HƯỚNG DẪN TỰ HỌC
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 88)
Đọc sách báo, truy cập internet, sưu tầm, tìm đọc các bài nghị luận văn học trình bày một ý kiến về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm đã học. HS có thể tìm đọc một vài bài viết sau:
- Ông Gióng vươn vai, sức mạnh dân tộc trỗi dậy (Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo; Bình giảng văn 6, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
- Trời trao gươm báu, việc lớn thành công (Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo; Bình giảng văn 6, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
- Tiếng đàn hóa giải và niêu cơm nhân nghĩa (Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo; Bình giảng văn 6, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 - trang 88)
HS ghi chép và tích lũy những đoạn văn nghị luận hay đã đọc được. Tham khảo đoạn văn:
Nhân danh công lí, tiếng đàn ấy đã thay lời nạn nhân oan uổng nói to lên, vang lên tất cả sự thật, bênh vực người có công, tố cáo kẻ gian xảo, cướp công, gây tội ác, bất nghĩa, bất nhân. Âm thanh, nhịp phách của tiếng đàn rắn rỏi, mạnh mẽ, dứt khoát,... như tiếng vị quan tòa phân xử rạch ròi như lưỡi rìu, mũi tên chàng dũng sĩ nhằm giữa mặt kẻ quyền cao chức lớn, nhưng chúng là thủ phạm gieo đau khổ cho người dân lương thiện. Tiếng đàn của Thạch Sanh vang lên giữa thanh thiên bạch nhật, nói rõ tất cả mọi lẽ đời ân oán, nghĩa tình, vọng từ ngục tối, vọng khắp kinh thành, vọng tới cung vua. Nghe tiếng đàn, nàng công chúa bấy lâu im tiếng, nay “bỗng cười nói vui vẻ”. Thạch Sanh được gặp nhà vua. Tiếng đàn ấy đã hóa giải mọi bi kịch của cuộc đời chàng Thạch Sanh dũng sĩ - nghệ sĩ. Tên Lí Thông độc ác bị trừng phạt. Công lao, tài đức của Thạch Sanh được đền đáp. Tiếng đàn có phép thần thông kì diệu, hay đó chính là khát vọng công lí, khát vọng nhân nghĩa ngàn đời của dân tộc ta? Trong các truyện cổ tích khác, niềm khát vọng đó thường được biểu hiện bằng hình tượng Tiên, Bụt, hoặc những biến hóa huyền ảo, hoang đường. Ở truyện “Thạch Sanh”, tác giả dân gian sử dụng “tiếng đàn” biết nói, nói thấu tình, đạt lí để đấu tranh cho lẽ phải, giành lấy hạnh phúc. Hình tượng “tiếng đàn” vừa gần gũi vừa độc đáo và đậm chất nghệ sĩ.
(Trích Tiếng đàn hóa giải và niêu cơm nhân nghĩa, Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo, Bình giảng văn 6, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)