ican
Soạn Văn 12
Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội (bài làm ở nhà) (trang 78)

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2: Nghị luận xã hội - lớp 12

Để các em thực hành tốt "Bài tập làm văn số 2: Nghị luận xã hội - lớp 12", ở bài học này Ican.vn hướng dẫn các em cách lập dàn ý dễ nhớ, dễ hiểu, bám sát các đề văn trong Sách giáo khoa.

Ican

VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 2 : NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

I. DÀN Ý CHUNG

Cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống:

1. Tìm hiểu đề

- Xác định kiểu bài.

- Xác định vấn đề nghị luận.

2. Lập dàn ý

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào đề.

- Giới thiệu vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài.

b. Thân bài:

- Bước 1: Giải thích hiện tượng.

- Bước 2: Phân tích hiện tượng.

+ Trình bày thực trạng.

+ Phân tích những tác động (hậu quả nếu là hiện tượng tiêu cực) của hiện tượng đời sống đó.

+ Phân tích nguyên nhân (chủ quan - khách quan).

+ Đề xuất những giải pháp.

- Bước 3: Rút ra bài học nhận thức và hành động.

c. Kết bài:

- Khẳng định chung về hiện tượng đời sống đã bàn.

- Liên hệ, mở rộng.

II. MỘT SỐ ĐỀ CỤ THỂ

Đề 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 78) Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Văn mẫu đề 1

a. Mở bài

- Dẫn dắt

- Nêu vấn đề nghị luận: Tuổi trẻ học đường cần có suy nghĩ và hành động để giảm thiểu tai nạn giao thông.

b. Thân bài

* Thực trạng tai nạn giao thông

- Theo số liệu thống kê của WHO (Tổ chức y tế thế giới): Trung bình mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2006, riêng Trung Quốc có tới 89.455 người chết vì các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam con số này là 12,300. Năm 2007, WHO đặt Việt Nam vào quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với 33 trường hợp tử vong mỗi ngày.

- Trong 5 năm (tính từ ngày 15-10-2015 đến 14-10-2020), cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người (theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia).

* Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông:

– Khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên…

– Chủ quan:

+ Ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, trong đó không ít đối tượng là học sinh.

+ Những hình thức xử lí chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lí.

* Hậu quả của tai nạn giao thông:

- Gây thiệt hại về người và tài sản.

- Gây rối loạn trật tự an ninh xã hội.

* Thanh niên, học sinh cần có hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

- Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

- Tuyên truyền cho mọi người biết Luật giao thông cũng như tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông.

- Phê phán, tố cáo những trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

c. Kết bài:

Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông và vai trò của tuổi trẻ học đường trong việc góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đề 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 78) Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

Văn mẫu đề 2

Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

a. Mở bài:

- Dẫn dắt

- Nêu vấn đề nghị luận: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm của toàn xã hội.

b. Thân bài:

* Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ:

- Trẻ em lang thang là một hiện tượng xã hội không chỉ diễn ra trong phạm vi một nơi, mà là một hiện tượng phổ biến có tính chất toàn cầu. Ở Việt Nam, hiện tượng trẻ em bỏ nhà, hoặc theo gia đình đi lang thang kiếm sống trên đường phố là một hiện tượng phổ biến.

- Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, năm 2003 cả nước có trên 21.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh với 8.500 em. Năm 2008, mặc dù đã được các cá nhân, tổ chức thu nhận về những mái ấm tình thương để nuôi dạy nhưng hiện vẫn còn trên 10.000 trẻ em không nơi nương tựa. Con số này không ngừng gia tăng.

* Nguyên nhân:

- Trẻ không có bố, mẹ và gia đình, hoặc bị gia đình bỏ rơi phải đi lang thang, sống theo nhóm, tự kiếm ăn và ngủ ngoài đường phố.

- Do gia đình khó khăn về kinh tế các em phải đi lang thang kiếm tiền phụ giúp gia đình.

* Hậu quả:

- Trẻ em đường phố đối diện với nguy cơ thất học cao và dễ rơi vào tệ nạn xã hội.

- Trẻ em bị các đối tượng xấu lợi dụng, bóc lột sức lao động và nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.

- Trẻ em đường phố dẫn đến nạn xin ăn tràn lan ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

* Giải pháp: Đưa các em về những mái ấm tình thương:

- Hiện nay, ở nước ta, những mái ấm tình thương đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Các tổ chức cá nhân tiêu biểu:

+ Tổ chức: Làng trẻ em SOS, các cô nhi viện, ngôi chùa, mái ấm, nhà tình thương,...

+ Cá nhân: Nữ cựu chiến binh Trần Minh Phụng (Long Xuyên), Bà K’Hiếu (Lâm Đồng), ông Vũ Tiến và vợ là bà Vũ Thị Ngọc Oanh (Hà Nội), bà Vương Thị Liễu (Hà Tĩnh),...

- Ý nghĩa:

+ Giúp các em có một điều kiện sống tốt hơn, có cơ hội nhận được sự chăm sóc, yêu thương, giáo dục.

+ Giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.

* Đánh giá về hiện tượng và đề xuất biện pháp nhân rộng:

- Hiện tượng những cá nhân, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương là một hiện tượng đẹp, tích cực, cần phát huy.

- Biện pháp nhân rộng:

+ Tuyên dương những tấm gương cá nhân, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang.

+ Tuyên truyền, kêu gọi các cá nhân, tổ chức giúp đỡ các em nhỏ.

+ Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ trẻ em lang thang cơ nhỡ cũng như những cá nhân, tổ chức có hành động đẹp cưu mang, giúp đỡ các em.

c. Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của phong trào.

- Liên hệ bản thân.

Đề 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 78) Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Văn mẫu đề 3

a. Mở bài:

- Dẫn dắt.

- Nêu vấn đề nghị luận: Cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục đã góp phần điều chỉnh lại mục đích dạy và học trong nhà trường.

b. Thân bài:

* Giải thích về cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

- Mục đích: nâng cao đạo đức của nhà giáo; giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục.

- Phương châm thực hiện: Gắn việc thực hiện Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với việc đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác thi, tuyển sinh và xây dựng quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện phổ cập giáo dục, bảo đảm dạy thực chất, học thực chất để thực sự nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

* Thực trạng:

Hiện nay, các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục rất phổ biến như:

- Tình trạng gian lận trong thi cử.

- Gian lận trong cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ.

- Tiêu cực trong tuyển sinh, chuyển trường ở các cấp học.

- Lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong xây dựng trường sở và mua sắm thiết bị trường học.

* Hậu quả của những biểu hiện tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

- Tạo cho học sinh có thói quen xấu, đức tính xấu, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục con người.

- Tạo ra một xã hội bất công, thiếu trung thực, thiếu niềm tin vào giáo dục.

* Biện pháp

- Việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục chỉ có thể đạt kết quả thực sự và bền vững nếu có sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và có sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, tổ chức.

- Bản thân mỗi giáo viên, mỗi học sinh - những người giáo dục và người được giáo dục phải nghiêm túc thực hiện những quy định của pháp luật, của nhà trường không được có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh, giảng dạy và học tập.

- Gia đình và các bậc phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần chú trọng giáo dục con em mình thái độ học tập đúng đắn, trung thực; không tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương phát hiện và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.

- Cần tuyên truyền về những mặt xấu của việc gian lận trong giáo dục; Tuyên dương những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động; Lên án, xử phạt những tổ chức và cá nhân vi phạm.

c. Kết bài:

- Liên hệ bản thân: Mỗi cá nhân, mỗi học sinh cần có sự cố gắng, nghiêm khắc với bản thân, tuyệt đối không được vi phạm, gian lận thi giáo dục và thi cử.

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của phong trào: Phong trào có tác dụng điều chỉnh mục đích giảng dạy, học tập, đào tạo ra những công dân có phẩm chất đạo đức tốt.

Hy vọng rằng với những gợi ý nêu trên, các em có thể vận dụng thành thạo vào bài làm văn Nghị luận xã hội trong chương trình Ngữ văn 12.

Đánh giá (325)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy