ÔN TẬP VÀ TỰ ĐÁNH GIÁ CUỐI HỌC KÌ I
I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
- Trình bày được các nội dung cơ bản đã học trong học kì I, gồm kĩ năng đọc hiểu, viết, nói và nghe; các đơn vị kiến thức tiếng Việt, văn học.
- Nêu được yêu cầu về nội dung và hình thức của các câu hỏi, bài tập giúp em tự đánh giá kết quả học tập cuối kì.
II. NỘI DUNG ÔN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 107)
Thể loại | Văn bản |
Truyền thuyết | Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm. |
Truyện cổ tích | Thạch Sanh. |
Thơ lục bát | À ơi tay mẹ, Về thăm mẹ, Ca dao Việt Nam. |
Kí | Trong lòng mẹ, Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, Thời thơ ấu của Hon-đa. |
Văn bản nghị luận | Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ; Vẻ đẹp của một bài ca dao; Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước. |
Văn bản thông tin | Hồ Chí Minh và “Tuyên ngôn độc lập”; Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ; Giờ Trái Đất. |
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 107)
Loại | Tên văn bản | Nội dung chính |
Văn bản văn học | Thánh Gióng | Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm. |
Sự tích Hồ Gươm | Bằng những chi tiết tưởng tượng kì ảo, giàu ý nghĩa, truyện ca ngợi tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc. | |
À ơi tay mẹ | Ca ngợi tình yêu thương con và sự hi sinh của mẹ. | |
Về thăm mẹ | Bài thơ thể hiện tình yêu và sự tảo tần hi sinh của mẹ dành cho con. | |
Ca dao Việt Nam | Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói với cha mẹ, ông bà và thường dùng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ quen thuộc để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt. | |
Trong lòng mẹ | Đoạn trích kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu với người mẹ bất hạnh. | |
Đồng Tháp Mười mùa nước nổi | Chuyến đi Đồng Tháp Mười với nhiều trải nghiệm thú vị đã khơi gợi cho người đọc niềm ham thích và ước mơ khám phá những vẻ đẹp về thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa lịch sử và con người nơi đây. | |
Thời thơ ấu của Hon-đa | Văn bản thể hiện những cảm xúc chân thực, những suy nghĩ rất trẻ thơ về những kỉ niệm mình đã trải qua và hành trình theo đuổi ước mơ ngay từ những ngày thơ bé của Hon-đa Sô-i-chi-rô. | |
Văn bản nghị luận | Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ | - Văn bản đã khẳng định và chứng minh được Nguyên Hồng là nhà văn nhạy cảm, khao khát tình yêu thương và đồng cảm với những người cùng khổ. Sự thấu hiểu, yêu thương và đồng cảm đó xuất phát từ hoàn cảnh gia đình và môi trường sống của ông. Nguyên Hồng xứng đáng được coi là nhà văn của những người cùng khổ. - Bộc lộ tình cảm yêu mến, trân trọng, sự tìm hiểu nghiêm túc của người viết đối với tác giả Nguyên Hồng. |
Vẻ đẹp của một bài ca dao | - Giới thiệu được vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của một bài ca dao cụ thể. - Bộc lộ tình cảm yêu mến, trân trọng của tác giả với bài ca dao, từ đó khơi gợi sự đồng cảm và tình yêu đối với ca dao ở bạn đọc. | |
Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước | Chỉ ra nội dung và ý nghĩa của truyện Thánh Gióng. | |
Văn bản thông tin | Hồ Chí Minh và “Tuyên ngôn độc lập” | Văn bản thuật lại sự kiện Hồ Chí Minh viết và đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, “khai sinh” nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ | Thuật lại diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ | |
Giờ Trái Đất | Giờ Trái Đất - các quốc gia trên thế giới tắt đèn trong vòng một giờ đồng hồ để biểu thị tinh thần chống biến đổi khí hậu. |
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
Thể loại | Những điểm cần chú ý |
Truyền thuyết | - Nhận biết được sự kiện lịch sử liên quan đến câu chuyện được kể. - Chỉ ra tác dụng của những chi tiết hoang đường, kì ảo. |
Truyện cổ tích | - Nhận biết được kiểu nhân vật trong truyện (chẳng hạn: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch,... - Hiểu được quan niệm và ước mơ của nhân dân lao động qua cách kết thúc có hậu thường thấy trong truyện cổ tích; nêu được tác dụng của các chi tiết thần kì. |
Thơ lục bát | - Nhận biết được hình thức bài thơ lục bát (vần, nhịp, số chữ,...). - Chỉ ra được yếu tố nào đã tạo nên âm hưởng, nhạc điệu cho bài thơ lục bát. |
Hồi kí | - Nhận biết người kể lại sự việc đã xảy ra trong quá khứ là ai. Người ấy có trực tiếp tham dự và chứng kiến sự việc không? - Hiểu được vì sao sự việc được kể mang tính cá nhân nhưng lại có ý nghĩa đối với người đọc. |
Du kí | - Nhận biết được văn bản đã ghi lại những điều có thực hay do tưởng tượng. - Chỉ ra được những thông tin độc đáo, mới lạ, hấp dẫn về sự vật, con người, phong tục, cảnh sắc,... trong bài du kí. |
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
Trong sách Ngữ văn 6, tập một có nhiều nội dung gần gũi và có tác dụng đối với đời sống hiện nay cũng như với chính bản thân em. Văn bản em thấy gần gũi nhất chính là văn bản “Giờ Trái Đất” vì đây là một hoạt động mà em cùng gia đình tham gia hàng năm, góp phần tiết kiệm năng lượng cũng như chung tay bảo vệ Trái Đất.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
- Văn bản tự sự:
+ Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
+ Kể về một kỉ niệm của bản thân.
- Văn biểu cảm: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát.
- Văn nghị luận: Trình bày ý kiến về một vấn đề.
- Văn thuyết minh: Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện.
Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
Bước | Hoạt động | Ý nghĩa |
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết | Xác định đề tài Mục đích Người đọc Thu thập tư liệu | - Giúp người viết xác định được các thông tin cần thiết về nội dung sẽ viết, mục đích viết và người đọc tương lai để lưu ý tìm kiếm, sắp xếp ý và lựa chọn ngôn ngữ sao cho hợp lí, đạt hiệu quả giao tiếp. - Việc thu thập tư liệu giúp người viết chuẩn bị tư liệu cho nội dung viết. |
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý | - Dựa vào bước 1, tìm kiếm, liệt kê nhanh bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu bằng cách viết tự do tất cả những từ, cụm từ liên quan đến đề tài bài viết mà không cần quan tâm đến ngữ pháp, chính tả. Việc tìm ý có thể được thực hiện theo hình thức cá nhân hoặc nhóm để huy động được càng nhiều ý tưởng càng tốt. Khi tìm ý, cần lưu ý đến đặc điểm của kiểu bài viết. - Lập dàn ý là sắp xếp các ý tưởng bằng một số cách như: thể hiện ý tưởng bằng sơ đồ mạng, sơ đồ chuỗi; tự kiểm tra lại dàn ý xem xem đã đáp ứng đề tài, mục đích viết, phù hợp với người đọc, thể hiện được đặc điểm kiểu bài,... hay chưa. | - Huy động, tìm kiếm ý tưởng cho bài viết. - Sắp xếp ý tưởng theo một trình tự hợp lí nhất để vừa đảm bảo được đặc điểm của kiểu bài, vừa thực hiện được mục đích viết. |
Bước 3: Viết bài | Viết bài dựa trên những tiêu chí đánh giá bài viết (có thể là bảng kiểm) đã được cung cấp trước. | Triển khai các ý tưởng thành bài viết sao cho đáp ứng các yêu cầu về kiểu bài. Việc dùng các tiêu chí, bảng kiểm khi viết giúp người viết có khả năng tự định hướng, tự điều chỉnh trong quá trình viết. |
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm | Dựa vào những tiêu chí đánh giá bài viết (có thể là bảng kiểm) để đánh giá bài viết, từ đó chỉnh sửa bài viết của bản thân và các bạn cho hoàn thiện hơn. | Giúp người viết đánh giá lại bài viết của mình hoặc của bạn dựa trên các yêu cầu về kiểu bài. Từ đó có thể phát triển năng lực tự đánh giá, tự điều chỉnh bài viết của bản thân sao cho phù hợp hoặc biết phản biện bài viết của nhau khi nhận xét, đánh giá lẫn nhau. |
Câu 7 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
- Tác dụng của việc:
+ Tập làm thơ lục bát: sử dụng từ ngữ hay, có cảm xúc; biết cách nhận diện đặc điểm của thể thơ lục bát...
+ Kể về một kỉ niệm của bản thân: bồi đắp cảm xúc, giúp cho con người hiểu chính bản thân mình hơn…
Câu 8 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
- Bài 1: Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
- Bài 2: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ.
- Bài 3: Kể về một kỉ niệm của bản thân.
- Bài 4: Trình bày ý kiến về một vấn đề.
- Bài 5: Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử
=> Các nội dung nói và nghe đều nằm cùng chủ đề với nội dung đọc hiểu và viết.
Câu 9 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 108)
- Bài 1: Từ đơn, từ phức.
- Bài 2: Từ láy và ẩn dụ.
- Bài 3: Từ đa nghĩa, từ đồng âm, từ mượn
- Bài 4: Thành ngữ, dấu chấm phẩy
- Bài 5: Mở rộng vị ngữ