ican
Soạn Văn 12
Vợ nhặt

Soạn Vợ nhặt

Văn 12 bài Soạn Vợ nhặt: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn Vợ nhặt giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

VỢ NHẶT

- Kim Lân -

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

- Bố cục:

+ Phần 1: Từ đầu cho đến “thành vợ thành chồng”: Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.

+ Phần 2: Từ “ít lâu nay” cho đến “cùng đẩy xe bò về”: Kể lại chuyện Tràng và thị gặp nhau nên vợ nên chồng.

+ Phần 3: Từ “Tràng chợt đứng dừng lại” cho đến “cứ chảy xuống ròng ròng”: Tình thương của bà cụ Tứ đối với đôi vợ chồng mới cưới.

+ Phần 4: Còn lại: Lòng tin về sự đổi đời trong tương lai.

- Mạch truyện bắt đầu từ việc anh cu Tràng – một người dân xóm ngụ cư, tình tính dở hơi lấy được vợ giữa thời buổi đói kém, người chết như ngả rạ. Sự kiện ấy tạo nên sự ngạc nhiên cho tất cả mọi người, kể cả Tràng. Trên bờ vực của cái đói, khát khao về một mái ấm gia đình của Tràng và thị đã được bà cụ Tứ chấp thuận bằng trái tim yêu thương, bằng sự đồng cảm của người mẹ nông dân cả đời chỉ biết lo nghĩ cho con, cho cái. Truyện kết thúc theo hướng mở, gợi về một tương lai tươi sáng: “Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy. Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”…

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

- Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy anh Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà vì:

+ Tràng vốn hội tụ đầy đủ những đặc điểm của một người dễ “ế” vợ:

  • Dân ngụ cư, trôi dạt từ một chốn nghèo khổ, đói khát đến rẻo đất này để mưu sinh.
  • Ngoại hình: thô kệch: “hai mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, “thân hình to lớn vập vạp”…
  • Tính tình dở hơi, cứ vừa đi vừa nói, thường tủm tỉm mà cười một mình, ngửa mặt lên trời mà cười hềnh hệch…

+ Nạn đói Ất Dậu 1945 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong hoàn cảnh đói khổ ấy, chàng lo cho mình, lo cho người mẹ già còn khó; huống chi còn đèo bòng một người phụ nữ khác.

- Sự ngạc nhiên của dân làng, của bà cụ Tứ, và của chính Tràng cho thấy tác giả đã sáng tạo nên một tình huống truyện độc đáo:

+ Điểm độc đáo ở chỗ người ta dựng vợ gả chồng khi trong nhà đang ăn nên làm gia, trong khi đó, Tràng lấy vợ trong cái đói lay lắt, khi đâu đâu cũng là tiếng quạ kêu, cũng là người chết; người ta không biết có lo được cho chính bản thân mình không nữa, huống chi là việc đèo bòng.

+ Cuộc hôn nhân giữa Tràng và thị xuất phát từ lời nói nửa đùa nửa thật của Tràng, từ cái “tặc lưỡi” của một người đàn ông nghèo khó nhưng giàu tình yêu thương. Họ đến với nhau không phải bằng mâm cao cỗ đầy, mà chỉ là “nhặt vợ”, theo nhau về nhà mà nên vợ nên chồng.

=> Đây là một tình huống éo le, trớ trêu không biết nên vui hay nên buồn, nên mừng hay nên tủi.

- Ý nghĩa của tình huống truyện:

+ Giá trị hiện thực: Phơi bày, phản ánh cuộc sống của người nông dân trong nạn đói Ất Dậu năm 1945.

+ Giá trị nhân đạo: Ngợi ca bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của người nông dân: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

- Nhan đề “Vợ nhặt”:

+ Đây là một nhan đề độc đáo với kết hợp từ hết sức đặc biệt: danh từ “vợ” kết hợp với động từ “nhặt”.

+ Vợ là người phụ nữ quan trọng trong suốt cuộc đời với người đàn ông, người san sẻ gánh nặng, cùng người đàn ông xây dựng mái ấm gia đình.

+ Nhặt: nhặt nhạnh, nhặt vu vơ.

+ Nhan đề này gắn liền với tình huống nhân vật thị theo không Tràng về làm vợ chỉ từ lời nói bông đùa: “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.

- Qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, ta hiểu thêm được tình cảnh thê thảm, thân phận rẻ rúng của người nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

* Những phát hiện tinh tế và sâu sắc của nhà văn Kim Lân khi thể hiện khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng:

- Lúc quyết định lấy vợ:

+ Ban đầu Tràng cũng lo lắng: “Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Sau đó, Tràng cũng liều lĩnh tặc lưỡi: “Chậc, kệ!”.

- Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư:

+ Khuôn mặt phởn phơ khác thường.

+ Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh.

+ Khi lũ trẻ trong xóm “chạy ra đón xem”, Tràng “vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng”.

+ Nghe mọi người nói về việc mình có vợ, Tràng “thích ý lắm, cái mặt cứ vênh vênh lên tự đắc với mình”.

- Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ:

+ Tràng thức dậy muộn, trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra.

+ Tràng nhận ra sự đổi thay của căn nhà. Nhìn thấy mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở, vợ hắn quét lại cái sân, Tràng lại càng thêm thương yêu, gắn bó với ngôi nhà của mình. Tràng nhận thấy mình phải có trách nhiệm lo lắng cho vợ con sau này: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Thế rồi, Tràng xăm xăm chạy ra giữa sân, muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

+ Tràng khao khát đổi đời. Tràng quan tâm đến chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế mà còn phá kho thóc của Nhật. Tràng nghĩ ngợi, thấy ân hận, tiếc rẻ vì trước đó, khi nghe thấy Việt Minh “Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh đồng đi lối khác”.

+ Hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới lẩn khuất, ẩn hiện trong tâm trí Tràng là tín hiệu của một tương lai tươi sáng khi anh cu Tràng sẽ đi theo Việt Minh, đi theo cách mạng.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

* Phân tích tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ:

- Biết tin Tràng có vợ, “bà lão cúi đầu nín lặng”. Bà hiểu ra biết bao cơ sự, ai oán xót thương cho số kiếp của đứa con mình. Bà tủi thân tủi phận, kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt. Giọt nước mắt chứa đựng sự lo lắng của một người mẹ yêu thương con hết mực “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

- Bà “mừng lòng” vì cuối cùng, thằng con bà cũng có vợ, cũng yên bề gia thất.

- Trong buổi sáng ngày hôm sau, hạnh phúc của người con trai khiến bà “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở, ra sức dọn dẹp căn nhà với hi vọng cuộc đời có cơ khấm khá. Trong bữa ăn, bà toàn nói về những chuyện vui, toàn sự sung sướng sau này. Bà bàn với con tính chuyện nuôi gà mà “ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”.

- Song, nồi cháo cám đắng chát và tiếng trống thúc thuế kéo bà cụ Tứ trở về với hiện thực: “Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”.

=> Bà cụ Tứ là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam truyền thống – giàu tình yêu thương con, giàu đức hi sinh, ham sống và khát khao hạnh phúc…

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

- Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, tạo được ấn tượng mạnh với người đọc. Mở đầu thiên truyện là hình ảnh anh cu Tràng dẫn người vợ nhặt về xóm ngụ cư, sau đó, tác giả mới thuật lại câu chuyện “nhặt vợ” của anh cu Tràng thật độc đáo, bất ngờ.

- Cách dựng cảnh gây ấn tượng với nhiều chi tiết đặc sắc; nhất là cảnh người chết như ngả rạ, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng quạ kêu, mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người, mùi đốt đống rấm khét lẹt… Tất cả những chi tiết ấy gợi tình cảnh thê thảm, thân phận rẻ rúng của con người trước nạn đói Ất Dậu năm 1945.

- Đối thoại sinh động: Cuộc đối thoại giữa thị với Tràng ở kết truyện đã gợi lên trong Tràng nhiều suy nghĩ, anh hối hân, tiếc rẻ vẩn vơ về việc “kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh đồng đi lối khác”. Phải chăng đó cũng là tiền đề để Tràng đến với cách mạng?

- Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế: Nhà văn thể hiện sự am hiểu tâm lí nhân vật, đặc biệt là người nông dân. Chẳng hạn trong đoạn văn miêu tả tâm trạng của Tràng vào buổi sáng ngày hôm sau, tác giả đã làm nổi bật những đổi thay của nhân vật để khẳng định: niềm hạnh phúc gia đình như một nguồn sinh khí mới cho cuộc sống vốn đang ngập tràn sự chết chóc.

- Sử dụng ngôn ngữ nông thôn nhuần nhị, tinh tế. Chẳng hạn, tác giả đã dùng hình thức hò quen thuộc trong dân gian thể hiện trong lời nói của anh cu Tràng: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”…

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Giá trị nội dung

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

2. Giá trị nghệ thuật

Nội dung nhân đạo thể hiện qua một tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

Đoạn văn để lại cho em những ấn tượng sâu sắc nhất trong toàn bộ tác phẩm là đoạn văn bữa cơm ngày đói. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái tươi, với một đĩa muối ăn với cháo thêm cả nồi cháo cám nghẹn đắng ở cổ mà chẳng ai nói với ai lời nào. Bởi lẽ, đoạn văn khắc họa thành công cuộc sống nghèo khổ, tình cảnh thê thảm của người dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám; khơi gợi trong lòng người đọc sự cảm thông, thấu hiểu cho biết bao cảnh đời bất hạnh. Bên cạnh đó, điều làm người đọc ấn tượng hơn cả là hạnh phúc gia đình. Dẫu có khó khăn đến mấy, dẫu xung quanh là cảnh chết chóc, song con người vẫn yêu thương, vẫn lạc quan hướng đến tương lai. Đúng là trong bờ vực của cái chết, con người vẫn sống với nhau bằng tình người, tình thân gia đình.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 33)

Đoạn kết thúc truyện ngắn là chi tiết “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Đây là một cách kết thúc mở, gieo vào người đọc niềm tin mãnh liệt về việc Tràng cũng như những người dân nghèo khổ sẽ đến với cách mạng, đến với Việt Minh. Ánh sáng của cách mạng sẽ đưa họ từ “thung lũng đau thương đến với cánh đồng hoa”, sẽ có những cuộc đổi đời của những người như Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt. Chính kết thúc ấy đã thể hiện xu thế vận động tất yếu của thời đại khi con người đến với cách mạng; khác so với sự luẩn quẩn, bế tắc trong “Chí Phèo” hay sự tối tăm của chị Dậu trong “Tắt đèn”.

 

Gợi ý Văn 12 Soạn Vợ nhặt do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (326)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy