ican
Ngữ Văn 12
Nhân vật giao tiếp

Soạn Nhân vật giao tiếp

Văn 12 bài Soạn Nhân vật giao tiếp: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn Nhân vật giao tiếp giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

NHÂN VẬT GIAO TIẾP

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 18)

a. Trong hoạt động giao tiếp trên, nhân vật Tràng và thị đều là những người trẻ tuổi, cùng lứa, cùng tầng lớp xã hội – những người lao động nghèo khó nhưng khác nhau về giới tính: nam/ nữ.

b.

* Các nhân vật giao tiếp có sự luân phiên chuyển đổi vai người nói, vai người nghe, nghĩa là có sự luân phiên lượt lời.

- Lượt 1: Tràng là người nói, các cô gái là người nghe.

- Lượt 2: Các cô gái là người nói, Tràng là người nghe.

- Lượt 3: Thị là người nói, Tràng và các cô gái còn lại là người nghe.

- Lượt 4: Tràng là người nói, thị là người nghe.

* Lượt lời đầu tiên của thị có hai phần: phần đầu là nói với những cô gái còn lại “Có khối cơm trắng mấy giò đấy!”, lượt sau là nói với Tràng: “Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?”.

c. Các nhân vật giao tiếp trên bình đẳng về vị trí xã hội (họ đều là những người dân lao động nghèo khó). Vì thế, sự giao tiếp diễn ra thoải mái, thân mật, dí dỏm.

d. Lúc đầu, họ là những người xa lạ với nhau; nhưng sau đó, do có cùng lứa tuổi, cùng tầng lớp xã hội nên họ đã nhanh chóng tạo được sự gần gũi, thân mật.

e. Những đặc điểm đó cùng với những đặc điểm riêng biệt khác của từng người (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hóa,…) luôn luôn chi phối lời nói của họ về nội dung và hình thức ngôn ngữ. Họ cười đùa nhưng đều nói về chuyện làm ăn, về miếng cơm manh áo. Trong lời nói có nhiều khẩu ngữ như: này, đấy, nhà tôi ơi, đằng ấy nhỉ

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 18)

a. Các nhân vật giao tiếp trong đoạn văn: Bá Kiến, mấy bà vợ Bá Kiến, dân làng, Lí Cường và Chí Phèo.

- Hội thoại của Bá Kiến với Chí Phèo và Lí Cường chỉ có một người nghe.

- Hội thoại giữa các bà vợ của Bá Kiến với dân làng có nhiều người nghe.

b. Bá Kiến có vị thế cao hơn so với mọi người. Do đó, Bá Kiến nói với giọng hống hách.

c. Chiến lược giao tiếp của Bá Kiến:

(1) Bá Kiến đuổi mọi người để tránh to chuyện và cô lập Chí Phèo.

(2) Bá Kiến hạ nhiệt Chí Phèo bằng những lời nói nhẹ nhàng, bằng cách xưng hô tôn trọng “anh”, bằng sự quan tâm qua lời thăm hỏi: “Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.”.

(3) Nâng vị thế Chí Phèo lên ngang hàng với mình để xoa dịu Chí. Để Chí Phèo không xem là đối địch, Bá Kiến đã nhận Chí Phèo là người nhà, là họ hàng: “Cần gì phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả”, “Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ”…

(4) Bá Kiến kết tội Lí Cường: “Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau”. Mục đích của việc làm này là gián tiếp bênh vực Chí Phèo.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

- Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, các nhân vật giao tiếp xuất hiện trong vai người nói (người viết), hoặc vai người nghe (người đọc); ở giao tiếp dạng nói, các nhân vật giao tiếp thường đổi vai và luân phiên lượt lời với nhau.

- Các nhân vật giao tiếp có thể có vị thế ngang hàng hoặc cách biệt, có thể xa lạ hay hay có quan hệ thân tình. Những đặc điểm đó cùng với những đặc điểm riêng biệt khác của từng người (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hóa,…) luôn luôn chi phối lời nói của họ về nội dung và hình thức ngôn ngữ.

- Để đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp, mỗi nhân vật giao tiếp tùy thuộc vào ngữ cảnh mà lựa chọn và thực hiện một chiến lược giao tiếp phù hợp (bao gồm việc lựa chọn đề tài, nội dung, phương tiện ngôn ngữ, cách thức, thứ tự nói hoặc viết,…).

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 21)

* Phân tích sự chi phối của vị thế xã hội ở các nhân vật trong đoạn hội thoại:

- Hai nhân vật trong đoạn trích là anh Mịch và ông lí. Hai người tuy quen biết nhau, cùng làng nhưng ở vị thế xã hội khác nhau: anh Mịch là hàng cùng đinh, ông lí là chức sắc trong làng có vị thế cao hơn. Do đó, ông lí hống hách, hăm dọa anh Mịch: xưng hô mày – tao, luôn cau mặt, giơ roi song bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa anh Mịch. Ngược lại, anh Mịch chỉ còn biết van xin: “lạy ông”, “cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy”…

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 21)

- Có 5 nhân vật nhưng mỗi người ở một vị thế xã hội, nghề nghiệp, giới tính, văn hóa… nên cùng một sự kiện, trong lời nói, mỗi người lại quan tâm đến một phương diện khác nhau:

+ Chú bé: chú ý đến “cái mũ hai sừng trên chóp sọ của quan” - cách nói thật ngộ nghĩnh.

+ Chị em gái: phụ nữ nên chú ý cách ăn mặc (cái áo dài), khen với vẻ thích thú.

+ Anh sinh viên: đang học nên chú ý đến việc diễn thuyết: “Ngài sắp diễn thuyết đấy!”.

+ Bác cu li xe: chú ý đến đôi ủng.

+ Nhà nho: người có trình độ nên chú ý đến tướng mạo, nói bằng một câu thành ngữ thâm nho để chỉ trích, mỉa mai tên quan.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 22)

a. Bà lão hàng xóm và chị Dậu có mối quan hệ thân tình. Chính bởi vậy, chị Dậu dùng cách xưng hô: cụ - cháu; bà lão gọi anh Dậu là bác trai. Cách gọi đáp cũng thể hiện sự thân mật, kính trọng: này, vâng, cảm ơn cụ. Trong lời nói, bà cụ luôn thể hiện sự quan tâm, đồng cảm với gia đình chị Dậu; còn chị Dậu thì thể hiện sự biết ơn, kính trọng đối với người hàng xóm tốt bụng.

b. Phân tích sự tương tác về hành động nói giữa lượt lời của hai nhân vật giao tiếp trong đoạn trích:

Bà lão

Chị Dậu

Hỏi thăm: “Bác trai đã khá rồi chứ?”

Cảm ơn: “Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường”.

Khuyên: “Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ”.

Thông tin: “Nhưng xem ý hãy còn lề bề lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm”.

Giục giã: “Thế thì phải giục anh ấy ăn mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa kéo vào rồi đấy!”.

Dự định: “Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì”.

c. Nét văn hóa đáng tôn trọng trong lời nói và cách nói của các nhân vật: tôn trọng lẫn nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn.

 

Gợi ý Văn 12 Soạn Nhân vật giao tiếp do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.

Đánh giá (403)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy