RỪNG XÀ NU
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 48)
a. Nhan đề “Rừng xà nu” là một nhan đề hay, giàu ý nghĩa.
- Cây xà nu xuất hiện nổi bật và xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Đây là loài cây đặc thù, tiêu biểu cho mảnh đất Tây Nguyên.
- Với sự gắn bó mật thiết giữa cây xà nu và người dân Tây Nguyên, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã xây dựng hình tượng cây xà nu để biểu tượng cho số phận và phầm chất của người dân Tây Nguyên.
b. Đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác:
- Hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp sử thi, có sự kết hợp giữa hiện thực với lãng mạn:
+ Những cánh rừng xà nu mang đầy thương tích: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão…” tượng trưng cho những đau thương, mất mát của người dân Xô Man. Rất nhiều người dân Xô Man đã ngã xuống vì nuôi giấu cán bộ, chính mẹ con Mai cũng đã bị thằng Dực giết chết một cách tàn nhãn, mười đầu ngón tay của Tnú chính là nhân chứng tố cáo tội ác của kẻ thù.
+ Đặc tính ham ánh sáng của cây xà nu tượng trưng cho khát vọng tự do của người dân Tây Nguyên.
+ Khả năng sinh sôi mãnh liệt của cây xà nu biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng của con người Tây Nguyên…
c. Hình ảnh những ngọn đồi, cánh rừng xà nu trải ra hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm.
- Tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, như một điệp khúc để nhấn mạnh, gây ấn tượng với người đọc về hình ảnh rừng xà nu.
- Tái hiện vẻ đẹp đặc trưng, kì thú của mảnh đất Tây Nguyên.
- Khẳng định sức sống bất diệt của dân làng Xô Man, con người Tây Nguyên.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 48)
a. Người anh hùng mà cụ Mết kể trong cái đêm dài ấy chính là Tnú. Đây là người anh hùng có những phẩm chất đáng quý:
- Tnú là người gan góc, dũng cảm, mưu trí:
+ Khi còn nhỏ, Tnú đã góp phần tích cực vào việc nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi anh Quyết hỏi: “Các em không sợ giặc bắt à? Nó giết như anh Xút, bà Nahn đó”, Tnú vùng dậy, tung cái dồ ra: “Cụ Mết nói: Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”.
+ Tnú được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho anh Quyết từ xã về huyện. Tnú không bao giờ chọn đường mòn, mà thường leo lên cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây. Qua sông, Tnú cũng không chọn chỗ nước êm mà cứ chọn chỗ thác mạnh mà bơi ngang bởi “Qua chỗ nước êm thằng Mĩ – Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”.
+ Khi bị giặc phục kích, Tnú nhanh trí nuốt lá thư vào bụng, quyết không khai dẫu kẻ thù tra tấn dã man.
+ Khi lớn lên, Tnú vượt ngục trở về. Nhìn thấy cảnh vợ con bị tra tấn, Tnú xông ra cứu vợ con. Dẫu bị đốt 10 đầu ngón tay vẫn không kêu van trước kẻ thù.
- Tnú là người có tính kỉ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng.
- Tnú giàu lòng yêu thương và cháy bỏng căm hờn:
+ Tnú yêu quê hương, yêu buôn làng Xô Man với những cánh rừng xà nu trải bạt ngàn đến tận chân trời. Với những người thân yêu, Tnú là người bạn nghĩa tình với Mai thuở nhỏ, là người yêu chung thủy của Mai khi trưởng thành, và là một người chồng, một người cha giàu tình yêu thương. Chứng kiến cảnh Mai và đứa con chưa đầy một tháng tuổi bị tra tấn dã man, Tnú vẫn xông vào dẫu trong tay không có vũ khí.
+ Tnú mang ba mối thù lớn: mối thù của bản thân (lưng anh chằng chịt những vết sẹo vì kẻ thù tra tấn, mười đầu ngón tay anh ngón nào cũng bị cụt một đốt vì kẻ thù dùng lửa xà nu đốt); mối thù của gia đình (vợ con anh bị kẻ thù giết hại); mối thù của dân làng (bao người dân vô tội của buôn làng Xô Man đã bị kẻ thù giết chết một cách tàn nhẫn, cánh rừng xà nu cũng bị kẻ thù tàn phá nặng nề…). Bởi vậy, Tnú căm thù quân giặc, luôn sục sôi ý chí chiến đấu.
- So với A Phủ, hình tượng Tnú mới mẻ hơn ở chỗ:
+ Tnú giác ngộ lí tưởng cách mạng từ rất sớm.
+ Trong Tnú chứa đựng chân lí đấu tranh của thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, khong có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.
b. Trong câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú, cụ Mết nhắc đi nhắc lại rằng Tnú đã không cứu sống được vợ con, rồi để khắc ghi vào tâm trí của người nghe câu nói: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” là vì:
- Tnú có sức mạnh về thể chất và tinh thần, nhưng khi không có vũ khí trong tay, Tnú vẫn phải đau đớn chứng kiến cảnh tượng vợ và con bị kẻ thù giết hại; còn bản thân anh bị kẻ thù dùng lửa xà nu đốt cháy 10 đầu ngón tay.
- Chính bởi vậy, câu nói của cụ Mết nhằm thức tỉnh con người, đưa ra chân lí của thời đại kháng chiến chống Mĩ: không có cách nào khác là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù.
c. Câu chuyện của Tnú cũng như dân làng Xô Man nói lên chân lí: Phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Cụ Mết muốn chân lí đó phải được nhớ, được ghi để truyền cho con cháu sau này vì hơn ai hết, cụ đã thấu hiểu những mất mát, đau thương mà dân làng Xô Man phải gánh chịu; chỉ có cầm vũ khí chiến đấu, con người mới bảo vệ được bản thân, những người thân yêu và buôn làng, quê hương của mình.
d. Các hình tượng cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng có vai trò vô cùng quan trọng trong tác phẩm.
- Qua những nhân vật này, người đọc thấy được vẻ đẹp của con người Tây Nguyên: các thế hệ nối tiếp đoàn kết bên nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt.
+ Cụ Mết tiêu biểu cho truyền thống của dân làng Xô Man.
+ Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có hình bóng của Mai – tuổi trẻ Tây Nguyên vững vàng, kiên định đi theo cách mạng.
+ Bé Heng là thế hệ tiếp nối truyền thống cha anh.
- Đồng thời, từ những nhân vật đó, người đọc lại càng thấy rõ hơn vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật chính Tnú – yêu nước, dũng cảm, giàu tình yêu thương…
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 49)
- Hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú có sự gắn bó hữu cơ, khăng khít với nhau:
+ Xà nu gắn bó với Tnú từ thuở nhỏ: khói xà nu xông bảng nứa để Mai và Tnú học chữ.
+ Xà nu là nhân chứng chứng kiến những mất mát, đau thương của cuộc đời Tnú: giặc đốt hai bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu.
+ Xà nu cùng dân làng chào đón Tnú trở về: đuốc xà nu soi sáng đêm anh trở về làng Xô Man.
+ Lúc Tnú lên đường, cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn.
=> Xà nu là loài cây đặc trưng của Tây Nguyên. Đặt trong mối quan hệ với Tnú, người đọc càng thấy được sự gắn bó máu thịt giữa loài cây ấy vẫn con người Tây Nguyên; đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước ở người anh hùng Tnú.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 49)
- Vẻ đẹp nghệ thuật của đoạn trích:
+ Nghệ thuật giàu tính sử thi:
- Đề tài: Số phận và con đường giải phóng của dân làng Xô Man. Đề tài này không chỉ là vấn đề sinh tử với một buôn làng mà là vấn đề mang tính chất trọng đại, gắn liền với số phận của cả dân tộc Việt Nam.
- Nhân vật mang tính sử thi, kết tinh vẻ đẹp của cộng đồng. Hình tượng cụ Mết, Tnú tiêu biểu cho người dân làng Xô Man – những con người kiên định theo cách mạng, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.
- Cách kể chuyện mang đậm tính chất sử thi, gợi liên tưởng đến những người anh hùng thuở xưa như Đăm Săn, Xinh Nhã…
- Giọng kể chuyện của cụ Mết mang âm hưởng sử thi – trang trọng, âm vang: “Thế là bắt đầu rồi, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”…
+ Kết cấu đầu cuối tương ứng tạo bối cảnh sử thi hùng vĩ, gây được ấn tượng mạnh với người đọc về mảnh đất Tây Nguyên.
+ Có sự đan xen, phối hợp giữa lời kể của người kể chuyện và cụ Mết. Điều đó giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động hơn…
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.
2. Giá trị nghệ thuật
Rừng xà nu là một thiên truyện mang ý nghĩa và vẻ đẹp của một khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại. Với lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, tác phẩm đã tái hiện được vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, của con người và của truyền thống văn hóa Tây Nguyên.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 49)
HS tìm đọc trọn vẹn tác phẩm.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 49)
* Hình ảnh đôi bàn tay của Tnú:
- Khi còn lành lặn: Đôi bàn tay của Tnú là đôi bàn tay trung thực, nghĩa tình:
+ Đó là đôi bàn tay cầm phấn học chữ, mở đường đến với cách mạng.
+ Đó là đôi tay “cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng” để tự trừng phạt chính mình.
+ Đó là đôi bàn tay dũng cảm, trung thành với cách mạng. Dẫu đối diện với kẻ thù, Tnú vẫn chỉ tay vào bụng mà nói rằng: “Cộng sản ở đây”.
+ Đó là đôi bàn tay yêu thương nắm chặt tay Mai khi vượt ngục trở về…
- Khi đôi bàn tay bị hủy hoại:
+ Đó là chứng tích gợi Tnú nhớ tới bao đau thương, mất mát.
+ Đó là đôi bàn tay khơi dậy lòng căm thù và ý chí giết giặc.
+ Đó là đôi bàn tay trừng phạt, quả báo khi chính đôi bàn tay tàn tật ấy, Tnú đã bóp chết tên chỉ huy đồn khi nó cố thủ trong hầm…
=> Qua hình tượng đôi bàn tay Tnú, nhà văn khắc họa số phận, tâm hồn và con đường đi lên của cả cộng đồng Tây Nguyên.
Gợi ý Văn 12 Soạn Rừng xà nu do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ