành cho con”. Những “món quà” giản dị nhưng chan chứa tình yêu thương vô bờ của mẹ khiến con xúc động, rưng rưng khó nói thành lời: “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”. Dấu ba chấm là một khoảng lặng, cho thấy con đã không lớn, trưởng thành, đã thấu hiểu những nhọc nhằn, gian khó của đời mẹ. Và cũng bởi vậy, bài thơ viết nên từ những câu chuyện “giản đơn thường ngày” nhưng ấm áp, thân thương, chạm đến cảm xúc nơi trái tim người đọc.