ican
Soạn Văn 12
Việt bắc (trích)

Soạn bài Việt Bắc - Phần tác giả

Ngữ văn 12 soạn bài Việt Bắc phần 1 chi tiết nhất, bám sát chuyên sâu bài giảng do đội ngũ Giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn, giúp học sinh học Ngữ Văn 12 tốt hơn.

Ican

VIỆT BẮC

- Tố Hữu -

(Phần I: Tác giả)

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 99)

- Thời thơ ấu: Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành (1920 - 2002), quê ở Thừa Thiên Huế, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu văn chương. Quê hương và gia đình đã có ảnh hưởng lớn đến hồn thơ Tố Hữu.

- Thời thanh niên: Tố Hữu sớm giác ngộ cách mạng và hăng say hoạt động, kiên cường đấu tranh trong các nhà tù thực dân:

+ Tố Hữu giác ngộ cách mạng từ rất sớm, kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi. Ông hoạt động cách mạng qua nhiều thời kì lịch sử, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng.

+ Năm 1938 (18 tuổi), ông đã trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn thanh niên dân chủ ở Huế. Được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.

+ Tháng 4 - 1939 đến tháng 3 - 1942, ông bị thực dân Pháp bắt giam qua nhiều nhà tù ở miền Trung và Tây Nguyên.

+ Tháng 3 - 1942, ông vượt ngục, tìm ra Thanh Hoá, tiếp tục hoạt động cách mạng

- Thời kì trong và sau Cách mạng tháng Tám 1945: Tố Hữu đảm nhiệm những cương vị trọng yếu trên mặt trận văn hoá văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

+ Cách mạng tháng Tám 1945: Ông giữ vai trò là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.

+ Năm 1947: Ra Thanh Hoá, lên Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, phụ trách văn hoá văn nghệ.

+ Trong hai cuộc kháng chiến đến năm 1986: Giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

+ Năm 1996: Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

+ Năm 2002: Qua đời.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 99)

Đối với Tố Hữu, con đường hoạt động cách mạng và con đường thơ của ông có sự thống nhất, không thể tách rời. Mỗi tập thơ của ông là sự phản ảnh một chặng đường cách mạng.

- Tập thơ “Từ ấy” (1937 – 1946): là một chặng đường đầu tiên tương ứng với 10 năm đầu tiên hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Tập thơ 72 bài chia thành làm ba phần:

+ "Máu lửa" sáng tác trong thời kì Mặt trận Dân chủ. Cảm thông sâu sắc những người nghèo trong xã hội, khơi dậy ý chí đấu tranh.

+ "Xiềng xích" sáng tác trong nhà lao. Thể hiện tâm tư tha thiết yêu đời, yêu tự do, ý chí kiên cường, quyết tâm chiến đấu của người chiến sỹ.

+ "Giải phóng" sáng tác khi vượt ngục đến những ngày giải phóng, ca ngợi thắng lợi của cách mạng, độc lập tự do của Tổ quốc, tin tưởng vào chế độ mới.

- Tập thơ “Việt Bắc” (1947 – 1954). Đánh dấu bước chuyển của thơ Tố Hữu, trong chặng đường này: hướng vào việc thể hiện quần chúng cách mạng mang tính sử thi đậm đà. Gồm 27 bài:

+ Tiếng ca hùng tráng thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp và con người kháng chiến: 9 anh vệ quốc quân, người mẹ, chị phụ nữ, em liên lạc …

+ Thể hiện những tình cảm lớn: tình quân dân, tiền tuyến - hậu phương, miền xuôi - miền ngược, cán bộ - quần chúng, nhân dân – lãnh tụ, tình yêu thiên nhiên đất nước, tình cảm quốc tế vô sản …

- Tập thơ “Gió lộng” (1955 – 1961). Có sự kết hợp thể hiện cái “tôi” trữ tình công dân khi khai thác các đề tài lớn, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước, tình cảm quốc tế vô sản. Gồm 25 bài

+ Hướng về quá khứ để ghi sâu ân tình cách mạng.

+ Ngợi ca cuộc sống trên miền Bắc.

+ Tình cảm thiết tha, sâu đậm vối miền Nam ruột thịt.

- "Ra trận" (1962-1971), gồm 34 bài, "Máu và hoa" (1972-1977), gồm 13 bài, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

+ "Ra trận" bản hùng ca về "Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời".

+ "Máu và hoa" ghi lại chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, khẳng định niềm tin, niềm tự hào phơi phới khi toàn thắng về ta.

- Các tập thơ còn lại: thể hiện những chiêm nghiệm, đúc kết của tác giả với những chặng đường cách mạng của dân tộc và con đường hoạt động của bản thân.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 100)

Thơ Tố Hữu mang chất trữ tình chính trị sâu sắc.

- Thơ Tố Hữu là thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, thể hiện nhiệt tình cách mạng. Cái tôi trữ tình trong thơ ông là cái tôi chiến sĩ, cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc.

- Thơ Tố Hữu mang tính sử thi, phản ánh những vấn đề, sự kiện lớn lao của dân tộc, của cách mạng, có tính chất toàn dân.

- Ngôn ngữ thơ giản dị, giọng thơ tâm tình, đằm thắm.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 100)

Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.

- Về thể thơ:

+ Vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc.

+ Thể thất ngôn trang trọng mà tự nhiên.

-Về ngôn ngữ: Dùng từ ngữ và cách nói dân gian, phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành.

2. Con đường cách mạng – con đường thơ: Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng của dân tộc.

3. Phong cách thơ:

- Về nội dung: Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị sâu sắc.

+ Thơ Tố Hữu là thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn.

+ Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi.

+ Giọng điệu tâm tình, tự nhiên, đằm thắm, chân thành.

- Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.

+ Thể thơ: những thể thơ truyền thống của dân tộc.

+ Ngôn ngữ: những từ ngữ, cách nói quen thuộc.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 100)

Gợi ý: Đoạn thơ trong bài thơ “Từ ấy:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

a. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả Tố Hữu và tác phẩm Từ ấy.

- Trích dẫn đoạn thơ, nêu nội dung chính của đoạn thơ: Diễn tả niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng.

b. Thân bài

* Hai câu thơ đầu: Viết theo lối tự sự, đơn giản như kể lại một kỉ niệm khó quên và sâu sắc nhất trong cuộc đời của tác giả.

- Mốc thời gian “từ ấy”: Là mốc son đầu tiên và chói lọi mở ra một bước ngoặt huy hoàng trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nhà thơ Tố Hữu.

- Hình ảnh “bừng nắng hạ” mang đến cảm giác tràn trề sinh lực, mãnh liệt điều ấy có thể đem so với cảm giác hạnh phúc mãnh liệt, niềm sung sướng và say mê đến tột cùng đang trào dâng trong trái tim máu nóng, tuôn trào trong huyết quản của người thanh niên trẻ tuổi trước sự kiện được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi tròn.

- “Mặt trời chân lí” là một hình ảnh mới lạ thể hiện sự sáng tạo của hồn thơ Tố Hữu, nó tỏa ra những ánh sáng rỡ chói lọi của Đảng, của cách mạng, của chủ nghĩa Mác Lê-nin và thứ ánh sáng ấy vĩnh viễn là chân lí đúng đắn, sánh ngang cùng với mặt trời, là thứ ánh sáng đẹp đẽ đang chan chứa, xuyên thấu tận trong tâm hồn của nhà thơ.

→ Động từ mạnh như “bừng” thể hiện nguồn sáng mạnh và đột ngột, “chói” thể hiện sức lan tỏa xuyên thấu mãnh liệt không chỉ tác động đến thị giác mà còn tác động đến cả trái tim, xua tan đi màn sương mờ mịt của ý thức hệ tiểu tư sản mang đến một tư tưởng mới, một nhận thức mới về con đường giải phóng dân tộc.

* Hai câu thơ sau: Chuyển sang bút pháp trữ tình diễn tả cụ thể, trực tiếp niềm hạnh phúc vô bờ đang chan chứa trong tâm hồn của mình.

- Tâm hồn của tác giả khi bắt gặp ánh sáng cách mạng, lí tưởng Đảng cũng trở nên bừng sáng, tươi vui và tràn ngập sức sống, tựa như vườn hoa được tiếp thêm sinh lực, trở nên có ý nghĩa và tươi đẹp hơn gấp bội lần.

- Lối thơ vắt dòng bắt nguồn từ thơ ca Pháp, thể hiện cảm xúc tràn trề chan chứa, dường như không thể gói gọn trong một câu thơ riêng lẻ mà buộc phải truyền tải sang câu thơ tiếp.

c. Kết bài

 

Bài 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 100)

a. Mở bài

- Dẫn dắt.

- Giới thiệu ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ lẽ thơ rất đỗi trữ tình”.

- Nhận định chung của mình về ý kiến đó.

b. Thân bài

* Giải thích

- Ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu nêu ra một đặc điểm trong sáng tác thơ của Tố Hữu đó là thơ Tố Hữu mang chất trữ tình chính trị sâu sắc.

- Nói đến thơ chính trị, ta thường nghĩ đó là những bài thơ khô khan, mang mục đích cổ động, tuyên truyền. Tuy nhiên, thơ Tố Hữu là sự kết hợp tuyệt vời giữa chất trữ tình (đặc trưng của thơ ca) và chất chính trị. Vì vậy, thơ ông phản ánh những vấn đề chính trị nhưng vẫn giữ được chất mượt mà, giàu tình cảm, cảm xúc, từ đó lay động lòng người.

* Đặc điểm thơ trữ tình – chính trị của thơ Tố Hữu

- Thơ Tố Hữu thể hiện những lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, thể hiện nhiệt tình cách mạng. Cái tôi trữ tình trong thơ ông là cái tôi chiến sĩ, cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc.

– Thơ chính trị quan tâm đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính toàn dân, quan hệ tới vận mệnh sống còn của cả một dân tộc, một đất nước. Thơ Tố Hữu cũng phản ánh những vấn đề, sự kiện lớn lao của dân tộc, của cách mạng, có tính chất toàn dân góp phần hướng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, đề cập đến những vấn đề lớn lao của đất nước, phản ánh từng chặng đường lịch sử của dân tộc và khí thế hào hùng của cách mạng dân tộc.

– Thơ Tố Hữu vẫn là những dòng thơ có tính chất hô hào, cổ động phong trào cách mạng của dân tộc ta, thể hiện nhiệt huyết cách mạng sục sôi. Nhưng những dòng thơ đó lại mang giọng thơ rất tâm tình, đằm thắm, thiết tha, ngọt ngào.

Có thể lấy dẫn chứng từ các bài thơ: Việt Bắc, Từ ấy…

c. Kết bài

- Ý kiến của Hoài Thanh phù hợp với thực tế sáng tác của Tố Hữu.

- Khẳng định đặc điểm độc đáo trong sáng tác và giá trị những tác phẩm của Tố Hữu.

Hy vọng Soạn bài Việt Bắc phần 1 của ICAN soạn thảo giúp bạn học Ngữ Văn 12 tốt hơn. Chúc các bạn học tập vui.

Đánh giá (281)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy