ican
Ngữ Văn 12
Quá trình văn học và phong cách văn học

Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học

Văn 12 bài Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

QUÁ TRÌNH VĂN HỌC VÀ PHONG CÁCH VĂN HỌC

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 183)

- Quá trình văn học là diễn biến hình thành tồn tại, phát triển, thay đổi của văn học qua các thời kỉ lịch sử.

- Quá trình văn học luôn tuân theo những quy luật chung:

+ Thứ nhất: Văn học gắn bó với đời sống, thời đại nào văn hoá ấy, những chuyển biến của lịch sử xã hội thường kéo theo những biến động trong lịch sử phát triển của văn học.

+ Thứ hai: Văn học phát triển trong sự kế thừa và cách tân: văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết, người sau kế thừa giá trị văn học của người trước và tạo nên giá trị mới.

+ Thứ ba: Văn học một dân tộc tồn tại vận động trong sự bảo lưu và tiếp biến. Là một dòng chảy của văn học thế giới.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 183)

- Văn học thời Phục hưng (Châu Âu thế kỉ XV,XVI)

+ Đặc trưng: giải phóng con người, đề cao cá tính, chống lại sự khắc nghiệt của thời kỉ trung cổ.

+ Tiêu biểu: Sếch-xpia (Anh), Xéc-van-tét (Tây Ban Nha).

-Chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ XVII:

+ Đặc trưng: xem văn hóa cổ đại là hình mẫu lý tưởng, đề cao lý trí, sáng tác theo quy luật chặt chẽ.

+ Tiêu biểu: Cooc-nây, Mô-li-e (Pháp).

- Chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ XVIII-XIX

+ Đặc trưng: đề cao những nguyên tắc chủ quan, lấy đề tài trong thế giới tưởng tượng của nhà văn, hình tượng nghệ thuật thường có vẻ đẹp khác thường.

+ Tiêu biểu: Huy-gô (Pháp), Sin-le (Đức).

- Chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX

+ Đặc trưng: thiên về nguyên tắc khách quan, thường lấy đề tài từ cuộc sống hiện thực, xây dựng những tính cách điển hình vừa khái quát vừa cụ thể, tình cách phát triển hợp logic cuộc sống.

+Tiêu biểu: Ban-dắc (Pháp),Tôn-xtôi (Nga).

- Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX

+ Đặc trưng: Thiên về những nguyên tắc khách quan, đề tài lấy từ cuộc sống hiện thực.

- Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa

+ Đặc trưng: miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển CM, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân.

+ Tiêu biểu: M. Gor-ki (Nga).

- Chủ nghĩa siêu thực: thế giới trên hiện thực mới là mảnh đất sáng tạo của nghệ sĩ.

- Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo: coi thực tại bao gồm cả đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo, các huyền thoại, truyền thuyết .

* Ở Việt Nam xuất hiện các trào lưu:

( ở Việt Nam, trào lưu đầu tiên xuất hiện khoảng từ những năm 30 của thế kỉ XX.

-Văn học lãng mạn (1930-1945):Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới.

-Văn học hiện thực phê phán: Ngô Tất Tố, Nam Cao …

-Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 183)

Khái niệm phong cách văn học (phong cách nghệ thuật)

- Phong cách văn học là sự độc đáo, riêng biệt của các nghệ sĩ biểu hiện trong các tác phẩm của họ.

- Phong cách văn học nảy sinh do chính những nhu cầu của cuộc sống, vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện những cái mới, những cái không lặp lại bao giờ, nảy sinh do nhu cầu của quá trình sáng tạo văn học.

- Quá trình văn học được đánh dấu bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo của họ.

- Phong cách in đậm dấu ấn dân tộc và thời đại.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 183)

Những biểu hiện của phong cách văn học

- Cách nhìn, cách cảm thụ mang tính khám phá, giọng điệu riêng: là biểu hiện đầu tiên, quan trọng nhất.

Ví dụ: Giọng thơ triết lí của Chế lan Viên trong Tiếng hát con tàu.

- Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm: chọn đề tài, chủ đề, xây dựng nhân vật, cốt truyện, tứ thơ, cốt kịch,...

Ví dụ: Ngô Tất Tố và Nam Cao, Vũ Trọng Phụng và Nguyên Hồng, Vũ Bằng và Thạch Lam, Nguyễn Tuân và Băng Sơn trong cách lựa chọn các đề tài chung: nông dân, thành thị, ẩm thực...

- Hệ thống các phương thức biểu hiện, các thủ pháp kĩ thuật mang dấu ấn riêng.

Ví dụ: So sánh câu văn của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, thể thơ và câu thơ: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Duy...

- Thống nhất trong bản chất cốt lõi nhưng triển khai lại đa dạng, đổi mới.

Ví dụ: Nguyễn Tuân từ Chữ người tử tù đến Người lái đò sông Đà. Tố Hữu từ Từ ấy, Việt Bắc qua Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa đến Một tiếng đờn,…

- Có tính thẩm mĩ cao, giàu tính nghệ thuật.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Quá trình văn học

a. Khái niệm quá trình văn học

- Văn học là một ngoại hình nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội đặc thù luôn vận động biến chuyển.

- Tiến trình phát triển văn học như một hệ thống chỉnh thể với sự hình thành, tồn tại, thay đổi có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ, hữu cơ với thời kỉ lịch sử.

- Quá trình văn học là diễn biến hình thành tồn tại, phát triển, thay đổi của văn học qua các thời kỉ lịch sử.

- Quá trình văn học luôn tuân theo những quy luật chung.

+ Văn học gắn bó với đời sống.

+ Kế thừa và cách tân.

+ Bảo lưu và tiếp biến.

b. Trào lưu văn học

- Hoạt động nổi bật của quá trình văn học là các trào lưu văn học

- Trào lưu văn học là một hiện tượng có tính chất lịch sử, ra đời và mất đi trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một phong trào sáng tác tập hợp những tác giả, tác phẩm gần gũi nhau về cảm hứng, tư tưởng tạo thành một dòng rộng lớn có bề thế trong đời sống văn học của một dân tộc.

- Các trào lưu văn học trên thế giới:

+ Văn học thời phục hưng

+ Chủ nghĩa cổ điển

+ Chủ nghĩa lãng mạn.

+ Chủ nghĩa hiện thực phê phán

+ Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa

+ Chủ nghĩa siêu thực

+ Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo

- Ở Việt Nam xuất hiện các trào lưu:

+ Văn học lãng mạn (1930-1945)

+ Văn học hiện thực phê phán

+ Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa

2. Phong cách văn học

a. Khái niệm phong cách văn học

- Phong cách văn học là sự độc đáo, riêng biệt của các nghệ sĩ biểu hiện trong các tác phẩm của họ.

- Phong cách văn học nảy sinh do chính những nhu cầu của cuộc sống, vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện những cái mới, những cái không lặp lại bao giờ, nảy sinh do nhu cầu của quá trình sáng tạo văn học.

- Quá trình văn học được đánh dấu bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo của họ.

- Phong cách in đậm dấu ấn dân tộc và thời đại.

b. Những biểu hiện của phong cách văn học.

- Biểu hiện ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả.

- Biểu hiện ở hệ thống hình tượng.

- Thể hiện ở các phương diện nghệ thuật

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 183)

Phân tích sự khác biệt giữa trào lưu văn học lãng mạn và trào lưu văn học hiện thực phê phán qua truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân với đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng.

- Chữ người tử tù thuộc trào lưu văn học lãng mạn lấy đề tài lịch sử nhưng sáng tạo thêm, xây dựng hình tượng nhân vật có vẻ phi thường. Huấn Cao có tài hoa khác thường, tấm lòng trong sáng khác thường (thiên lương trong sáng) và lòng can đảm cũng khác thường: cuộc hội ngộ giữa nghệ sĩ (Huấn Cao) với công chúng say mê nghệ thuật (cai ngục và thơ lại) diễn ra khác thường (trong nhà tù trước ngày bị hành quyết).

- Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia thuộc trào lưu văn học hiện thực phê phán lấy đề tài từ cuộc sống hiện thực, xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình (Xuân tóc đỏ, Tuyết, gia đình Văn Minh…), tính cách phát triển hợp logic cuộc sống.

Bài 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 183)

Nêu những nét chính về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và Tố Hữu.

1. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

a. Trước CMT8: có thể nói là cô đúc trong một chữ "ngông": Ngông là thái độ khinh đời làm khác đời dựa trên cái tài hoa sự uyên bác và nhân cách hơn đời, hơn người.

- Nguyễn Tuân là một người tài hoa uyên bác hơn người: Sự tài hoa uyên bác của ông thể hiện ở các điểm sau:

+ Tiếp cận mọi sự vật ở mặt văn hóa thẩm mĩ để khám phá và khen chê.

+ Vận dụng trí thức của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật để quan sát hiện thực sáng tạo hình tượng.

+ Nhìn người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ tạo nên những nhân vật tài hoa đối lập với những con người bình thường phàm tục.

+ Tô đậm cái phi thường gây cảm giác mãnh liệt dữ dội.

- Nguyễn Tuân là một con người có nhân cách đạo đức hơn đời: chỗ dựa ở thái độ "ngông" của ông không chỉ ở sự tài hoa uyên bác mà còn ở đạo đức hơn đời của ông. Cái gốc của nhân cách đạo đức của Nguyễn Tuân là lòng yêu nước tinh thần dân tộc niềm tha thiết với cái đẹp của văn nghệ của phong tục tập quán của thiên nhiên và những thú chơi tao nhã.

b. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau CMT8: có những chuyển biến quan trọng. Thái độ ngông nghênh khinh bạc không còn nữa. Giọng văn chủ yếu là tin yêu đôn hậu:

- Nếu trước CMT8 Nguyễn Tuân luôn bi quan đối với hiện tại và tương lai. Ông chỉ tin vào cái đẹp của quá khứ thì sau CMT8, cái đẹp của người tài hoa có thể tìm thấy trong những người lao động bình thường.

- Ông vẫn ngợi ca những con người tài hoa ấy vẫn hướng đến những cái gì phi thường mãnh liệt, vẫn vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật để quan sát và mô tả vẫn tô đậm phong cách và cá tính độc đáo của mình. Điều khác là tinh thần dân tộc và lòng yêu nước được phát huy mạnh mẽ trong tác phẩm của ông.

- Tuy nhiên trên những trang văn phong cách riêng của ông vẫn rất rõ nét: Thiên nhiên vẫn còn là những công trình thiên tạo tuyệt vời, anh bộ đội, ông lái đò thậm chí chị hàng cốm, người bán phở... cũng là những con người tài hoa nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình.

2. Phong cách nghệ thuật của Tố Hữu

a. Thơ Tố Hữu mang chất trữ tình chính trị sâu sắc.

- Thơ Tố Hữu là thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, thể hiện nhiệt tình cách mạng. Cái tôi trữ tình trong thơ ông là cái tôi chiến sĩ, cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc.

- Thơ Tố Hữu mang tính sử thi, phản ánh những vấn đề, sự kiện lớn lao của dân tộc, của cách mạng, có tính chất toàn dân.

- Ngôn ngữ thơ giản dị, giọng thơ tâm tình, đằm thắm.

b. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.

- Về thể thơ:

+ Vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc.

+ Thể thất ngôn trang trọng mà tự nhiên.

- Về ngôn ngữ: Dùng từ ngữ và cách nói dân gian, phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt.

 

Gợi ý Văn 12 Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc bác bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (419)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy