VỢ CHỒNG A PHỦ
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 14)
* Số phận và tính cách của nhân vật Mị:
a. Cảnh ngộ bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống bị đày đọa tủi cực ở nhà thống lí Pá Tra:
- Cảnh ngộ bị bắt về làm dâu gạt nợ: Mị vốn là một gái xinh đẹp, một người con hiếu thảo, yêu đời, ham sống, lại có tài thổi sáo nên không ít chàng trai Hmông đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Thế nhưng vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ: “Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.” mà Mị bị bắt bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
- Cuộc sống bị đày đọa tủi cực của Mị ở nhà thống lí Pá Tra:
+ Mị bị bóc lột, đày đọa về thể xác: Mị trở thành một cỗ máy lao động trong nhà thống lí Pá Tra, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì lên nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Mị tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa trong nhà thống lí Pá Tra; thậm chí không bằng con trâu con ngựa vì “Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”.
+ Mị bị đày đọa về tinh thần: Mị bị ràng buộc trong ý nghĩ: bố con nhà thống lí Pá Tra đã cúng “trình ma”, Mị chỉ còn biết ở cho đến lúc chết rũ xác ở đây thôi. Thần quyền như một công cụ đắc lực để giam hãm những số kiếp bất hạnh như Mị. Từ một cô gái ham sống, khát khao tự do, Mị bị tê liệt về tinh thần: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”. Lúc nào Mị cũng cúi mặt trong nỗi buồn rười rượi, Mị lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa. Giam cầm tuổi thanh xuân của Mị là căn buồn chật hẹp, nhìn ra ngoài không biết là sương hay nắng: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.
- Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị:
+ Trong đêm tình mùa xuân:
- Đầu tiên, Mị ngồi nhầm thầm bài hát của người đang thổi. Sau bao tháng ngày câm lặng ở nhà thống lí Pá Tra, bản tình ca Tây Bắc đã gợi lên trong Mị khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc.
- Trong không khí ngày Tết, Mị cũng uống rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Mị uống như nuốt đi bao cay đắng tủi hờn của cuộc đời làm dâu nhà thống lí Pá Tra.
- Men rượu gợi nhớ trong Mị quá khứ tươi đẹp, thức dậy trong Mị phần đời tưởng chừng đã bị quên lãng: “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo … đã thổi sáo đi theo Mị”.
- Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị nhận ra mình vẫn còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi. Rõ ràng, ở Mị đã trỗi dậy lòng ham sống, khát khao hạnh phúc như bao người phụ nữ có chồng khác.
- Ý thức được thực tại, “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Đây chính là sự phản kháng với thực tại của Mị.
- Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Sau bao tháng ngày sống trong tăm tối, Mị thắp sáng căn buồng như mong muốn thắp sáng cuộc đời của chính mình.
- Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa. Thế nhưng, lúc lòng ham sống, khát vọng hạnh phúc ở Mị trỗi dậy thì A Sử lại “trói hay tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa.” Song, A Mị chỉ trói được thân xác Mị chứ không trói được ý muốn đi chơi, lòng ham sống, khát vọng hạnh phúc của Mị. Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo, đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…
+ Khi cắt dây trói cứu A Phủ:
- Ban đầu, trước cảnh tượng A Phủ bị trói, Mị vẫn dửng dưng, vô cảm: “Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Và nếu A Phủ là cái xác chết đứng, cũng thế thôi. Bởi nhà thống lí Pá Tra đã “chôn sống” tuổi thân xuân, đã “giết chết” bao người bởi vòng dây thần quyền, cường quyền.
- Khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị nhớ về đêm tình mùa xuân “Mị cũng phải trói đứng thế kia”. Qua đó, Mị nhận ra sự bất công, tàn nhẫn của bọn địa chủ miền núi: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”.
- Mị thương cảm cho cảnh ngộ của A Phủ: “Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ … Mị phảng phất nghĩ như vậy”. Trong giây lát, Mị quyết định rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây cứu A Phủ.
- Thương người lại nghĩ đến mình, Mị quyết định chạy theo A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài.
=> Đây là hệ quả tất yếu, phù hợp với diễn biến tâm lí của nhân vật.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 15)
* Ấn tượng về tính cách của nhân vật A Phủ:
- Qua hành động đánh nhau với A Sử: Yêu chính nghĩa, dũng cảm bảo vệ chính nghĩa.
- Lúc bị xử kiện: Can trường, bất khuất chỉ im như cái tượng đá, không kêu khóc, không rên la.
- Khi về làm công gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra:
+ Tự do, phóng khoáng ngay cả khi bị trói buộc.
+ Trung thực.
+ Khát vọng sống mãnh liệt.
* Bút pháp của nhà vưn khi miêu tả nhân vật Mị và nhân vật A Phủ khác nhau ở chỗ:
- Miêu tả nhân vật Mị: thiên về đời sống nội tâm, diễn biến tâm lí.
- Miêu tả nhân vật A Phủ: thiên về hành động.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 15)
* Những nét độc đáo trong quan sát và diễn tả của tác giả về đề tài miền núi:
- Cảnh miền núi với những nét sinh hoạt, phong tục riêng: tục bắt vợ, tục cúng trình ma, cảnh đêm tình mùa xuân, cảnh xử kiện…
- Thiên nhiên thơ mộng được miêu tả bằng ngôn ngữ giàu chất thơ: “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho… gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội”…
II. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 15)
* Qua số phận hai nhân vật Mị và A Phủ, bàn luận về giá trị nhân đạo của đoạn trích:
- Phát hiện, ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của Mị và A Phủ:
+ A Phủ:
- Yêu chính nghĩa, sẵn sàng bảo vệ chính nghĩa.
- Can trường, mạnh mẽ.
- Tự do, phóng khoáng, ham sống, yêu đời.
+ Mị:
- Trẻ trung, xinh đẹp, có tài thổi sáo.
- Chăm chỉ, chịu thương chịu khó.
- Hiếu thảo.
- Ham sống, yêu đời…
- Lên án, phê phán bọn địa chủ miền núi đã áp bức, đày đọa đẩy con người vào tình cảnh khốn cùng. Cha con nhà thống lí Pá Tra áp bức bóc lột sức lao động của Mị và A Phủ, biến Mị và A Phủ trở thành những công cụ lao động cho chúng. Chúng coi mạng người như cỏ rác, thậm chí không bằng cả một con bò bị mất…
- Đồng cảm, xót thương cho số phận đau khổ của Mị và A Phủ trong những ngày tháng sống ở nhà thống lí Pá Tra.
- Tìm hướng giải thoát cho cuộc đời nhân vật: dũng cảm đứng lên chống lại thần quyền, cường quyền, “từ thung lũng đau thương đến với cánh đồng vui”.
III. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.
2. Giá trị nghệ thuật
Tác phẩm khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.
Gợi ý Văn 12 Soạn Vợ chồng A Phủ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.