THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
(THÀNH NGỮ, DẤU CHẤM PHẨY)
I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM
1. Thành ngữ
Là những cụm từ cố định quen dùng, thường ngắn gọn, có hình ảnh. Ví dụ: khỏe như voi, chậm như rùa, trên đe dưới búa, một cổ hai tròng, nhà tranh vách đất, giật gấu vá vai,... Việc sử dụng thành ngữ giúp cho lời ăn tiếng nói sinh động, có tính biểu cảm cao.
2. Dấu chấm phẩy
Có nhiều công dụng. Bài học này chỉ đề cập công dụng sau: Dấu chấm phẩy dùng để đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp. Ví dụ: “Những bí quyết để sống lâu: từ: nhân đức, phúc hậu; kiệm: chừng mực; hòa: vui vẻ, khoan dung; tĩnh: điềm đạm, không nóng nảy” (Ngạn ngữ phương Đông).
II. LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 78)
Câu | Thành ngữ | Nghĩa của thành ngữ |
a. | lớn nhanh như thổi | Chỉ sự thay đổi nhanh chóng về đặc điểm bên ngoài của người/ vật. |
b. | hôi như cú mèo | Chỉ cơ thể có mùi hôi khó chịu. |
c. | cá chậu chim lồng | Chỉ tình cảnh bị giam giữ, tù túng, mất tự do. |
d. | bể cạn non mòn | Nói về sự thay đổi của thiên nhiên, đất trời, của thời thế, cuộc đời. |
e. | buôn thúng bán bưng | Buôn bán hàng vặt ở đầu đường góc chợ với vốn liếng không đáng kể. |
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 78)
Thành ngữ | Nghĩa của thành ngữ |
Chậm như rùa | Ì ạch, chậm chạp. |
Khỏe như voi | Rất khỏe, ví người có sức khỏe như voi (vâm). |
Yếu như sên | Rất mềm yếu, chậm chạp. |
Nhanh như cắt | Chỉ hành động nhanh và dứt khoát, ví với sự nhanh nhẹn như chim cắt. |
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 78)
Thành ngữ | Nghĩa của thành ngữ |
Có mới nới cũ | Chỉ thái độ phụ bạc, có cái mới thì rẻ rúng cái cũ. |
Trước lạ sau quen | Lần đầu gặp mặt một người cảm giác rất lạ nhưng dần khi biết nhau rồi thì sẽ trở nên quen thuộc. |
Nói trước quên sau | Vừa nói xong đã quên luôn. |
Mặt nặng mày nhẹ | Tỏ thái độ khó chịu, không hài lòng ra mặt. |
Đầu trâu mặt ngựa | Chỉ những kẻ vô lại, hung hãn. |
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 78)
- Nối: 1 - e, 2 - d, 3 - b, 4 - c, 5 - a.
- Các thành ngữ đó sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 78)
Dấu chấm phẩy được in đậm:
a. Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt; khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân mình ngày trước; khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lí tưởng cao đẹp của thời đại; khóc cả khi kể lại những khổ đau, oan trái của những nhân vật là những đứa con tinh thần do chính mình “hư cấu” nên.
=> Tác dụng: Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.
b. Chẳng hạn, truyện dân gian kể, lúc Lê Lợi sinh ra có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm; còn Nguyễn Huệ, khi ra đời, có hai con hổ chầu hai bên.
=> Tác dụng: Đánh dấu ranh giới giữa các vế của câu ghép trong trường hợp mỗi vế của câu ghép ấy gồm nhiều bộ phận, các bộ phận đã được ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy.
Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 78)
Nhân vật cậu bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” của nhà văn Nguyên Hồng đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm. Hồng là một em bé có hoàn cảnh bất hạnh: cha mất vì nghiện ngập, mẹ đi tha hương cầu thực, em sống cô đơn trong sự ghẻ lạnh của họ hàng nhà nội. Song vượt lên sự độc ác, cay nghiệt, những rắp tâm tanh bẩn của bà cô, Hồng vẫn luôn yêu thương, kính trọng của người mẹ bất hạnh của mình. Hồng ước những cổ tục đã đày đọa mẹ như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ “mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Ước muốn ấy thể hiện rất rõ tình yêu thương mẹ tha thiết, chân thành và sâu nặng của Hồng. Chính vì vậy, Hồng đã vỡ òa trong sung sướng khi gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách. Hồng hạnh phúc vì được ở trong lòng mẹ, được mẹ âu yếm vỗ về; được cảm nhận hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng.