CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
- Trước cảnh “đắt” trời cho, người nghệ sĩ cảm thấy “bối rối” và rung động trước cái đẹp toàn bích: “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.
- Trong giây lát, người nghệ sĩ cảm nhận được cái Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời: “tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, anh cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa, “trong ngần”.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
- Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí:
+ Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là hình ảnh một người đàn bà xấu xí “cao lớn, đường nét thô kệch, rỗ mặt” đang “mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới; đi sau người đàn bà là người đàn ông dữ dằn với “tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền”, “mái tóc tổ quạ”, “đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn”.
+ Hơn nữa, nghệ sĩ Phùng còn chứng kiến một cảnh tượng tàn nhẫn: người đàn ông trút cơn giận như lửa cháy bằng cách “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào người đàn bà…”; trong khi người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục thì đứa bé chạy ra đánh lại cha để rồi nhận lại hai cái tát khiến thằng bé “lảo đảo ngã dúi xuống cát”.
à Trước cảnh tượng ấy, Phùng vô cùng kinh ngạc: “kinh ngạc đến thẫn thờ”, “mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”…
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
- Câu chuyện của người đàn bà hàng chài cho thấy cuộc đời có nhiều điều uẩn khúc, con người không thể đơn giản và dễ dãi trong việc đánh giá, nhìn nhận hay đánh giá một sự việc, con người. Cũng giống như người đàn bà hàng chài, sau vẻ xấu xí, thô kệch bên ngoài là sự từng trải, hiểu đời, hiểu người.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
* Người đàn bà vùng biển:
- Là một người phụ nữ từng trải, thấu hiểu sự đời.
- Là một người mẹ hết mực yêu thương con, giàu đức hi sinh.
- Là một người phụ nữ bao dung, nhân hậu.
- Là một người luôn chắt chiu, trân trọng hạnh phúc đời thường…
* Người chồng:
- Là một kẻ vũ phu, song trước đây lão cũng từng yêu thương vợ con. Lão thay đổi là vì hoàn cảnh nghèo khó, túng quẫn mới sinh ra thô bạo, vũ phu. Anh ta vừa đáng trách nhưng cũng thật đáng thương.
* Người chị: yếu ớt nhưng can đảm, là điểm tựa của người mẹ, ngăn cản được hành động dại dột của đứa em
* Thằng Phác: Đằng sau hành động trái với luân thường đạo lí – đánh cha là một đứa trẻ yêu mẹ vô bờ bến.
* Nghệ sĩ nhiếp ảnh:
- Là một người nghệ sĩ chân chính, một con người say mê với cái đẹp và có trách nhiệm với công việc, có trách nhiệm với cuộc đời.
Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
- Cách độc đáo trong việc xây dựng cốt truyện:
+ Tạo ra tình huống nhận thức độc đáo:
- Phát hiện được cảnh đẹp trời ban, nhưng phía sau cảnh đẹp ấy lại là cảnh bạo lực gia đình.
- Qua cuộc trò chuyện với người đàn bà hàng chài, mới vỡ lẽ, hiểu thấu được nguyên nhân không bỏ chồng của người đàn bà hàng chài.
=> Tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện.
Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
- Ngôn ngữ nhân vật: phù hợp với đặc điểm, tính cách của từng người:
+ Người chồng: vũ phu, tàn bạo nên những lời nói cũng thật tàn nhẫn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.
+ Người đàn bà hàng chài: khi thì dịu dàng, khi thì đau xót lúc lại thấu hiểu, từng trải lẽ đời…
- Ngôn ngữ của người kể chuyện thay đổi theo câu chuyện, nổi bật lên là giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Giá trị nội dung
Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn nhận đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.
2. Giá trị nghệ thuật
Cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo đã góp phần làm nổi bật chủ đề - tư tưởng của tác phẩm.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 - trang 78)
Nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất với người đọc trong truyện chính là người đàn bà hàng chài. Bởi lẽ, người đàn bà hàng chài là hiện thân của bao người mẹ trên đời: cam chiu, nhẫn nhục, sống vì con mà quên đi chính bản thân mình. Giống như nhà văn người Ý đã từng viết: “Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!”.
Gợi ý Văn 12 Soạn Chiếc thuyền ngoài xa do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ